Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt trình bày nhiều khuyến cáo quý báu về căn bệnh không có triệu chứng gợi ý đi khám bệnh, nhưng cướp mạng đột ngột nhất: Tăng huyết áp.

Theo điều tra mới nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố, tỷ lệ tăng huyết áp (THA) của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1% (tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA).

Điều nguy hiểm là 52% người bị THA không biết mình có bệnh và đang bị căn bệnh này đe dọa tính mạng. THA không có dấu hiệu đặc hiệu thể hiện bệnh, khiến người bệnh không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Tuyệt đại bộ phận (khoảng 90%) các bệnh nhân bị THA là không rõ nguyên nhân (còn gọi là THA nguyên phát). Chỉ một số nhỏ bệnh nhân tìm được nguyên nhân (do hậu quả của một số bệnh lý khác).

THA là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng đa dạng trên nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể (tim, não, thận, mắt, mạch máu...), khiến người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Đa số trường hợp không thấy các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhiều khi, lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời do đã bị xuất huyết não nặng nề.

THA nguy hiểm và phổ biến đến vậy, nhưng theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, đang tồn tại 3 nghịch lý. Đó là:

- THA là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo HA khá đơn giản) nhưng người ta thường lại không được phát hiện mình mắc bệnh từ bao giờ.

- THA là bệnh có thể điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều.

- THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được "HA mục tiêu" lại nhỏ.

Thế nhưng, giải quyết 3 nghịch lý này không dễ. Đại đa số người dân chưa nhận thức đúng và đủ về mức độ nguy hiểm của THA, chưa thấy được sự cần thiết phát hiện sớm và duy trì điều trị để bảo toàn tính mạng.

Trước tình hình gia tăng nhanh chóng và những biến chứng nặng nề của bệnh THA, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phòng chống THA trở thành Chương trình mục tiêu Quốc gia. Ban Điều hành Quốc gia Phòng chống THA với nòng cốt là các cán bộ của Viện Tim mạch Việt Nam đã triển khai các hoạt động rộng khắp trong cộng đồng như truyền thông, giáo dục sức khoẻ, khám sàng lọc THA, xây dựng các mô hình phòng chống THA từ tuyến xã, phường tới tuyến trung ương.

Để chuyển tải thông tin liên quan căn bệnh THA đến đông đảo bạn đọc, giúp quý vị tự phát hiện sớm bệnh, tham khảo các giải pháp điều trị hiệu quả, ít tốn kém, VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến "Tăng huyết áp - kẻ giết người thầm lặng", với sự tham gia của chuyên gia đầu ngành Tim mạch Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt.

GS.TS Nguyễn Lân Việt đến tòa soạn VietNamNet giao lưu với bạn đọc.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
Bệnh trọng chết người

Trần Hoàn, Nam - 52 tuổi, Nguyễn Văn Vinh, 24 tuổi
Thưa GS, trong thời gian gần đây trên truyền hình tôi thấy có nhiều chương trình nói về THA. Vậy xin hỏi GS thế nào gọi là THA, làm thế nào có thể tự nhận biết bệnh THA để đề phòng?    

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Theo Tổ chức y tế Thế giới,
THA là khi, số huyết áp tối đa (hay còn gọi là tâm thu) lớn hơn hoặc 140mm thủy ngân và/hoặc, huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 90mm thủy ngân.

- Được đo huyết áp đúng phương pháp (cán bộ y tế đo hoặc tự theo dõi bằng máy đo huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp điện tử có băng cuốn ở cánh tay) là phương pháp duy nhất và rất đơn giản để xác định được con số huyết áp của bạn.

Để tìm hiểu thêm về bệnh Tăng huyết áp, bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website: http://huyetap.vn hoặc gửi câu hỏi về info@huyetap.vn


Toàn cảnh buổi giao lưu.
Van Bui, 32 tuổi
Xin hỏi GS biểu hiện của THA thường là những triệu chứng gì?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Khi bị THA, người bệnh có thể thấy có một số biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, có cảm giác như "ruồi bay" trước mặt, có khi thì thấy mất thăng bằng, hơi loạng choạng, váng đầu. Tuy nhiên có rất nhiều bệnh nhân mặc dù con số huyết áp cao nhưng không hề có triệu chứng nào trong những triệu chứng nói trên, chỉ đến khi đã xảy ra rất nhiều biến chứng lúc đó được bác sỹ kiểm tra huyết áp mới biết mình bị tăng huyết áp. Mặc dù chúng ta biết THA có nhiều biến chứng khác nhau có thể gây tử vong cho người bệnh, do đó người ta gọi THA là kẻ giết người thầm lặng.

Các biến chứng của THA rất đa dạng, phong phú, nhưng nhiều khi biểu hiện rất âm thầm, và ngày một nặng dần. Do đó, nên kiểm tra số đo huyết áp một cách định kỳ thường xuyên để có thể biết được có bị THA hay không, nếu có điều trị đã có kết quả chưa.

