Để xây dựng nên được một thành phố thông minh hoàn thiện, cả người dân và chính quyền đều phải bắt đầu từ việc ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin và Internet vào hoạt động quản lý, điều hành thành phố.

Ứng dụng công nghệ từ mức cơ bản nhất

Chính phủ các nước luôn phải đối mặt với thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ công có chất lượng để người dân có thể tiếp cận một cách hiệu quả nhất. 

Tuy nhiên, trước khi triển khai đầy đủ Thành phố thông minh, các đô thị cần bắt đầu sử dụng công cụ ICT cơ bản để hỗ trợ trong việc quản lý, điều hành của chính quyền. Những công cụ này sẽ hỗ trợ việc quản lý nguồn nhân lực, đo lường hiệu suất của các phòng ban khác nhau và kết quả của việc sử dụng các nguồn lực. 

Nói cách khác, chính quyền phải tự quản lý để khi bắt đầu dự án chuyển đổi mô hình Thành phố thông minh, họ có thể tích hợp dữ liệu hiện có vào hệ thống thông tin mới, để làm nền tảng cho một quá trình quy hoạch đô thị tổng hợp mới. 

Ví dụ, số hóa các dịch vụ công là một trong những mục cho phép tối ưu hoá bộ máy chính quyền trong cuộc hành trình hướng đến Thành phố thông minh. Cổng thông tin điện tử cho phép công dân yêu cầu dịch vụ, cung cấp tài liệu và thanh toán trực tuyến là những ví dụ về những gì có thể được coi là bước đi cơ bản hướng đến việc tin học hóa các đô thị.

Cần một tầm nhìn dài hạn

Việc chuyển đổi một Thành phố truyền thống thành Thành phố thông minh không phải là một nhiệm vụ đơn giản, cần đòi hỏi sự cam kết của cả lãnh đạo cấp cao và các đơn vị quản lý khác nhau, cũng như việc lựa chọn một nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ dự án. Kế hoạch này phải được hiểu là một tầm nhìn tổng hợp, đa ngành và hợp tác. 

Bên cạnh việc xem xét tầm nhìn dài hạn, điều quan trọng là phải tính đến nguồn nhân lực cần thiết để dự án phát triển nhanh chóng và chắc chắn. Do đó, đầu tư cho đào tạo nhân lực cũng quan trọng như việc lựa chọn công nghệ. 

Về nguồn nhân lực, cần tìm các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ phát triển và đào tạo những người tham gia vào dự án, cung cấp cho họ những kiến thức cần thiết trong việc thực hiện dự án và đóng góp những ý tưởng sáng tạo công nghệ. 

Tầm nhìn của lãnh đạo một thành phố thông minh

Một khía cạnh quan trọng khác của con người đối với dự án Thành phố thông minh là sự lãnh đạo. Mỗi dự án Thành phố thông minh đòi hỏi một nhà lãnh đạo có thẩm quyền để lãnh đạo sự chuyển đổi và người lãnh đạo này phải có khả năng tạo ra tầm nhìn về tương lai, làm cho việc quản lý thành phố hiệu quả hơn cũng như thiết lập tất cả các kết nối giữa các bên liên quan, đảm bảo rằng tất cả các bên đều có cùng mục đích. 

{keywords}

Phát triển một dự án Thành phố thông minh đòi hỏi khả năng dự báo trước được các vấn đề của thành phố, đánh giá các cơ hội. Thiết kế giải pháp Thành phố thông minh cần xác định các nguồn lực công nghệ cần thiết để phát triển các dự án nhưng phải khả thi về mặt tài chính. 

Ngoài ra, cần có sự tham gia của các nhân viên kỹ thuật từ các khu vực khác nhau, những người có chuyên môn trong việc quản lý và vận hành. Dự án được thiết kế và xây dựng theo từng giai đoạn, nhưng không làm gián đoạn các quy trình và lợi ích đã đạt được: đó là một dự án luôn tập trung vào việc phục vụ công dân. 

Mặc dù con đường này không đơn giản và cũng không phải là trong ngắn hạn, nhưng lợi ích của việc lựa chọn chuyển đổi sang Thành phố thông minh sẽ tăng lên trong trung và dài hạn; xuất phát điểm là tổng quan về thành phố và tất cả những thách thức, mong muốn của công dân và những cơ hội do công nghệ cung cấp. 

Giải quyết vấn đề ảnh hưởng tới đa số người dân

Dự án chuyển đổi sang Thành phố thông minh nên bắt đầu bằng một nghiên cứu chi tiết về các vấn đề ưu tiên ảnh hưởng đến đa số người dân, được xác định và phân tích bằng phương pháp tiếp cận đa ngành. 

Kế hoạch chung nên bắt đầu bằng một hoặc một số dự án thí điểm và hoàn thiện theo từng bước phù hợp với năng lực và tài chính của thành phố. Khi tìm kiếm nguồn lực tài chính để thực hiện tầm nhìn về một Thành phố thông minh, các nhà quản lý thành phố sử dụng các hình thức đầu tư và thực hiện theo từng giai đoạn. 

Vì công nghệ luôn được cải tiến và phát triển, điều quan trọng là kế hoạch cho một Thành phố thông minh phải tận dụng sự phát triển công nghệ. Do đó, các nhà quản lý cần phải kết hợp chặt chẽ các kế hoạch để theo kịp các công nghệ mới, nhằm tăng nguồn cung cấp các nguồn lực và lợi ích cho người dân. 

Khi các nhà quản lý làm việc để tạo ra các thành phố năng động, bền vững, linh hoạt, hấp dẫn hơn và sáng tạo hơn, thì chắc chắn đó phải là một quy hoạch đô thị mới dựa trên khái niệm Thành phố thông minh. 

Tóm lại, bạn không thể quản lý những gì bạn không đo lường, không có đủ số liệu cần thiết. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nền tảng Thành phố thông minh chính là dựa vào hoạt động và ra quyết định về việc thu thập và phân tích dữ liệu của thành phố.

(Còn tiếp)

ThS. Nguyễn Huy Thịnh

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh