Thầm thương trộm nhớ, yêu thương mấy tháng, tính chuyện trăm năm... rồi bất ngờ ngã ngửa khi biết mình đã yêu phải dân anh chị, bảo kê. Các cô gái trẻ, người gắng tìm lối thoát, kẻ tha thiết thuyết phục gia đình, thậm chí có người đã tìm đến cái chết vì gặp phải sự ngăn cản của gia đình, sức “ép tình” từ anh xã hội.

Trót vướng lưới tình

Sinh năm 1989, vừa tốt nghiệp đại học Văn hóa ra trường, trong một lần đi dự sinh nhật bạn, Nguyễn Thị Quyên (khu tập thể Trương Định – HN) gặp và quen Vũ Tuấn Tú, chàng trai có ngôi nhà xinh xắn nằm kế bên hồ Linh Đàm. Vài lần đi chơi cùng bạn bè, hai người tách ra đi chơi riêng. Ban đầu, Quyên cũng hơi băn khoăn vì không khi nào Tú kể về công việc của mình dù đã 25 tuổi. Sau nửa năm qua lại, hai người đã yêu nhau say đắm. Ở bên Tú, Quyên hoàn toàn yên tâm bởi Tú rất mạnh mẽ. Tuy thâm trầm nhưng khi đã giải quyết việc gì thì Tú rất cương quyết và hơi lạnh lùng khiến người đối diện phải vị nể.

Ảnh minh họa. Nguồn: tiin.vn

Quyên dẫn Tú về nhà chơi, ra mắt bố mẹ. Bố mẹ Quyên hỏi Tú làm nghề gì và nhận được câu trả lời là làm ăn tự do với bạn bè. Thấy Tú rủng rỉnh tiền bạc, bạn bè anh em đông nên Quyên hoàn toàn yên tâm. Điều khác lạ ở Tú chỉ là cứ đến cuối giờ chiều là Tú bận, bận luôn tới tận đêm. Rất ít khi Tú đưa Quyên đi chơi buổi tối và thường ít nghe điện thoại nhiều vào những giờ này.

Đôi ba lần Quyên nghe Tú điện thoại với bạn bè, nói “thằng này, con kia chậm thanh toán thế không được, cần xử”, Quyên thoáng lo lắng nhưng Tú thường gạt đi nói đó là từ dân làm ăn hay dùng. Chuyện vỡ lở khi một người bạn của anh trai Quyên đến nhà chơi gặp Tú. Anh bạn này thông báo cho cả nhà Tú là “dân xã hội”, đã từng đến công ty anh này siết nợ một nhân viên trong công ty theo hợp đồng. Cả nhà Quyên bàng hoàng, kèm theo đó là cấm cửa và không cho Quyên gặp Tú. Cả hai đau khổ, Tú kể cho Quyên nghe công việc của mình là đi thu tiền lãi của các con nợ hàng ngày cho anh họ, đôi khi cũng nhận lời đi đòi nợ thay khi chủ nợ gặp phải con nợ cứng đầu. Tú thuyết phục Quyên đó là công việc bình thường, làm công ăn lương, không khi nào ra tay tàn bạo hay ức hiếp ai.

Liên tục hút thuốc trong hơn một giờ đồng hồ, Hữu, một dân xã hội chính cống vừa kể về câu chuyện tình yêu của mình. Năm 19 tuổi, đang là sinh viên, Hữu cùng mấy người bạn xô xát với một nhóm dân anh chị và chị chém mất một cánh tay. Buồn chán, Hữu bỏ học rồi lang thang làm thuê. Ngay nơi ngõ Hữu thuê trọ có một cửa hàng cầm đồ, người chủ cửa hàng thấy Hữu có dáng bặm trợn nên rủ Hữu làm bảo vệ trả lương cao. Hữu nhận lời và từ đó sa vào con đường thành dân anh chị. Cùng với ông chủ, Hữu quản lý mạng lưới vay tiền rộng khắp khu chợ Long Biên, từ tiểu thương cho đến dân lô đề, cờ bạc.

Ăn mặc lịch sự, ít khi văng bậy và trầm tính nên Hữu lọt vào mắt xanh của cô gái có cửa hàng bán sách giáo khoa trên phố. Hữu mặc cảm nên tránh né nhưng chỉ ít tháng sau, họ đã trở thành người yêu của nhau. Liên vốn yếu đuối nên vô cùng hạnh phúc và yên lòng bên người bạn trai mạnh mẽ, quyết đoán, nhiều quan hệ và toàn những người bạn hết lòng. Nửa năm mặn nồng, Hữu chủ động kể với Liên, người yêu về công việc và cuộc sống của mình. Liên ngỡ như rớt xuống vực thẳm bởi cha Liên vốn là đảng viên lâu năm, một cán bộ nghiên cứu mẫn cán và gia đình vô cùng nghiêm khắc, gia giáo. Dùng dằng chưa dứt , một ngày nọ, Liên chứng kiến Hữu đứng trước một người đàn bà đang quỳ xuống van xin, Hữu lạnh lùng vứt tàn thuốc xuống đất quay đi không một lời tha tội.

Nửa đường đứt gánh

Quyên càng tìm cách né tránh, Tú càng tìm đến và quyết liệt trong tình yêu. Tú hứa với Quyên sẽ tìm công việc khác làm song gia đình cô nhất quyết không đồng ý. Biết chuyện của Tú, mấy anh em xã hội của Tú ra tay nghĩa hiệp đến đập cửa “nói chuyện phải quấy” với cha mẹ Quyên. Anh em của Tú dọa cha mẹ Quyên nếu không cho đôi trẻ đến với nhau sẽ không để cả nhà sống yên. Báo hại cho Tú, bao năn nỉ thuyết phục chưa được lại thêm chuyện dọa nạt khiến Quyên vội vàng nhờ họ hàng xin việc tận Sài Gòn rồi ra đi không một lời từ biệt.

Không giống với Quyên, Liên như người mất hồn nhưng vẫn quyết không chia tay Hữu bởi Hữu đã rất thành thật tâm sự về công việc của anh ta. Những hành động nghĩa hiệp, cứu người giữa đường của Hữu khiến Liên thấy như trong phim và càng thêm yêu thương “anh hùng trong mộng” của mình. Cha Liên lên cơn cao huyết áp nhập viện, Hữu túc trực cùng anh em chiến hữu chăm sóc, ép bác sỹ y tá thăm bệnh cho ông ngày đêm, khi tỉnh dậy, bố yêu cầu Liên chia tay Hữu nếu không ông sẽ chết. Liên vẫn không nghe lời bố, cô theo Hữu đi thuê nhà. Giờ thì người vợ trẻ chưa một lần được lên xe hoa ấy vẫn vò võ nơi nhà trọ hàng đêm, bởi đêm xuống mới là giờ làm ăn của Hữu.

Tìm gặp Liên trong căn nhà trọ nhỏ trong khu Hồ Đắc Di, Liên cười buồn tâm sự, mỗi đêm chỉ khi Hữu về cô mới có thể thiếp ngủ bởi công việc của Hữu rất nguy hiểm, có thể mất mạng như chơi. Cô đã từng chứng kiến nhóm của Hữu xử nhau với một nhóm khác vì tranh giành địa phận cho vay tiền nóng.

Liên se sẽ: “Bạn bè trong giới làm ăn của Hữu đông lắm, tỉnh nào cũng có quan hệ. Có khi đi đến đâu cũng tiếp đón nhau nhiệt tình, ăn ở chu đáo. Mấy anh em chơi thân ở Hà Nội hầu như ít người gia đình êm ấm, hầu hết vẫn chưa lấy vợ hay sống như bọn mình đây. Đôi khi, có anh hay em tâm sự yêu rồi mà sợ không đi đến đâu. Có người nhờ mình nói chuyện với người yêu về công việc, có cô nghe mình nói xong nước mắt như mưa. Nhiều anh em của Hữu cương quyết không yêu, hoặc có người cũng yêu dân xã hội. Họ cũng là con người, cực chẳng đã làm nghề ấy nên trở thành anh chị, nhưng khi yêu họ cũng có trái tim và yêu tha thiết lắm”.

Tình yêu thật khó mà tính toán, thật tội nghiệp cho những cô gái trót yêu phải dân anh chị, bỏ không xong mà yêu thì tương lai mờ mịt. Liên kết thúc câu chuyện, có một anh dân xã hội ở Quảng Ninh, yêu bị người yêu bỏ chạy khi biết là dân xã hội đã mang mìn đến nhà người yêu, may mà ngăn kịp nếu không đã có án mạng.

H.M