- Khu đồi hài cốt ngày nay chỉ còn khoảng 500m2 với bốn bức tường đá bao quanh, phủ đầy cây dại, nằm lọt thỏm giữa những cơ quan hành chính của thương cảng Tiên Sa.

Giữa khu đồi nhỏ ấy là ngôi nhà nguyện hoang lạnh với cây thánh giá vươn cao, bao quanh là khoảng bốn chục nấm mồ với bia đá khắc tên những người lính bỏ mình nơi đất khách mà có lẽ oan hồn họ cũng đang khắc khoải vọng cố hương sau hơn 150 năm vẫn được người dân coi sóc…

Ngôi nhà nguyện nhỏ trên đồi hài cốt với khoảng bốn chục ngôi mộ bao quanh.

Cuộc chiến không cân sức

Tôi thích cái tên gọi "Ossuaire" mà anh bạn người Pháp tôi mới làm quen trên cảng tạm dịch là đồi hài cốt. Nó như một chứng tích của hơn 150 năm trước quân dân Đà Nẵng đã tử chiến với những tên lính xâm lược từ phương tây.

Theo tư liệu lịch sử, bắt đầu từ thế kỷ XVIII, khu vực vịnh nước sâu dưới chân bán đảo Sơn Trà 3 bề núi bao bọc đã dần hình thành nên một thương cảng sầm uất thay thể cho thương cảng Hội An.

Bắt đầu từ đó, thông qua những thương lái, chính quyền mẫu quốc Pháp đã bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng của hải cảng Đà Nẵng (Tourane) trên biển Đông.

Để thực hiện ý đồ xâm chiếm nước An Nam của mẫu quốc đại Pháp, vào tháng 4/1821 và tháng 12/1824, Chính phủ Pháp phái hai chiến hạm đến Đà Nẵng dâng thư lên vua xin thông thương.

Với ý đồ xâm chiếm An Nam đã được vạch ra, vào 4/1837, Hoàng đế Napoléon III đã thành lập một Hội đồng Nghiên cứu Việt Nam. Ngay sau đó một đệ trình ý kiến của Hội đồng nghiên cứu nên đánh chiếm vùng đất An Nam vì lợi ích địa chính trị và cần phải bí mật chuẩn bị một đội quân viễn chinh hùng mạnh đánh nhanh, thắng nhanh và chọn cảng Tiên Sa mở đầu cho cuộc xâm lược.

Đến ngày 25/11/1857, chiến lược đánh chiếm An Nam mới được Chính phủ Pháp giao cho Phó đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly đưa tàu vượt biển cùng quân lính và súng đạn thực hiện đánh chiếm vào Đà Nẵng với ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh.

Phó đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly mượn cớ triều đình An Nam ngược đãi các giáo sĩ, nên chiều ngày 31/8/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Với 14 chiến hạm và trên 2.350 quân đã bắt đầu kéo vào cảng Tiên Sa. Đến sáng ngày 1/9/1858, Rigault gửi tối hậu thư cho quan Trấn thủ Đà Nẵng là Trần Hoàng buộc phải đầu hàng và hạn phúc đáp trong 2 giờ đồng hồ.

Không thấy phúc đáp, Rigault ra lệnh pháo kích vào các cơ sở phòng thủ của quân triều đình An Nam quanh vịnh Đà Nẵng, Sơn Trà, các thành Điện Hải, An Hải. Do hỏa lực của liên quân Pháp - Tây Ban Nha quá mạnh, lần lượt các đồn trú phòng thủ ở thành An Hải cùng các pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương, các đồn Nhất, Nhì, Ba, Tư bị quân Pháp đánh chiếm.

Chỉ trong chưa quá 1 ngày, đến chiều ngày 1/9/1858, đội quân xâm lược Pháp đã chiếm giữ bán đảo Sơn Trà và thành An Hải. Từ đây Sơn Trà trở thành cứ điểm đồn trú chính của quân Pháp - Tây Ban Nha.

Tử chiến nơi bán đảo Sơn Trà


Ngay sau khi chiếm được bán đảo Sơn Trà và thành Điện Hải, liên quân Pháp - Tây ban Nha bắt đầu mở rộng đánh chiếm các vùng còn lại của Đà Nẵng và Quảng Nam. Với ý đồ khi đã chiếm hoàn toàn Đà Nẵng sẽ vượt đèo Hải Vân để đánh chiếm kinh thành Huế.

Để đối phó với ngoại xâm Triều đình Huế lệnh quan Chưởng vệ Đào Trí vào để hiệp cùng với quan Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoàng chống ngăn quân Pháp nhưng Đào Trí đến nơi thì hai thành An Hải và Điện Hải đã bị mất.

Triều đình tiếp tục lệnh quan hữu quân Thống chế Lê Đình Lý và Tham tri bộ Hộ Phạm Khắc Thận đem 2.000 cấm binh vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, đặt sở chỉ huy tại làng Nghi An, huyện Hòa Vang.

Sau khi đánh chiếm được Sơn Trà, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến đánh tan phòng tuyến của quân ta ở xã Mỹ Thị. Ngày 6/10/1858, trong cuộc giao chiến dữ dội tại Cẩm Lệ, Thống chế Lê Đình Lý tử trận.

Thành Điện Hải sau những đợt oanh tạc bằng đại bác của liên quân Pháp vào sáng 1/9/1858 (Ảnh tư liệu)

Tình hình Đà Nẵng ngày càng nguy ngập, Vua Tự Đức lập tức cử Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Lục tỉnh về làm Thống chế quân vụ Quảng Nam, điều Tổng đốc Phạm Thế Hiển ở Định Tường - Biên Hòa về Đà Nẵng làm Tham tán quân vụ.

Tháng 12/1858, Nguyễn Tri Phương cùng Phạm Thế Hiển cho đắp phòng tuyến Liên Trì gồm một hệ thống đồn, lũy dài 3km dọc sông Hàn. Để tránh hỏa lực rất mạnh của liên quân Pháp, Nguyễn Tri Phương không chủ trương đánh chính diện, mà cho phục kích, thực hiện "vườn không, nhà trống" và cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới Phúc Ninh, Thanh Giản, để bao vây liên quân Pháp ngoài bán đảo Sơn Trà.

Phòng tuyến Đà Nẵng được giữ vững, với chiến lược chiến tranh du kích, liên quân Pháp - Tây Ban Nha không thể tấn công mở rộng địa bàn. Kế hoạch giam chân quân Pháp của Nguyễn Tri Phương thành công.

Không chịu nổi với lam sơn chướng khí, với điều kiện thời tiết khí hậu thất thường nơi vùng cửa biển của bán đảo Sơn Trà, dịch bệnh hoành hành, liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần lượt bỏ mạng.

Trong bức mật thư của Phó đô đốc De Genouilly gửi về mẫu quốc Pháp đã viết rằng: "Chính phủ bị đánh lừa về bản chất của cuộc đi đánh lấy nước An Nam Kỳ. Người ta trình bày rằng việc viễn chinh này chỉ là một việc dễ dàng thôi, nho nhỏ thôi; thực ra, nó không dễ, cũng không nhỏ...".

Ngày 15/1/1859, viên tướng này gửi tiếp một mật thư nữa về mẫu quốc báo cáo nói rõ số lính chết vì bị dịch bệnh đến mức đáng sợ. Trong số 800 lính bộ binh, chỉ còn khoảng 500 người có thể cầm khí giới, nhưng không đủ sức để mở một cuộc hành quân...

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858 (Ảnh tư liệu)

Không lấy được Đà Nẵng, ngày 2/2/1859 Genouilly quyết định đem quân vào Nam đánh chiếm Vũng Tàu, Gia Định, chỉ để lại một số ít quân và vài chiến hạm giao cho đại tá Hải quân Faucon ở lại Sơn Trà để giữ vùng đất đã chiếm được.

Trong lúc ấy, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển ra sức củng cố lại phòng tuyến, nhất là thành Điện Hải. Phòng tuyến này kéo dài 3km từ thành Điện Hải đến đồn Nại Hiên.

Sau khi chiếm được thành Gia Định, ngày 15/4/1859 Genouilly lại kéo quân trở ra Đà Nẵng, liên tiếp mở những đợt tấn công nhằm tiến ra chiếm kinh đô Huế. Nhưng một lần nữa, quân ta dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã khiến kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của Pháp thất bại, hao tổn lực lượng, quân lính phần chết trận, phần chết dịch rất nhiều.

Bán đảo Sơn Trà trở thành tử huyệt của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Ngày 23/3/1860, liên quân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, để lại trên bán đảo Sơn Trà một hố chôn tập thể với hàng ngàn hài cốt đến bây giờ trở thành chứng tích với tên gọi đồi hài cốt mà người Pháp đặt tên "Ossuaire".

Còn tiếp...

Vũ Trung