Minh Tuyên, 35 tuổi
Theo em được biết là phần lớn THA là không rõ nguyên nhân, nhưng có 1 số trường hợp THA có nguyên nhân. Thưa thầy, vậy những nguyên nhân đó là gì ạ? Và làm thế nào để chẩn đoán được các nguyên nhân đó? Em xin cảm ơn.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khoảng 90-95% các bệnh nhân THA là không rõ nguyên nhân, nhưng có 1 số trường hợp bị tăng huyết áp, nhất là những trường hợp tăng huyết áp ở người trẻ thì thường đây có thể do 1 số nguyên nhân gây THA như sau:

+ Bệnh tim mạch: hẹp eo động mạch chủ, hở van động mạch chủ, bệnh Takayasu, hẹp động mạch thận

+ Bệnh thận: viêm cầu thận cấp hoặc mãn, sỏi thận, viêm thận bể thận...,

+ Bệnh nội tiết: u lớp cầu hay lớp tủy của tuyến thượng thận

- Một số nguyên nhân khác: Sử dụng một số thuốc tránh thai, corticoid, cam thảo - tiền sản giật...

Để phát hiện các nguyên nhân này, người bệnh rất cần đến các chuyên khoa tim mạch để khám và làm một số thăm dò cần thiết như: siêu âm thận, thượng thận, động mạch thận - chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ hạt nhân ổ bụng - định lượng một số nội tiết tố của tuyến thượng thận, tuyến yên...

Phạm Đình Khang, 65 tuổi
Tôi đã đi khám bệnh và được bác sỹ cho biết bị THA nhưng tôi không thấy có biểu hiện gì. Vậy nếu tôi không điều trị THA thì có thể có biến chứng gì không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: THA có 5 loại biến chứng chủ yếu:

Thứ nhất là biến chứng về tim mạch, thứ 2 là biến chứng về thận, thứ 3 là biến chứng về mắt, thứ 4 là não, thứ 5 là mạch máu lớn

Các biến chứng về tim có thể là: tâm thất trái bị dày lên, xuất hiện các cơn đau thắt ngực, hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim.

Các biến chứng về thận, mức độ thấp nhất là xuất hiện microalbumin niệu hoặc protein niệu, sau đó có thể bệnh nhân bị phù, đái ít hoặc suy thận với mức độ ngày càng tăng.

Các biến chứng về mắt có thể bắt đầu bằng thấy thị lực giảm, mắt nhìn mờ, khi soi đáy mắt có thể thấy tổn thương đáy mắt theo 4 giai đoạn khác nhau mà những biểu hiện nặng nhất là xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị.

Các biến chứng não là những biến chứng rất thường gặp và thường là nặng nề đối với các bệnh nhân của chúng ta. Những biểu hiện thường gặp nhất có thể là: nói hơi ngọng hoặc không nói được, miệng méo, tê ở một bên tay hoặc chân, ở mức độ nặng hơn có thể liệt nửa người, bán mê, hôn mê hay các cơn co giật, thậm chí có thể tử vong rất nhanh nếu bị chảy máu não gây lụt não thất.

Các biến chứng mạch máu là các biến chứng ngày càng gặp nhiều hơn trong thời gian gần đây, mà biểu hiện thường gặp và nguy hiểm nhất thường là phình hoặc phình tách thành động mạch chủ, từ đó động mạch chủ có thể bị vỡ đột ngột bất cứ lúc nào gây đột tử cho người bệnh.

Nguyễn Đình Điện, Nam - 57 Tuổi
Xin GS.TS cho biết chỉ số (huyết áp tối đa và tối thiểu) cao, cái nào nguy hiểm hơn cái nào? Nguy hiểm ở chỗ nào? Cả 2 cùng cao thì nguy cơ tăng gấp đôi có phải không? Cách chữa và cách phòng ngừa ? Xin cám ơn!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khi huyết áp cao có thể cả huyết áp tối đa và tối thiểu đều cao hoặc 1 trong 2 số đo này cao thì đều nguy hiểm cả và đều có thể gây ra những biến chứng cho người bệnh. Nguy hiểm ở chỗ các biến chứng rất đa dạng rất thường gặp nhưng thường diễn biến âm thầm và ngày 1 nặng dần mà nhiều khi các biểu hiện lâm sàng thường kín đáo làm cho người bệnh chủ quan tưởng là mình vẫn bình thường. Mỗi khi số huyết áp tối đa lớn hơn 20mmHg hoặc số huyết áp tối thiểu lớn hơn 10mmHg so với huyết áp bình thường thì nguy cơ tim mạch lại tăng lên gấp đôi. Chỉ có điều chỉnh ngay và kiên trì các yếu tố nguy cơ cùng với việc điều chỉnh huyết áp để đạt mức huyết áp mục tiêu thì mới có thể hạn chế được tối đa những biến cố nguy hiểm về tim mạch.

GS.TS Nguyễn Lân Việt đang trả lời câu hỏi của bạn đọc

Điều trị: Khi nào dừng thuốc?

Hoàng Vân Nga, Nữ - 65 tuổi
Tôi bị THA, uống thuốc huyết áp thì đo HA về bình thường. Tôi có thể dừng uống thuốc không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Bạn có biết rằng THA được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”? Bởi vì bệnh diễn biến âm thầm, ít có các biểu hiện lâm sàng, do vậy rất nhiều bệnh nhân chủ quan không theo dõi và điều trị đến khi xảy ra những biến chứng nặng nề thì đã muộn và lúc đó họ mới thấy được vai trò vô cùng quan trọng của việc điều trị đúng và đủ.

