Cô đơn, ít bạn bè, muốn tìm người có cùng sở thích... đã khiến cho nhiều bạn
trẻ xích lại gần nhau hơn nhờ lập những hội đồng cảm. Tuy nhiên từ mục đích tốt
đẹp ban đầu đã có không ít hội biến tướng ra đời, khiến nhiều người lâm vào cảnh
dở khóc dở cười vì trót làm thành viên của các hội này.
Hội "chửi"
Bức xúc vì bị mẹ thường xuyên quản lý việc học hành, vui chơi với bạn bè nên
Hồng Quân (ngụ Q10) thường lên mạng tìm đến các diễn đàn để “trút giận”. Lúc đầu
cậu chỉ dám than vãn, kể lể tình cảnh của mình để nhận được sự chia sẻ từ những
người bạn ảo; nhưng khi nhận được những lời khích lệ, cổ vũ, Quân thấy hào hứng
hơn và lập hội chuyên “mạt sát” cha mẹ. Từ chỗ một học sinh khá ngoan hiền, Quân
trở nên bất cần và thường nhìn cha mẹ bằng ánh mắt hằn học mỗi khi bị nhắc nhở.
Thú vui duy nhất của Quân là lên mạng và đắm chìm trong việc mạt sát cha mẹ qua
mạng xã hội.
Tranh minh họa. Nguồn: giadinh.net |
Cũng nghiện “chửi” tương tự, nhiều bạn trẻ thi nhau lập các hội như “hội chửi cha mẹ kẻ giết voọc”, hội “chửi tục có đẳng cấp”... Hầu hết lời lẽ trong các hội này đều sặc mùi thô tục, thậm chí có thành viên còn tuyên bố: “Thời đại @ chửi nhau bằng tay chứ ai rảnh “đấu võ mồm” làm gì. Ngay cả nghệ sĩ còn lôi nhau lên mạng chửi nhau thì hà cớ gì anh em mình không lên đây chửi. Thời đại còng lưng trên bàn phím, mình chửi vạn người đọc, tội gì không làm” (!).
Đã có không ít báo mạng lên án về hành vi chửi cha mắng mẹ của một số bạn trẻ, nhưng càng lên án thì tệ nạn càng tràn lan khiến không ít người bức xúc. Anh Hoàng Minh Trực (ngụ đường Tôn Đản, Q4) chia sẻ: “Mỗi lần đọc thấy báo viết về một nữ sinh hay nam sinh lên mạng chửi rủa cha mẹ là tôi lại thấy đắng lòng. Nếu cha mẹ của họ đọc được những dòng này thì sẽ đau đớn đến nhường nào”.
Cẩn thận khi gia nhập hội
Hầu hết những “hội kinh dị” đều được khai sinh từ mạng internet, sau đó bành trướng ra xã hội thông qua các buổi gặp gỡ, giao lưu.
Không ít thành viên đã lâm vào trường hợp khóc dở mếu dở như câu chuyện của
Ngọc Lan (sinh viên ngành du lịch - PV). Là một tín đồ của mạng internet nên cô
thường la cà trên các diễn đàn. Trong một lần lướt web, thấy có thành viên rủ
tham gia vào hội dành cho những người độc thân, thường tổ chức gặp mặt mỗi tuần
để thiết lập tình bạn, nghe ca tụng về hội và khẳng định những buổi giao lưu này
chủ yếu để chia sẻ kinh nghiệm trong công việc, học tập, cô cũng tò mò đăng ký
gia nhập. Đúng ngày hẹn, Lan ăn mặc, trang điểm khá đẹp và đến điểm hẹn như đã
thống nhất. Kết quả sau khi nói chuyện, cô mới biết mình lọt vào một hội chuyên
“săn rau sạch”, vì những người đàn ông đến hội hầu hết đều khá lớn tuổi và những
gì họ nói liên quan đến chuyện tế nhị. Quá hốt hoảng, Lan vội xin phép về sớm,
sau này cô mới biết hội này thường thuê các thành viên lên mạng tìm đến các diễn
đàn, kết bạn cùng các cô gái trẻ, rủ rê họ đến các điểm hẹn để những kẻ bệnh
hoạn giải tỏa nhu cầu “chăn rau” của họ.
Khi tham gia vào các hội, nhiều bạn trẻ không lường trước được hậu quả và rắc
rối từ chính những hội này đem lại, bởi mục đích ban đầu chỉ để tìm được sự đồng
cảm từ những người xa lạ; nhưng càng tham gia, không ít thành viên dần bị lôi
kéo, ảnh hưởng từ chính những hội không lành mạnh ấy đã dẫn đến những hậu quả
đáng tiếc.
(Theo CA TPHCM)