- “Tết này, bà sẽ không ăn Tết ở nhà đâu con ạ, nhưng bà cũng sẽ không giống như những người già khác, khóc nức nở khi con cháu không đến đón về, bởi nếu về mà làm khổ con cháu thì về làm gì hả con?” - Cụ Linh tâm sự.
>> Con đại gia chuyển khoản... nuôi bố mẹ ở trại dưỡng lão
>> Nghịch cảnh chín con không nuôi nổi một mẹ già
>> Nghịch cảnh chín con không nuôi nổi một mẹ già
Trái ngược với tâm lý đếm từng ngày chờ Tết để được con cháu đón về nhà sum họp với gia đình, cụ Linh 86 tuổi (Lò Đúc - Hà Nội) - một trong số những người minh mẫn nhất trong viện dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội) đã quyết định ở lại đón Tết cùng trung tâm.
Không phàn nàn về chế độ chăm sóc ở trung tâm, nhưng mỗi khi nhắc đến 2 chữ gia đình, các cụ lại ngân ngấn nước mắt. |
Cụ Linh có 2 người con, đều đã thành đạt cả, có người còn đến tuổi về hưu, nhưng từ khi bị liệt nửa người, cụ đã được con đưa vào viện dưỡng lão.
Cụ bảo: “Bà vào viện là ý của bà, chứ không có ai ép. Bởi vì bà nghĩ, bà ốm đau, bệnh tật, lại bị liệt như vậy, nếu ở nhà, phải bỏ tiền để thuê osin phục vụ thì vừa tốn kém mà lại không yên tâm. Bà vào trung tâm, con cái sẽ đỡ vất vả vì bà, như thế chúng sẽ có nhiều thời gian rảnh rang hơn để lo công việc nhà nước, công việc xã hội. Hơn nữa, khi vào đây, bà cũng sẽ có người chuyên nghiệp hướng dẫn bà tập luyện cho cơ thể khỏi bị liệt".
Thế nhưng, khi vào đến viện dưỡng lão, mọi sinh hoạt khác xa với cuộc sống ở nhà khiến đôi lúc cụ cảm thấy buồn, đơn độc. Nhưng rồi, cụ lại tự tìm cho mình một niềm vui mới, đó là ngày nào cũng nhờ y tá đưa xuống phòng phục hồi sức khỏe của trung tâm để tập.
Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại, sau 1 năm, cụ đã rời được xe lăn, có thể đứng bám vào tường mà đi cả một đoạn khá dài. Và quan trọng hơn cả là cụ đã hòa nhập được với cuộc sống ở viện dưỡng lão.
Tuy nhiên, vào những ngày giáp tết, viện dưỡng lão cũng tấp nập người ra người vào, người đón người thăm khiến cụ không khỏi chạnh lòng.
Nhưng nhắc đến chuyện về nhà ăn Tết thì cụ xua tay, đôi mắt rơm rớm nước, giọng chùng xuống: “Bà muốn về lắm chứ, làm gì có ai không muốn quây quần bên con cháu trong những ngày lễ Tết... Nhưng thôi bà sẽ không về đâu con ạ.
Ở đây, còn có người ngâm chân cho bà, đi tất cho bà hàng ngày, chứ về nhà thì ai chăm sóc cho bà? Thuê osin mấy ngày Tết thì càng khó. Bà về lại thêm khổ cho con cho cháu, mà cũng khổ cả bà nữa. Bởi đêm đến, muốn đi vệ sinh cũng ngại không dám làm phiền con...”.
“Nhưng ở đây, không nhiều người nghĩ được như bà đâu con ạ” - cụ Linh nói. “Có bà lú lẫn, thần kinh có vấn đề, nhưng thấy người ta được con đến đón về thì cũng đòi về theo. Sáng nay, có cụ lẩn thẩn còn khóc ầm ĩ cả hội trường vì muốn về ăn Tết mà không thấy con đến đón về. Nhưng nghĩ lại thì cũng thấy cụ ấy thật đáng thương vì ngày thường cũng chẳng bao giờ thấy có con cháu đến thăm”.
“Còn bà, con nó cũng bảo đến đón bà về, nhưng mà bà quyết định ở lại con ạ. Về làm gì hả con? Ở đây là sướng lắm rồi, mấy ai được như bà. Nhà nghèo không vào đây được đâu con ạ. Con bà nó phải bỏ ra cả chục triệu cho bà ở đây mỗi tháng đấy” - bà Linh nói.
Đúng là người nghèo thì khó có thể vào đây thật, bởi lẽ ở trung tâm mức sống của các cụ đều giao động trong khoảng từ 5 triệu đến 13 triệu/người/tháng.
Tuy nhiên, chắc chắn một điều, ở trong trung tâm ấy có nhiều người già vẫn mong mỏi một ngày được trở về để sống những ngày tháng cuối đời bên con cháu, hoặc đơn giản chỉ là về với quê hương, hàng xóm láng giềng dù ở nhà, cuộc sống có khó khăn đến đâu...
Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức (Đông Ngạc, từ Liêm, Hà Nội), trong số 197 cụ hiện đang sống ở trung tâm thì có tới 80% là các cụ có sức khỏe yếu và bị các bệnh mãn tính. Do vậy, Tết đến, cũng chỉ có một lượng nhỏ các cụ về nhà đón tết với gia đình. Số còn lại sẽ đón tết ngay tại trung tâm. Chính vì vậy cho nên năm nào trung tâm cũng tổ chức cho các cụ đón tết như không khí đón tết ở gia đình. Mỗi phòng của các cụ đều được trang hoàng đào hoặc quất, có năm còn tổ chức gói bánh chưng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống theo phong tục ngày Tết. Ngày cuối năm sẽ tổ chức bữa cơm Tất niên. Đêm giao thừa, giám đốc cùng ban lãnh đạo trung tâm sẽ đi chúc tết, mừng tuổi các cụ để các cụ bớt đi cảm giác cô đơn. |
Minh Minh