Việc điều trị THA nhằm hai mục đích: ngăn ngừa lâu dài các biến chứng; nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh. Tóm lại, thuốc điều trị THA có vai trò như người gác cổng, không để cho huyết áp của bạn lên cao và gây ra tai biến.

Chính vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị THA là điều trị lâu dài nếu không muốn nói là “suốt đời”. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng thực hiện mới là khó, đa số các bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo nguyên tắc này vì chủ quan cảm thấy mình không có biểu hiện gì bất thường, vì e ngại các tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài hoặc vì cảm thấy dùng thuốc đều đặn hàng ngày là một việc phiền phức.

Nhưng bạn cần hiểu rằng, trong quá trình bạn uống thuốc, con số huyết áp trở về bình thường thì đó mới chỉ đạt mục tiêu điều trị, và con số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào việc bạn uống thuốc đều đặn hàng ngày, do vậy bạn không được ngừng điều trị, khi muốn thay đổi thuốc phải hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.

Khi bạn tự ngưng điều trị THA thì sẽ bị tái phát huyết áp ở mức như trước khi điều trị hay thậm chí còn cao hơn và đây là thời điểm thường xảy ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… vì bạn cần luôn ghi nhớ rằng THA lâu dài đã làm cho thành mạch máu của bạn yếu, xơ vữa và kém đàn hồi. Chính vì thế, khi huyết áp tăng cao đột ngột trở lại, thành mạch của bạn dễ dàng nứt vỡ, là nguồn gốc của các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Vì vậy, dù huyết áp có bình thường, dù bạn cảm thấy khoẻ mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường thì bạn vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị như đã nêu trên.

Để tìm hiểu thêm về bệnh THA, bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website: http://huyetap.vn hoặc gửi câu hỏi về info@huyetap.vn

Trần Ánh Tuyết, 45 tuổi
Xin hỏi GS, khi thấy THA thì chỉ cần uống thuốc hạ áp là đủ phải không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khi bị THA thì việc điều chỉnh lối sống và uống các thuốc hạ huyết áp là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong mọi trường hợp thì việc điều chỉnh để có một lối sống hợp lý (điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ tập luyện...) điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác và các bệnh lý khác đi kèm là hết sức cần thiết ( ví dụ như điều chỉnh rối loạn lipid máu, rối loạn đường máu, béo phì, hội chứng chuyển hoá, bệnh động mạch vành, béo phì... Do đó bên cạnh các thuốc hạ áp, việc điều chỉnh lối sống hợp lý phối hợp với điều trị các bệnh lý khác và các yếu tố nguy cơ đi kèm là hết sức cần thiết.

Vinh Nguyen, 70 tuổi
Tôi bị THA đã hơn 3 năm. Tôi đã đi điều trị ở nhiều bệnh viện. Thời gian gần đây HA của tôi vẫn là 160/100. Xin hỏi GS thuốc nào là thuốc điều trị THA tốt nhất?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với tất cả các bệnh nhân THA thì việc điều trị cần phải đạt cho số huyết áp dưới 140/90 mmHg, riêng với bệnh nhân THA có tiểu đường hay bệnh thận mãn tính thì số huyết áp còn phải nhỏ hơn hoặc bằng 130/80 mmHg. Không có thuốc tốt nhất để điều trị THA cho tất cả mọi người bệnh mà chỉ có các loại thuốc thích hợp nhất cho từng người bệnh. Việc lựa chọn thuốc hạ áp nào, việc phối hợp các thuốc hạ áp ra sao là căn cứ vào mức độ THA, các yếu tố nguy cơ đi kèm, các bệnh lý đi kèm, người già hay trẻ, THA có nguyên nhân hay không...

Ví dụ: THA có kèm nhịp tim nhanh thì cắt thuốc chẹn Beta giao cảm là hợp lý, THA có kèm theo đái tháo đường hay suy tim thì các thuốc ức chế men chuyển dạng Angiotensine là phù hợp...

Bùi Minh Quyết, 42 tuổi
Vợ tôi năm nay 38 tuổi được điều trị THA 2 năm nay. Vậy xin GS cho biết điều trị THA trong thời gian bao lâu là đủ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: THA nếu không tìm thấy nguyên nhân thì thường là phải điều trị lâu dài nếu như không muốn nói là suốt đời. Nếu đang điều trị THA mà ngừng lại thì huyết áp lại tăng lên, thậm chí có thể tăng lên rất nhiều và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó luôn cần nhớ là khi đã phát hiện ra THA thì cần phải điều trị THA một cách lâu dài để đạt được huyết áp mục tiêu và giảm tối đa các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.

Trần Thị Nhàn 36 tuổi
Xin hỏi GS với người cao tuổi thì điều trị THA có điểm gì cần phải chú ý hay không?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với người cao tuổi bị THA thì cần chú ý một số điểm sau đây:

- Người cao tuổi thường bị THA tâm thu, nghĩa là chỉ có số huyết áp tối đa tăng cao, trong khi số huyết áp tối thiểu thì bình thường hoặc thấp

- Khi điều trị cho bệnh nhân cao tuổi  THA thì người cao tuổi rất dễ bị hiện tượng tụt áp trong tư thế đứng, nghĩa là khi nằm hoặc ngồi huyết áp bình thường hoặc cao, nhưng khi bệnh nhân đứng dậy thì huyết áp bị tụt một cách đột ngột làm cho bệnh nhân có cảm giác loạng choạng, chóng mặt, thậm chí ngã gục xuống

- Liều lượng thuốc hạ áp dành cho người cao tuổi thường được cân nhắc kỹ lưỡng, nói chung liều lượng thuốc nên thấp hơn ở người trẻ vì chức năng thận của người cao tuổi thường không thực tốt như của người trẻ.

Nguyễn Long Chinh, 25 tuổi
Bố em được bác sỹ chẩn đoán là bị THA kháng trị. Xin hỏi giáo sư thế nào THA kháng trị và có biện pháp nào để điều trị không ạ

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Gọi là THA kháng trị khi bệnh nhân đã được điều trị bằng 3 loại thuốc hạ huyết áp trong đó có 1 thuốc lợi tiểu, nhưng vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu. Gặp những trường hợp THA kháng trị, người thầy thuốc thường phải cố gắng tìm xem có nguyên nhân nào gây ra THA hay không, nếu vẫn không tìm được nguyên nhân cụ thể gây tăng huyết áp thì phải phối hợp thêm thuốc hạ áp thứ 4, thứ 5 hoặc xin ý kiến của các chuyên gia về tim mạch để tìm phương thức điều trị thích hợp nhất cho người bệnh.

Gần đây, có một phương pháp điều trị mới đang được áp dụng trên thế giới và Việt Nam chúng ta cũng đã bước đầu ứng dụng phương pháp này để điều trị cho các bệnh nhân THA kháng trị. Đó là: các thầy thuốc sẽ tiến hành thông tim và đưa ống thông đến vị trí của các động mạch thận. Từ đó các thầy thuốc sẽ sử dụng sóng có tần số radio (RF) để triệt phá các thần kinh giao cảm trong lòng động mạch thận. Đây là một phương pháp điều trị tiên tiến, mở ra triển vọng tốt đẹp cho bệnh nhân bị THA kháng trị.

Huu Khoan, 67 tuổi
Xin hỏi giáo sư là khi bị THA chỉ điều trị thuốc nam có được không? Xin cảm ơn.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với một số trường hợp THA nhẹ, thì việc điều chỉnh lối sống cộng với việc sử dụng 1 số thuốc có nguồn gốc thực vật với tác dụng lợi tiểu nhẹ cũng có thể giúp giảm huyết áp cho người bệnh. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp THA thì đều rất cần phải sử dụng đến các thuốc tây y mà các thầy thuốc sau khi khám xét kỹ đã kê đơn cho người bệnh để nhanh chóng giúp người bệnh đạt được huyết áp mục tiêu và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh.

Bui Long, 71 tuổi
Tôi bị THA hơn 1 năm nay. Hiện nay tôi đang điều trị bằng thuốc Amlor. HA có hạ nhưng chân lại bị phù lên. Vậy tôi phải làm thế nào bây giờ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Amlor là 1 thuốc hạ áp  thuộc nhóm thuốc chẹn kênh canxi, có tác dụng hạ áp khá mạnh. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây ra 1 số tác dụng phụ cho người bệnh như phù chân, nhịp tim nhanh, cảm giác bốc hoả, hơi nóng ở mặt...Trường hợp của bác khi bị phù chân như vậy thì có thể gặp lại thầy thuốc để đổi sang 1 loại thuốc hạ áp khác sao cho vẫn khống chế được số đo huyết áp nhưng không gặp phải những tác dụng phụ nói trên.

Bác Trịnh Quang Hồ, Nam - 72 tuổi
Tôi có 1 lần phát hiện huyết áp dao động 140/85 mmHg nhưng có lúc lại tăng 170/95mmHg. Tôi đã được điều trị khá nhiều các loại thuốc khác nhau nhưng có thuốc thì gây ho khan, có thuốc thì gây phù chân, nhịp tim nhanh, Gần đây nhất tôi đang dùng thuốc Amlor 5mg/ngày nhưng huyết áp liên tục thấp 115/75mmHg và lúc đó tôi lại thấy mệt hơn. Vậy bây giờ tôi nên dùng thuốc gì và dùng bao lâu?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Nói chung số huyết áp của mọi người thường cũng có 1 mức dao động nhất định, nhưng mức dao động này chỉ khoảng 5-10mmHg ở người bình thường. Trường hợp của bác có mức huyết áp dao động khá nhiều nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Làm thế nào để huyết áp không bị vọt lên trên mức bình thường nhưng cũng không bị tụt quá nhiều. Trước mắt, bác nên đến bệnh viện để được kiểm tra Holter huyết áp 24 giờ nằm xác định mức độ biến động huyết áp của mình trong 24 giờ như thế nào? Nếu trong ngày, vẫn có những thời điểm huyết áp lớn hơn 140/90mmHg thì vẫn nên phải dùng 1 loại thuốc hạ áp, nhưng mức độ hạ áp ở mức vừa phải chứ không làm huyết áp tụt quá nhiều, ví dụ như thuốc ức chế thụ thể AT1 của AngiotensinII hay thuốc chẹn Beta giao cảm (nếu không có chống chỉ định) thì có thể giúp huyết áp ổn định và nhịp tim cũng không nhanh nữa.

Le Xuan Thong, Nam - 60 tuổi
Tôi bị bệnh THA từ hơn 20 năm nay, duy trì đều đặn uống thuốc hàng ngày (hiện nay đang d
ùng tanatril, huyết áp thường dao động khoảng 130/85 - 140/90, cũng có lần lên cao hơn 200/120. Nhịp tim thông thường là 52-55 lần/phút. Tình trạng của tôi như sau: Thỉnh thoảng hay bị tức ngực, bất kể giờ nào trong ngày, có khi kéo dài cả mấy chục ngày rất khó chịu. Trước đây đã kiểm tra gắng sức và siêu âm tại viện tim TP.HCM và mới đây là bệnh viện Tâm Đc đều không phát hiện thiếu máu tim. Vậy xin hỏi BS tôi bị tức ngực có phải do bệnh tim và cần làm gì tiếp theo trong chẩn đoán và điều trị.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Đau ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bản thân những bệnh nhân THA cũng có thể đau ngực trong tình trạng thiếu máu dưới nội tâm mạc. Nói chung khi bị đau thắt ngực thì rất cần phải đến bệnh viên để được các BS khám xét xem có bị bệnh động mạch vành hay không vì đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đau thắt ngực. Trong trường hợp các BS đã khẳng định là hệ thống động mạch vành của bác bình thường thì bác cần điều trị huyết áp sao cho thật ổn định, đừng để huyết áp lên xuống thất thường thì tình trạng đau ngực của bác sẽ được giảm bớt. Nếu huyết áp ổn định rồi mà vẫn còn đau ngực thì bác cần đến bệnh viện để các BS làm thêm 1 số thăm dò khác nhằm xác định thêm nguyên nhân đau ngực của bác.

Nguyen Thi minh Chau, Nữ - 54 Tuổi
Năm 2000 tôi được chẩn đoán HAC 14/9, BS cho dùng concor đến năm 2004, được chuyển qua dùng micadis plus 40mg ngày 1 viên và vastarel ngày 2 viên đến nay. HA của tôi ổn định 12/8, chưa bao giờ vượt quá 14/9. Xin hỏi dùng thuốc trong thời gian dài có ảnh hưởng tới các bộ phận khác trong cơ thể không? (xem tài liệu thấy micardis phus có lợi tiểu). Có cách khác để ổn định HA mà không dùng thuốc (ăn uống, tập thể dục không)?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Micadis plus là loại thuốc phối hợp cả Micadis và Hypothiazid (1loại lợi tiểu). Đây là loại thuốc có tác dụng hạ áp tốt, nhưng trong thành phần của thuốc có 1 loại lợi tiểu nên khi phải dùng kéo dài thì cần phải được kiểm tra về điện giải máu vì các thuốc lợi tiểu có thể gây ra tình trạng hạ kali máu làm yếu các cơ và thậm chí có thể gây ra 1 số rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Trường hợp của bác mức huyết áp chỉ ở giới hạn trên của bình thường hoặc tăng nhẹ thì chỉ cần dùng Micadis là đủ rồi.
 
dinh quang cu, Nam - 48 Tuổi
Huyết áp của tôi 140/100, BS nói phải uống thuốc, có BS nói chưa cần uống. Xin GS cho lời khuyên!
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khi huyết áp là 140/100 mmHg tức là tức là anh đã bị THA, vì vậy việc điều trị  THA là cần thiết và nên vừa điều chỉnh lối sống hợp lý vừa điều trị 1 loại thuốc HA thích hợp là phương thức hợp lý nhất.

Nguyễn văn Lộc, Nam - 29 Tuổi
Chào giáo sư Nguyễn Lân Việt, giáo sư có thể cho em biết các loại thuốc chống tăng huyết áp dùng tại nhà?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: 

Có rất nhiều các loại thuốc để điều trị THA . Những nhóm thuốc thông thường nhất để điều trị THA gồm:

- Thuốc lợi tiểu

- Thuốc ức chế men chuyển dạng Angiotensin

- Thuốc ức chế thụ thể AT1 của AngiotensinII

- Thuốc chẹn kênh canxi.

- Thuốc chẹn Beta giao cảm.

- Thuốc chẹn cả thụ thể Beta giao cảm và Alpha giao cảm.

- Thuốc liệt hạch

- Thuốc hạ áp tác động vào thần kinh trung ương

Mỗi 1 nhóm thuốc có hiệu quả hạ áp, các tác dụng phụ, chống chỉ định khác nhau. Nên nói chung không nên tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc hạ huyết áp mà rất cần đến khám các thầy thuốc chuyên khoa để họ có thể đưa ra phương thức điều trị thích hợp nhất cho người bệnh. Khuynh hướng hiện nay thường là cần có sự phối hợp thuốc hạ áp để có thể sớm đạt được huyết áp mục tiêu và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.

Hai kiểu phối hợp thuốc thường được khuyến cáo sử dụng nhất hiện nay là:

 - Thuốc chẹn kênh canxi phối hợp với thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể AT1 của AngiotensinII (C+A)

 - Thuốc lợi tiểu phối hợp với thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể AT1 của AngiotensinII  (D+A)

Đừng để "Trời gọi mới thưa"

Huyen Vu, Nữ - 29 Tuổi
Tôi năm nay 29 tuổi làm việc văn phòng. Thỉnh thoảng làm việc nhiều với máy tính tôi có bị hoa mắt chóng mặt. Vậy tôi có nguy cơ gì về bệnh huyết áp không? Ở độ tuổi nào thì nên khám dự phòng bệnh tăng huyết áp? Khám dự phòng sẽ đem lại cho tôi những lợi ích gì? Tôi nghe nói có Dự án quốc gia phòng chống bệnh tăng huyết áp. Dự án này mang lại những lợi ích gì cho người dân Việt Nam và đến nay đã tiến hành được tới đâu?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: 
GS.TS Nguyễn Lân Việt

+ THA có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Để phát hiện THA thì chỉ có 1 cách rất đơn giản là cần đo huyết áp bằng 1 máy đo huyết áp chuẩn, theo đúng hướng dẫn về cách đo huyết áp. Nếu thấy số đo huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHG thì tức là bạn đã bị THA.

+ Trong vài năm vừa qua, Dự án quốc gia về phòng chống bệnh THA đã triển khai rất nhiều các hoạt động như: khám sàng lọc THA, truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh THA cho người dân trong cộng đồng, đào tạo và đào tạo nâng cao những kiến thức cần thiết về phòng chống THA nói riêng và phòng chống các bệnh tim mạch nói chung cho các cán bộ y tế ở tất cả các tuyến, biên soạn rất nhiều tài liệu về phòng chống THA cho người dân trong cộng đồng, xây dựng mạng lưới phòng chống THA ở tất cả các tuyến, điều tra dịch tễ THA tại các địa bàn khác nhau...

Hiện tại dự án này đang được tích cực triển khai tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Nhiều bạn đọc: Tôi đang bị bệnh tim, có tập thể dục được không? Tập như thế nào?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Tập thể dục không chỉ khắc phục được lối sống tĩnh tại, ít hoạt động của cuộc sống  bộn bề ngày nay mà hơn thế nữa còn giúp phòng và chống được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành…

Khi tập thể dục, rõ ràng là chúng ta phải gắng sức dù ít hoặc nhiều, vì thế không phải là không có nguy hiểm, thậm chí một số biến cố tim mạch có thể xuất hiện như cơn đau thắt ngực hoặc rối loạn nặng nhịp tim. Tuy vậy, nguy cơ đó cực kỳ thấp, chỉ xấp xỉ gần một lần xuất hiện nếu tập 400.000-800.000 giờ  (hay tương đương với việc chỉ có một người bị bệnh trong số 400 - 800 nghìn người tập luyện, nếu tính trung bình một người tập một giờ).

Những tỷ lệ quá thấp như vậy cho thấy độ an toàn cao của việc tập luyện ngay cả khi chúng ta có bệnh tim mạch. Một điểm đáng lưu ý khác là nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch còn thấp hơn nữa ở những người thường xuyên luyện tập. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tập thể dục tương đối đều đặn (khoảng 5 lần một tuần) thì nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch nặng trong lúc tập đã giảm tới 50 lần so với những người lười vận động. Hơn thế nữa, nếu tính chung cho tất cả mọi người, thì tới 90% các biến cố tim mạch xảy ra khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.

Như vậy, tập thể dục đều có thể coi là an toàn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý tới những biểu hiện bất thường khác với mọi ngày, nảy sinh trong hoặc sau khi luyện tập như cảm giác đau ngực (nặng tức hay ép trong ngực, lan lên cằm, cổ, vai hoặc lan xuống cánh tay), thở dốc khác thường, hoa mắt chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác hẫng, hồi hộp lạ thường. Nếu phát hiện thấy có, chúng ta nên tới các BS chuyên khoa tim mạch để được khám và tư vấn về chế độ luyện tập phù hợp.

Nhiều bạn đọc: Vậy phải bắt đầu việc tập thể dục như thế nào?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Nếu đã sẵn có bệnh tim mạch hoặc sẵn có nguy cơ cao xuất hiện bệnh tim mạch (tuổi trên 45 kết hợp với có ít nhất hai trong số các yếu tố sau: hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, lười vận động, béo phì, tiền sử có người thân trong gia đình mắc bệnh tim mạch trước tuổi 55) thì chúng ta cần tham khảo ý kiến của các BS chuyên khoa tim mạch trước khi lựa chọn một hình thức tập luyện thể dục thể thao phù hợp cho mình.

Tất cả mọi tài liệu đều cho thấy các lợi ích rõ ràng từ việc tập luyện mức độ trung bình mỗi ngày nửa giờ. Nếu chúng ta không thể sắp xếp thời gian để có thể giành riêng ra mỗi ngày nửa giờ đồng hồ cho việc luyện tập thì có thể bắt đầu bằng những hình thức hết sức đơn giản chẳng hạn chúng ta tự leo cầu thang bộ ở cơ quan hay ở khu tập thể thay vì đi thang máy hoặc cố gắng đi bộ để đi chợ mua sắm hay tới nơi làm việc (nếu gần) thay vì đi xe máy. Cố gắng thu xếp những khoảng thời gian ngắn cỡ chừng 10 phút để vận động chân tay trong lịch làm việc hàng ngày của mình. Vấn đề chính là ở chỗ chúng ta phải thay đổi và hoạt động tay chân nhiều hơn.

Khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam nêu rõ: Mỗi người lớn cần/nên tham gia chơi thể thao, tập thể dục hoặc vận động chân tay ở mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày đối với tất cả các ngày trong tuần. Hoạt động thể lực ở mức độ vừa tương đương với việc đi bộ với tốc độ trung bình (6-7 km/giờ) hoặc các công việc khác nhau như lao động ngoài đồng, làm việc nội trợ, đi xe đạp, bơi …

Để tìm hiểu thêm về bệnh THA, bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website: http://huyetap.vn hoặc gửi câu hỏi về info@huyetap.vn

Ngô Phi Long, Nam - 50 tuổi

Tôi bị THA, cần phải ăn uống và tập luyện như thế nào?

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Mục đích và nguyên tắc chung trong điều trị bệnh THA là phải phối hợp việc thay đổi lối sống và kiểm soát được huyết áp mục tiêu ở mức < 140/90mmHg, những bệnh nhân có kết hợp đái tháo đường hoặc suy tim, suy thận phải kiểm soát huyết áp với huyết áp mục tiêu thấp hơn 130/85mmHg.
Chế độ ăn và việc tập luyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh THA
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vấn đề ăn uống và tập luyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều trị bệnh và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Trong những trường hợp mới bị THA ở mức độ nhẹ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường tập luyện đã cải thiện đáng kể tình trạng bệnh (còn gọi là chế độ điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc). Còn trong những trường hợp THA giai đoạn II, III, việc thay đổi chế độ ăn và lựa chọn hình thức tập luyện hợp lý là bắt buộc để phối hợp với điều trị bằng thuốc.

Chế độ ăn

Bạn cần phải ăn nhạt với lượng muối không quá 6g/ngày vì ăn mặn sẽ gây giữ nước trong máu, gây THA. Cần hạn chế ăn nhiều các thức ăn chế biến sẵn như giò, chả, đồ xông khói, các món muối (dưa muối, cà muối), tẩm ướp, vì trong quá trình chế biến thường cho nhiều muối.

Cần hạn chế tối đa chất béo trong khẩu phần ăn. Không ăn thịt mỡ, bơ, loại bỏ hết mỡ nhìn thấy trong quá trình chế biến, không ăn nước xào, canh xương, canh cá chưa vớt hết váng mỡ, không ăn da các loại gia súc, gia cầm, hạn chế ăn dầu thực vật vì có chứa nhiều calo, uống sữa đã tách bơ.

Hạn chế tối đa dùng đường, bánh kẹo ngọt, uống rượu bia, không hút thuốc lá.

Tăng cường ăn rau quả xanh, trái cây, chú ý ăn các thức ăn có chứa nhiều kali và magiê và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, rong biển, chuối, dưa hấu, dứa.

Nếu người bị THA và thừa cân thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý. Nếu bạn trong trường hợp này nên tìm lời khuyên cụ thể của các BS dinh dưỡng.

Chế độ tập luyện thể dục thể thao

Các nhà tim mạch hàng đầu thế giới đã khẳng định rằng tập luyện, rèn luyện sức khoẻ là một trong những phương pháp chữa bệnh THA hữu hiệu không dùng thuốc. Cơ sở sinh lý của rèn luyện sức khoẻ ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều hòa lượng cholesterol máu, kìm chế xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu trong các cơ hoạt động và giảm sức cản máu ngoại biên - kết quả là giảm huyết áp. Nhưng bạn cũng cần phải nhớ rằng, phải qua 2-3 tháng tập luyện thường xuyên huyết áp mới bắt đầu hạ xuống, bởi vậy tập luyện đòi hỏi phải kiên trì.

Chương trình tập luyện ở bệnh nhân THA mang tính cá nhân, phụ thuộc vào mức độ THA và các yếu tố khác như: đi bộ nhanh và chạy sức khỏe là phương pháp hữu hiệu làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp độ I, II. Tuỳ theo tình trạng sức khỏe của bạn mà có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hay tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Nguyên tắc tập luyện chung là thường xuyên, liên tục và nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập.

Bạn nên duy trì chế độ luyện tập đều đặn ít nhất là 30-45 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần.

Để tìm hiểu thêm về bệnh Tăng huyết áp, bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website: http://huyetap.vn hoặc gửi câu hỏi về info@huyetap.vn

nguyen minh thoa, Nữ - 26 Tuổi

Chào bác sĩ, cho em hỏi đề phòng bệnh THA thì mình cần phải làm những gì ạ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt:  THA có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm vì vậy việc phòng ngừa THA là hết sức cần thiết. Cụ thể là cần điều chỉnh chế độ ăn uống (không ăn mặn, hạn chế uống ruợu bia, hạn chế ăn các chất mỡ động vật), tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh quá nhiều, điều chỉnh chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi hợp lý hàng ngày. Nên khám sức khoẻ định kỳ và nhất là kiểm tra số đo huyết áp của mình. Cố gắng nhớ được số đo huyết áp như số tuổi của mình. Nên điều chỉnh kịp thời những yếu tố nguy cơ khác (như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì...), tăng cường vận động thể lực khoảng 30 - 40 phút mỗi ngày.

Bùi văn Sinh, Nam - 51 Tuổi
Huyết áp của tôi dao động từ 155 đến 165 trên 90 vậy có cao hay không? Nếu đi khám bệnh tôi phải khám những gì, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Xin cảm ơn!
 
GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với các bệnh nhân THA khi đi khám bệnh thường BS sẽ khám xét toàn diện, kiểm tra số đo huyết áp ở cả chi trên và chi dưới, đồng thời cho kiểm tra 1 số xét nghiệm cơ bản như: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp tim phổi thẳng, xét nghiệm sinh hoá máu, xét nghiệm protein niệu, soi đáy mắt. Trong 1 số trường hợp nghi ngờ THA có nguyên nhân thì BS có thể cho kiểm tra thêm siêu âm thận, động mạch thận, tuyến thượng thận... hay định lượng 1 số nội tiết tố ở trong máu và nước tiểu.

Bùi Văn Huy, Nam - 46 Tuổi
Xin GS.TS Cho biết ở nước ta hiện nay Viện hoặc Bệnh viện nào khám và điều tri bệnh THA có uy tín và tin cậy nhất. Xin cảm ơn GS.TS

GS.TS Nguyễn Lân Việt: 
Nói chung, các BS ở tất cả các tuyến y tế đều có thể kê được đơn thuốc điều trị THA và hướng dẫn cách điều chỉnh lối sống hợp lý cho những bệnh nhân bị THA. Trong trường hợp anh đã điều trị theo đúng hướng dẫn và đơn thuốc của BS mà vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu thì có thể đến khám tại các trung tâm tim mạch ở trung ương hay các khoa tim mạch của các bệnh viện tỉnh để các BS sẽ xem xét kỹ và đưa ra những phương thức điều trị hợp lý hơn.

Vấn đề là phải có quyết tâm và nghị lực cần thiết để điều trị THA 1 cách lâu dài nhằm hạn chế được tối đa các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.

Điểm mặt "bệnh chị em" của THA

Nguyễn Thị Thanh, Nữ - 50 tuổi
Tôi được chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường. Nguy cơ tôi bị bệnh tim mạch có cao không? Tại sao?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Có tới 80% số bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) chết do các biến cố tim mạch và có tới 70% số bệnh nhân ĐTĐ phải nhập viện cũng vì các biến cố tim mạch. Riêng ĐTĐ là một trong những nguy cơ gây tử vong do tim mạch lớn gấp 3 lần so với những người không bị ĐTĐ. Trong số các biến cố tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ, bệnh động mạch vành (ĐMV) là biến chứng hàng đầu và quan trọng.

Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường xuất hiện sau 40 tuổi (gọi là type II) có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Ngay cả khi lượng đường trong máu chỉ mới tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn.

Những người đái tháo đường type II thường có nồng độ insulin trong máu cao. Insulin là một loại hormon do tụy sản xuất, có vai trò chủ yếu trong quá trình điều hoà lượng đường trong máu bằng cách tham gia quá trình vận chuyển đường vào các tế bào của cơ thể. Vì một lí do nào đó, insulin bị giảm tác dụng nên cần có một lượng lớn hơn để thực hiện vai trò sinh lý. Người ta gọi đây là tình trạng kháng insulin. Insulin tăng cao trong máu có thể gây tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.

Cơ chế tổn thương ĐMV ở bệnh nhân ĐTĐ được coi là do đa yếu tố tương tác lẫn nhau. Đối với những bệnh nhân ĐTĐ, thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch kinh điển kết hợp với nhau trong đó các nguy cơ thường gặp là: tăng đường huyết, tăng insulin huyết và hội chứng chuyển hóa, THA, bệnh thận... Bản thân ĐTĐ là một yếu tố dự báo tiên lượng tồi nhất ở những bệnh nhân bị bệnh ĐMV cấp hay nhồi máu cơ tim. Rối loạn thần kinh tự động cũng là một nguyên nhân làm tăng các biến cố rối loạn nhịp đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Rối loạn đông máu và ngưng kết tiểu cầu làm tăng nguy cơ huyết khối và các biến cố tắc mạch, tái tắc mạch sau điều trị tái thông động mạch vành. Cuối cùng, suy thận các giai đoạn đều là một nguy cơ độc lập dự đoán các biến cố tim mạch.

Để tìm hiểu thêm về bệnh THA, bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website: http://huyetap.vn hoặc gửi câu hỏi về info@huyetap.vn

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số câu hỏi chưa được GS. TS Nguyễn Lân Việt giải đáp. VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến ông.

Để tìm hiểu thêm về bệnh THA, kính mời bạn đọc tham khảo thêm thông tin chi tiết trên website http://huyetap.vn hoặc gửi email đến hộp thư info@huyetap.vn

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet