- Cùng 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, nhưng nhiều sản phụ đã không thể được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ bởi những “tai biến” bất ngờ. Ký ức đẫm nước mắt về những cuộc vượt cạn kinh hoàng ấy vĩnh viễn đeo đẳng người phụ nữ.


“Quy trình nào cướp mất con tôi?”

Đó là câu hỏi đau đớn đeo đẳng chị Trương Thị Ngọc Hồi – sản phụ có con mất vì tai biến “sa dây rau” sau ca sinh mổ tại BV Phụ sản Hà Nội hôm 27/12/2012. 

Nhập viện hoàn toàn bình thường, chị Hồi không thể ngờ, chỉ sau vài giờ đồng hồ, mẹ con chị phải đối mặt với giây phút sinh tử. Tất cả những gì chị nhớ được là những phút nằm chơ vơ trong phòng chờ sinh, thấp thỏm lo lắng khi tim thai tăng lên tới 200 lần/ phút mà chỉ được hướng dẫn nằm nghiêng, thở oxi. Gần 20 phút sau, chị được đưa đi mổ cấp cứu vì xảy ra tai biến sa dây rau…

Ảnh minh họa.

“Tôi bị đặt lên băng ca, đẩy chạy đi huỳnh huỵch trong hành lang bệnh viện. Mẹ tôi hớt hải chạy đuổi theo, còn chồng tôi bị ngăn lại bên ngoài, bản thân tôi lo lắng sợ hãi ngổn ngang trong đầu, không hiểu chuyện gì đang xảy ra?? Lúc mổ, tôi đau đớn rồi lịm. Khi tỉnh dậy thì họ đã đưa con tôi lên khoa Sơ sinh bệnh lý. Tôi không được nhìn con. Cho đến khi về phòng hồi sức, tôi vẫn tin rằng, rồi con sẽ được trả lại bình thường khỏe mạnh. Không ngờ, mổ được hơn một ngày thì nhận được tin dữ từ bệnh viện. Tôi và người nhà vội vàng chạy lên gặp con, đó cũng là lần đầu và là lần cuối cùng tôi được nhìn mặt con” – chị Hồi nói trong nước mắt.

Dù bệnh viện giải thích tất cả đều đúng quy trình, nhận trách nhiệm về sự non yếu chuyên môn, kinh nghiệm của nữ hộ sinh, nhưng chị Hồi vẫn cay đắng bức xúc: Quy trình nào cho phép đẩy con tôi đến cái chết???

Điều người mẹ này dặt vặt hơn nữa là chỉ nhận được những kết luận chung chung và đề nghị chia sẻ viện phí và việc mai táng cho cháu bé , với yêu cầu liệt kê danh sách các mục chi và kèm theo chứng từ hóa đơn.

Gần một tháng sau sự việc đau thương, chị Hồi dù rất muốn về quê nghỉ ngơi dưỡng sức nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh. Mất đi bé gái được dự sinh 3,5kg, người mẹ luôn trong trạng thái thẫn thờ, dằn vặt, bởi: “Bác sĩ nói phải 2 năm sau nữa tôi mới có thể sinh nở bình thường được. Nhưng giờ tôi đã ngoài 30 tuổi, còn những gánh nặng tâm lý, những hệ lụy sau này, liệu có thể nào tôi cứ muốn có con là được?”.

Mất con, không hiểu vì đâu

Ở tuổi 21, sản phụ Đỗ Thị Thùy Dung (Phú Xuyên – Hà Nội) không hiểu vì đâu chị lại phải hứng chịu nỗi đau mất con, khi mà trước đó thai kỳ của chị hoàn toàn bình thường.

Nhập viện tại BV Đa khoa Vân Đình (Ứng Hòa – HN) từ 10h sáng, mãi đến 3h đêm chị Dung được bác sĩ thông báo “tim thai yếu”. Dù gia đình chị khẩn thiết cậy nhờ bác sỹ, nhưng phải 5h sáng hôm sau chị Dung mới được đưa đi mổ cấp cứu. Cháu bé ra đi 30 phút sau đó…

Chồng chị Thùy Dung (Phú Xuyên – HN) đau đớn đến ngất xỉu vì mất con trong BV Đa khoa Vân Đình.

Ký ức của chị Dung về ca sinh nở chỉ là những cơn đau đến kiệt sức và sự chờ đợi vò võ trong phòng cách ly; là những linh cảm chăng lành khi nhìn khóe mắt đẫm nước của người thân mỗi lần vào thăm nhưng không ai nói thật. Không được bế con, được nhìn con dù trong giây phút, người mẹ chỉ được biết con mình đã mất sau khi sức khỏe dần hồi phục…

Tâm sự gửi về VietNamNet, một độc giả cũng chia sẻ ký ức của lần sinh con đầu lòng “ngỡ như vừa ra khỏi bệnh viện này mặc dù con tôi đã hơn 6 tuổi...”.

Chị kể: “Tôi nhập viện là 8h sáng,y tá trưởng thăm khám và nói mở 2 phân rồi, khuyên tôi đi về nhà,chiều hãy vào. Vì sinh lần đầu nên tôi không đồng ý và yêu cầu vào phòng đẻ ngay.Tôi năm trên bàn đẻ từ 9h sáng đến 19h tối. Ttrong thời gian đó họ tiếp nước rồi bấm hết sạch ối của tôi, thay ca trực và cũng không hỏi han quan tâm gì. Hơn 7h tối thì họ mới kiểm tra em bé trong bụng, rồi 4 y tá lấy tã xiết bụng tôi cho em bé ra.

Bé chào đời không một tiếng khóc, ngạt tím tái, họ vẫn nói là vàng da sinh lý bình thường, mai cho về với mẹ. Cháu nằm lồng kính 3 ngày, sốt gần 40 độ... Đến giờ này nhìn cháu lớn từng ngày mà gia đình tôi vẫn ngỡ như mơ”.

Vẫn biết “người chửa, cửa mả”, biết bao hiểm nguy rình rập người mẹ và đứa trẻ trong mỗi cuộc vượt cạn. Nhưng những thông tin về tai biến sản khoa, những cái chết thương tâm ngay trên bàn đẻ khiến mỗi người – đặc biệt là người phụ nữ, các bà mẹ không khỏi lo lắng, sợ hãi. Lẽ nào một ca sinh nở an toàn lại khó khăn đến thế trong điều kiện đời sống và y học hiện đại?

Quỳnh Anh