Trong chương trình xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011 - 2015, huyện Phú Xuyên đặt ra mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người 25 triệu/người/năm trở lên, đồng thời, tạo việc làm cho 2.500 lao động mỗi năm.

“Giữ mình” trong thời khó


Phú Xuyên là một trong những huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng của Hà Nội hiện nay, toàn huyện có gần 100 làng nghề thủ công, trong đó có 38 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí thành phố với những nhóm nghề như sơn mài, khảm trai, mây giang đan, đồ gỗ, da giày... Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Nhờ công tác nhân cấy nghề, đến nay các làng trên địa bàn huyện đều đã có nghề, giải quyết trên 70% lao động nông thôn (tiêu biểu như nghề khảm trai Chuyên Mỹ thu hút 95% lao động nông thôn; làng nghề xã Phú Túc thu hút 65% lao động; làng nghề da giày xã Phú Yên thu hút trên 60% lao động).

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố, làng nghề ở huyện Phú Xuyên đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ theo kiểu gia đình, mẫu hàng còn đơn điệu… Đặc biệt nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh và bị ép giá. Đây là điều khiến cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Phú Xuyên trăn trở tạo sức bật mới cho người làm nghề nói riêng và cho làng nghề nói chung.

Lễ hội làng nghề truyền thống vinh danh làng nghề Phú Xuyên

Thành công lớn nhất của huyện Phú xuyên trong những năm qua đó là khẳng định được vị thế của làng nghề, sản phẩm của làng nghề không chỉ được biết đến trong nước mà còn được lan tỏa ra nước ngoài, là làng nghề đứng thứ 3 được công nhận theo tiêu chí trong tổng số 20 quận huyện có làng nghề được công nhận.

Đồng thời, huyện đã tổ chức dạy và đào tạo nghề cho 1588 học viên góp phần tạo thêm việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Đặc biệt là huyện cũng đã tổ chức thành công ngày hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên vào ngày 26/10.

Bộ ghế rồng mười món bằng gỗ hương trị giá trên 100 triệu đồng được trưng bày tại HTX Sơn Khảm Ngọ xã Chuyên Mỹ

Tìm sức bật mới

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố, làng nghề ở huyện Phú Xuyên đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ theo kiểu gia đình, mẫu hàng còn chưa phong phú… Đặc biệt nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí bị ép giá.

Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý, tiếng ồn và bụi…hầu hết sản xuất tại nhà xen lẫn với sinh hoạt hàng ngày, hạ tầng tại một số làng nghề chưa đảm bảo, mặt bằng chật hẹp gây khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên vật liệu và kìm hãm sự phát triển của làng nghề…..Đây là điều khiến cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Phú Xuyên đang trăn trở tìm cách tạo sức bật mới cho người làm nghề nói riêng và cho làng nghề nói chung.

Một cặp khảm trai tinh xảo được khách hàng ưa chuộng

Trước những thuận lợi và khó khăn đảng bộ huyện Phú xuyên cũng đã xây dựng chương trình xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011 -2015 với một số mục tiêu đó là: đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghệp tăng 19,5% - 20,5%/năm, đưa thu nhập bình quân đầu người 25 triệu/người/năm trở lên, 50 làng nghề được công nhận theo tiêu chí thành phố, 100% số làng có nghề tạo việc làm cho 2.500 lao động mỗi năm.

Đến năm 2015 quy hoạch 8 điểm làng nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề với tổng diện tích 60 ha, trong đó điểm công nghiệp 30ha, giao thông làng nghề 10ha, các dự án xử lý chất thải 10ha….

Hy vọng với những quyết tâm và nỗ lực của đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Phú Xuyên sẽ tạo ra nhiều thành công mới trong giữ gìn và phát triển làng nghề. Để đưa những sản phẩm của làng nghề truyền thống có tiếng vang trên thị trường.

  • Đinh Hương