Để cổ vũ cho ý tưởng biến
thành phố thành nơi cư ngụ yên bình hơn, một nhóm nghệ sĩ nước ngoài sẽ tổ chức
một tối hòa nhạc gây quỹ làm sân chơi công cộng tại Hà Nội vào tối ngày 20/9 tại
HaNoi Club.
Tham gia chương trình , bạn có thể ngồi xuống để lắng nghe con tim yêu thương
mách bảo:cần làm gì để Hà Nội ta sẽ là nơi sống tốt hơn. Chương trình được thực
hiện bởi sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì đô thị (ACCD) và các KTS tình
nguyện vì cộng đồng (Hội KTS Việt Nam).
Chăm chút sự sống làm ta yêu cuộc sống
Năm 1920, Anton Semionnnovic Makarenko (1988-1939) - một trong những danh nhân
xuất sắc trong Lịch sử giáo dục nhân loại, phụ trách việc giáo dục trẻ em phạm
pháp và không có gia đình ở Bontava. ( Ucren - thuộc Xô Viết cũ) . Ông thành lập
và phụ trách trại Goocki. Tại đây, ông bắt đầu sự nghiệp giáo dục và đã đem lại
thành công rực rỡ. Đó là sự kết hợp giữa giáo dục và tự rèn luyện của tập thể
trẻ em.
Học sinh của ông là những đứa trẻ mồ côi - nạn nhân của cuộc nội chiến tàn khốc.
Ký ức tuổi thơ là làng mạc bị đốt phá, sự bạo tàn, hung dữ của bom đạn, đao kiếm
... các em trở nên nóng nảy, cục cằn, gây gổ đánh lộn, đối xử tàn nhẫn với con
người lẫn con vật nuôi, thẳng tay chặt phá cây cối ... Macarenko đã lập ra các
vườn cây, nơi chăn nuôi thỏ, dê, gà. Các em thi đua trồng cây, chăn nuôi để nhận
phần thưởng của nhà trường.
Những đứa trẻ nâng niu mầm xanh cây lá, âu yếm con vật mình nuôi, lo lắng bệnh
tật cho nó nên “hồi tâm chuyển ý“ rất nhanh. Chăm chút sự sống làm cho những đứa
trẻ tin yêu cuộc sống, trở lại bình lặng và khoan dung, nhân hậu ... tâm tính
luôn có sẵn trong mỗi con người.
Một chút lơ đãng gầm cầu Chương Dương thành bãi rác. Cư dân Phúc Tân chung tay
cải biến bãi phế thải thành vườn cây, ruộng rau sạch, bờ vở ven sông thành lối
đi, sân chơi công cộng. Ảnh: ACCD.
Trở lại ngày xưa yêu dấu
Đấy là những ngày Hà Nội rạng rỡ nụ cười ngay cả khi bom rơi đạn nổ. Trên tầu
điện, người ta nhường chỗ ngồi cho trẻ em, phụ nữ. Ngã tư đường phố luôn sẵn
người dắt trẻ nhỏ người già. Trong hiệu sách, hàng bia hơi hay vòi nước công
cộng đầu phố ... tất cả trật tự xếp hàng. Thiếu thốn, nghèo túng nhưng tình
người sẻ chia đùm bọc, lòng trắc ẩn khi nào cũng sẵn.
Điều hay ấy hôm nay vẫn có ở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), nơi xóm bãi có nhiều
người ngụ cư, nhưng bà con biết bảo nhau khơi rãnh nước cho đỡ ngập, góp công
làm đường đỡ lầy lội và sửa sang cái vạt đất bờ vở thành sân chơi công cộng.
Chiều về mấy chị hàng rau, bác xe ôm, anh thợ xây ra ngồi hóng mát kể chuyện quê
nhà. Trẻ em có nơi tập xe đạp, thanh niên có chỗ tập xà ... Xóm nghèo mà ấm tình
hàng xóm.
Ven hồ Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có khoảng đất trống, các bà hội Phụ nữ đã quyét
dọn, láng xi măng làm Câu lạc bộ khiêu vũ. Mỗi chiều từng cặp dập dìu theo tiếng
nhạc, mỗi sáng lại tập thể dục nhịp điệu rộn ràng ... thấy vui, các bạn trẻ cũng
tham gia đông dần.
Tại Hạ Đình (quận Thanh Xuân), các thành viên CLB Sống Xanh nâng cấp sân bỏ
hoang, đổ rác, chứa vật liệu thành sân chơi “ Ông và cháu”. Nơi đây diễn ra các
trận đấu cầu lông, bóng chuyền rôm rả, con trẻ nô đùa đá bóng náo nhiệt. Nhìn
những ánh mắt, nụ cười của già trẻ, gái trai, chúng ta ngộ ra một điều “con
người chỉ thực sự là người khi chơi, bởi chỉ trong lúc chơi con người mới sáng
tạo“.
Năm 1959 , cư dân Hà Nội lao động vét hồ Bẩy Mẫu làm công viên Thống Nhất. Năm
2011 , bà con cụm 3A phường Hạ Đình nâng cấp cải tạo sân chơi “Ông và cháu”.
Ảnh: ACCD.
-
Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam)