- “Điên”, “Cuồng”, “Tự sướng”, “Buông thả”, “Thoát xác” là tên của những lớp học đang hút các bạn trẻ ở Hà Nội.

Dùng nghệ thuật phát triển con người

Học bằng giác quan, cơ thể và cảm xúc là phương pháp dạy của Life Art - một doanh nghiệp xã hội chuyên sâu về nghiên cứu, thúc đẩy, và thực hiện phương pháp phát triển cộng đồng qua quá trình sáng tạo. Học viên ở đây không phải nghe lời thầy cô giáo, không phải dùng lý trí để ghi nhớ các bài học, mà được tự do sáng tạo, trải nghiệm theo ý thích của mình.

Bà Phan Ý Ly, giám đốc của Life Art cho biết, những cái tên “Điên”, “Cuồng”, “Tự sướng”, “Buông thả”… lấy cảm hứng từ sự gợi ý của chính những học viên đã từng tham gia trải nghiệm ở đây. Tuy nhiên, những cái tên lạ này cũng phần nào liên quan đến nội dung khóa học, bởi tất cả các khóa học đều có chung phương pháp “sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người”.

Lớp Điên dạy cho người ta tự do hơn trong suy nghĩ về mọi vấn đề, dành cho những người muốn tự tin hơn trong cuộc sống. Lớp cuồng dành cho những ai muốn nhảy múa tự do mà không cần tuân theo bất cứ khuôn khổ nào.

Hình ảnh trong lớp học Cuồng (Ảnh L.A)

Một người muốn cảm nhận và “học” toàn diện, không thể chỉ dựa vào những thông tin được cung cấp, mà cần phải trải nghiệm và vận dụng mọi giác quan, trong đó có trực giác của mình để làm giàu vốn sống trong tâm hồn và tri thức của mình, từ đó có cái nhìn và đường đi của riêng mình trong cuộc sống”, bà Ly lý giải về phương pháp học bằng nghệ thuật này.

Những người đứng lớp chỉ nhận mình là người hướng dẫn chứ không phải thầy giáo, bởi họ không dạy dỗ mà chỉ khuyến khích học viên sáng tạo.

Người hướng dẫn Hồ Ngọc Bảo Khiêm cho biết, trong lớp học này, cảm xúc được ưu tiên số một, mọi hành động đều không bị đánh giá đúng hay sai. Bạn không biết nhảy, không sao, bạn vẫn có thể trình diễn bài tập của mình theo như cảm xúc của bạn.

Đi học vì “lạ” hay vì “chất”?

Lớp học mang những cái tên lạ này được các bạn trẻ truyền tai nhau tìm đến để trải nghiệm, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả thực sự mà phương pháp “dùng nghệ thuật để phát triển con người” này mang lại.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng, những khóa học “thoát xác” của trung tâm Life Art thực ra chỉ là một cách gọi khác của việc giải phóng cơ thể mà ở đó có những điểm tương đồng về ngữ nghĩa. Tuy nhiên, cách gọi này đã khiến nhiều bạn trẻ hiểu lầm những khóa học trên có một cái gì đó rất huyền bí và kỳ lạ. Và chưa có căn cứ nào để chứng minh những lớp học này sẽ đem lại kết quả như người ta kỳ vọng.

Mỗi lớp học có từ 15-16 học viên, trong phần “chào nhau bằng bộ phận cơ thể”, mỗi học viên được yêu cầu lần lượt ôm 15 học viên còn lại. (Ảnh L.H)

Các học viên được khuyến khích ôm thật chặt, thật sâu, mỗi cái ôm nên kéo dài ít nhất 1 phút. (Ảnh L.H)

Bà Phan Ý Ly cũng thừa nhận, Life Art cũng chưa có căn cứ nào để đo được hiệu quả của khóa học. “Do nguồn lực có hạn và cũng không biết có bằng chứng nào là tuyệt đối cho bất cứ điều gì và cần bao lâu để đủ kết luận về một điều gì đó, nên Life Art quyết định không chạy theo việc chứng minh hiệu quả của khóa học mà ưu tiên dành thời gian, nỗ lực để suy ngẫm và điều chỉnh sao cho tốt việc mình đang làm”, bà Ly nói.

Nhiều phương pháp trải nghiệm trong khóa học bị đánh giá là “nhạy cảm” như “chào nhau bằng ngôn ngữ cơ thể” (những thành viên xa lạ trong lớp học không phân biệt nam nữ được yêu cầu chào nhau bằng cách chạm vào tay nhau, chạm cổ nhau, sờ má và nhìn vào mắt nhau, ôm nhau thật chặt thật lâu), tự do sáng tạo với bạn diễn (trên nền nhạc du dương, ánh sáng mờ mờ, một người nhắm mắt thả lỏng, người còn lại dùng hai tay điều khiển bạn diễn làm mọi động tác tùy theo ý thích của mình).

Những động tác như thế này giữa 2 người khác giới xa lạ được cho là nhạy cảm (Ảnh L.A)

Bà Phan Ý Ly cho biết mục đích của việc ôm nhau là để mọi người trải nghiệm sự tin cậy và chân thành giữa mình và người xa lạ. (Ảnh L.H)

Trên thực tế, không ít học viên tham gia trải nghiệm vẫn cảm thấy e dè khi phải chạm vào cổ, ôm chặt những người bạn khác giới không quen biết. Nhiều bạn thừa nhận, dù người hướng dẫn đề nghị ôm chặt, ôm sâu nhưng họ chỉ ôm cho “có lệ”.

Nguyễn Thảo, một bạn gái từng tham gia buổi trải nghiệm của Life Art chia sẻ: “Mình ôm được 12 người, trong đó có 5 bạn trai, còn sót 3 bạn trong nhóm chưa kịp ôm. Cảm giác cũng lạ lạ vì đây là lần đầu tiên mình ôm nhiều người đến vậy. Nhưng ôm các bạn trai thì không thoải mái lắm, cứ thấy ngại ngại thế nào ấy”.

Giải tích hành động ôm nhau thật chặt, để cảm nhận "nhịp tim, hơi thở" của nhau, bà Phan Ý Ly cho biết mục đích của của bài tập này là để mọi người trải nghiệm sự tin cậy và chân thành giữa mình và người xa lạ.

Với ý kiến cho rằng các động tác ôm ấp bị cho là “nhạy cảm”, chưa phù hợp với văn hóa của người Việt, bà Ly lý giải: “Mỗi người có xuất phát điểm và hệ quy định, quan niệm, và bối cảnh riêng để kiểm soát bản thân, có thể hoặc không thể làm điều gì. Đồng thời, về câu hỏi liên quan đến “văn hóa Việt Nam”, mình cố gắng để không đánh đồng tất cả người Việt là phải giống nhau, điều quan trọng là cố gắng có sự tôn trọng và chân thành dành cho nhau cho dù khác biệt”.

Người hướng dẫn Hồ Ngọc Bảo Khiêm cho biết, những bài học/động tác sử dụng trong buổi học thực chất là phương pháp dùng ngôn ngữ cơ thể giúp các học viên khám phá đến từng ngóc ngách khó ngờ tới trong cơ thể mình, làm những điều mà mình chưa từng làm để biết yêu quý, trân trọng bản thân mình hơn. Đến với khóa học, các học viên sẽ nhận thấy cơ thể của mình rất kỳ diệu, và mỗi chúng ta là một thiên tài, chỉ có điều chúng ta có tự khám phá ra hay không mà thôi.

Chúng tôi vẫn phải bù lỗ

Ra đời từ năm 2010, đến nay các khóa học trải nghiệm ở Life Art đã thu hút trên 2000 người tham gia.

Hiện tại, mỗi khóa học “Cuồng”, “Tự sướng”, “Buông thả”… có học phí là 1.790.000 đồng/8 buổi học/ mỗi buổi 3 tiếng/người.

Bà Phan Ý Ly cho biết, mức học phí này được đề ra với sự tham khảo trên thị trường. Thực hiện theo mô hình “người có nhiều chi trả cho người có ít”, mỗi khóa học trung bình có 12-16 người học, với 5 người trong số đó là người có hoàn cảnh khó khăn, được cử đến từ các tổ chức phi chính phủ và nhận học bổng toàn phần.

“Những khóa học này không mang lại lãi cho Life Art mà được xem như một chương trình cộng đồng và Life Art vẫn đang liên tục bù lỗ. Số tiền bù đến từ các hợp đồng tư vấn thực hiện phương pháp sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người do Life Art ký kết với các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp”, bà Ly nói.


La Hoàn