- "Ai cũng tự hào về tiếng địa phương của mình. Nếu người nào ở đâu đó ra Hà Nội lập nghiệp mà không muốn nói giọng Hà Nội thì có làm sao?!", NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, là người hướng dẫn tiếng nói trên sân khấu và tiếng Việt (cho người nước ngoài) chia sẻ.

Là người người rất quan tâm tới tiếng Việt, chữ Việt vì NSƯT Lê Chức là giảng viên về nghệ thuật tiếng nói trong biểu diễn trên sân khấu và tiếng Việt. 

Cũng là người Hải Phòng, có quê tổ ở Thanh Hóa nhưng hầu như ai gặp Lê Chức, nghe ông nói đều cho rằng ông là người Hà Nội.

Với NSƯT Lê Chức, khi nói cần “tròn vành rõ chữ”; người hát Quan họ lại cần thêm: “vang, rền, nền, nẩy”. Và cần dự phòng là – do thói quen mà có khi làm sai lạc nội dung của chữ và nghĩa.

Trong tiếng nói và giọng nói có một vấn đề mà chúng cần phải thừa nhận một cách tự nhiên là có “tiếng địa phương”, NSƯT Lê Chức nói.

NSƯT Lê Chức

Hà Nội cũng nên coi là một địa phương đã – trước khi được là Thủ đô. Mỗi địa phương đều có quyền tự hào về tiếng nói riêng của mình. Tiếng Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Tây... khác nhau, từng vùng miền cũng vậy.

Nhưng Hà Nội được chọn là thủ đô vì thế như bất kỳ một quốc gia nào, tiếng Thủ đô được coi như là tiếng phổ thông. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội luôn gắn liền với câu ca dao: "Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Ít địa phương nào lại có một câu đẹp để được vinh danh đến thế. 

Tìm một thứ tiếng “chuẩn” để làm quy ước thật khó, bởi nó dễ chạm tới những quan điểm về văn hoá, địa lý, tâm lý,… Mặc dù chưa có văn bản nào quy định giọng, tiếng Hà Nội là “chuẩn” quốc gia, nhưng trong đời sống người ta như tự hiểu với nhau rằng: tiếng Thủ đô là tiếng phổ thông với độ đúng cơ bản của “phát âm tiếng Việt”.

Người ta nói: người Hà Nội thường không phân biệt giữa r, d, gi,… hay người miền Nam thì không phân biệt giữa v và d,... Ai cũng biết tiếng nói có trước, chữ viết được hình thành sau với nhiệm vụ là ghi lại tiếng nói thành âm tự, chữ. Như vậy, có một vấn đề là chữ viết thì cần phải đúng theo niêm luật, văn phạm, còn khi nói lại là chuyện của tiếng và giọng của mỗi địa phương. 

NSƯT Lê Chức là người Hải Phòng, và biết là người Hải Phòng cũng có người bị lẫn giữa n và l, nhưng đó là tiếng nói của quê ông. Người ở đâu cũng vậy, khi họ ra Hà Nội, họ mang theo văn hóa, tập tục của quê hương mình ra, trong đó có tiếng nói. Nếu họ không có nhu cầu nói giọng Hà Nội, thì đó là chuyện quá bình thường trong cuộc sống cộng đồng.

Khi nào có một văn bản quy định tiếng Kinh, trong đó có tiếng Hà Nội là tiếng “chuẩn” và có tính phổ thông - thì lúc đó chúng ta cần phải bàn thêm. Ông luôn trân trọng giọng nói của tất cả các vùng miền, vì nó là đại diện của văn hoá nơi con người sinh trưởng, và biết tôn trọng giá trị văn hóa quê hương mình, biết tôn trọng giá trị đó - ông tin mỗi người sẽ biết hòa nhập và tôn trọng được cả những giá trị văn hoá ở chỗ khác, nơi đất khách xa xôi...

Ngoài tiếng được coi là “tiếng phổ thông”, còn có một “chuẩn” nữa là tiếng của các địa phương khác nhau với hiệu quả cần nhất là tạo ra được cái đẹp đa sắc của biểu cảm trong các thanh âm, ngữ điệu, sắc điệu, vần điệu, nhịp điệu,… của tiếng Việt.

NSƯT Lê Chức đang chiếm giữ một thời lượng khá nhiều trên các kênh truyền hình, đọc lời bình cho nhiều phim tài liệu, đọc lời dẫn cho một số lễ hội và đọc trong chương trình “Tiếng Thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam – mặc dù là người Hải Phòng nhưng từ các quan niệm trên của cá nhân ông nên đã thành “tự động” trong sinh hoạt hàng ngày và đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nghề nghiệp.

Tình Lê (ghi)