Tin liên tiếp về gà thải Trung Quốc, thịt trâu bò chết tẩm gia vị thành bò khô, giò chả trộn hàn the, bóng bì tẩy oxy già, bánh kẹo giả… trong những ngày cận Tết khiến người tiêu dùng tiếp tục nơm nớp với nỗi lo đối phó với những thực phẩm siêu bẩn tràn lan trên thị trường.
Đặc sản từ thịt thối, phụ gia hóa học
Giò chả, bóng bì, thịt trâu – bò khô… đều là những món “đặc sản” trong mâm cơm ngày Tết. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng mua được được đặc sản thật, ngon, sạch về nhà mình bởi người bán có vô số chiêu “bẩn”, hóa phép thịt thối trộn hóa chất thành “đặc sản”. Theo một người thợ chuyên làm giò chả tại Bắc Ninh, hàn the là nguyên liệu không thể thiếu, giúp giò chả được ngon, giòn, đẹp, để được lâu mà giá thành vẫn có phần rẻ hơn giá thịt.
“Đơn vị tính hàn the cho vào giò chả không phải tính bằng gram, mà là bằng thìa cà phê, bằng muôi. Nếu không có chúng, giò sống hay chả lụa cũng chỉ là món thịt say không hấp dẫn, lại mau ôi thiu” – tiết lộ của chuyên gia làm giò chả không khỏi khiến những người thích ăn món này kinh hãi.
Hàn the còn được dùng để tăng độ dai cho thịt trâu bò khô “chính hiệu” làm từ thịt lợn hoặc phế phẩm lòng bò, trâu… sau khi ngâm tẩm đủ loại hóa chất. Không dừng lại ở đó, nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng dùng cả những “phụ gia” kinh khủng khác như oxy già, chất tẩy rửa công nghiệp, vôi… để làm hàng. Có nơi, cả làng, cả thôn sử dụng các loại hóa chất này, rồi từ đó, thành phẩm tràn ra thị trường, không ai hay biết.
Tẩy trắng bì lợn bằng Oxy |
“Mỗi thùng oxy già mua ở Lạng Sơn khoảng 15. 000 đồng có thể tẩy trắng tới hơn 3 tạ bì lợn. Bì lợn sau khi cạo sạch lông, nạo bỏ toàn bộ mỡ sẽ được ngâm trong thùng ô xy già từ 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi tiếp tục được chế biến ra bóng bì thành phẩm, “đổ buôn cho các mối hàng quen tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm ở Hà Nội” – chủ một xưởng sản xuất bóng bì tại thôn Bình Lương, (xã Tân Quang, H.Văn Lâm, Hưng Yên) tiết lộ.
Cho biết gần như 100% hộ sản xuất bóng bì tại thôn không có giấy phép kinh doanh, ông Nguyễn Huy Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Quang thừa nhận, việc các cơ sở dùng ô xy già cũng như một số dung dịch hóa chất khác để tẩy trắng, làm mất mùi ôi thiu của bì lợn là có thật. Tuy nhiên chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Món Tết khoái khẩu hay… thuốc độc?
Chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng sử dụng công nghệ bẩn cho ra lò những thực phẩm siêu độc, siêu bẩn. Trong đó có những món khoái khẩu ngày Tết như mứt kẹo, măng miến…Mứt hoa quả từ nguyên liệu thối, dập nát, được rửa bằng chân, ngâm trong những thùng mật nổi váng, vẩn đục lẫn cả ruồi nhặng; Mứt sau khi chế biến xong, được đổ đống dưới nền nhà, phía dưới chỉ lót một tấm ni lông mỏng; Công nhân với bàn tay cáu bẩn, không đeo bao tay 'vô tư' đóng gói mứt… là hình ảnh ghi nhận trực tiếp về các công đoạn làm mứt Tết tại thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên.
Dùng chân làm miến tại một làng nghề tại Hà Nội (Ảnh: Tiền Phong) |
Còn ở “thiên đường bánh kẹo” như La Phù – Hoài Đức, HN, PV báo Lao Động đã khám phá ra bí mật làm bánh kẹo giả, nhái từ phẩm màu, hương liệu, đường hóa học nằm trong những xưởng sản xuất cũ kỹ với các máy công nghiệp hoen gỉ, bốc mùi. Một công nhân nữ ở đây cho biết, nguyên - hương liệu làm kẹo đều là hàng của Trung Quốc. Hóa chất tất cả được nhập từ những mối hàng quen trên chợ Đồng Xuân, được đóng thành từng bao tải lớn màu trắng không nhãn mác địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng... hầu hết được vận chuyển về xưởng vào ban đêm.
Dùng nguyên liệu bẩn nhưng các cơ sở sản xuất La Phù làm giả rất thành công các nhãn mác uy tín. Để người tiêu dùng không nghi ngờ, các sản phẩm sẽ được bán với giá cao…
Hãi hùng thùng nguyên liệu làm kẹo béo khi được khuấy đến độ sánh (Ảnh: Dân trí) |
“Ở đây, có những cơ sở chuyên nhái các hãng bánh kẹo nổi tiếng, chỉ cần đưa ra yêu cầu về kích cỡ, màu sắc, tên thương hiệu thì muốn bao nhiêu cũng có” – nữ công nhân này bật mí. Các công nghệ làm bẩn, làm giả tinh vi như vậy ngày ngày đưa người tiêu dùng vào “mê cung” của thị trường giả – giả, thật – thật lẫn lộn. Dẫu có nhiều phen xanh mặt với những cảnh báo về đủ thứ nguy cơ bệnh tật, nguy hiểm, thì “thượng đế” vẫn đành phải nhắm mắt đưa chân, tặc lưỡi cho qua vì chẳng biết phải tìm đâu ra thực phẩm an toàn?
MT (tổng hợp)
"3 Bộ quản lý 1 mâm cơm nhưng mâm cơm vẫn không an toàn” PGS. TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết. “Bởi vì Bộ Nông nghiệp sinh ra đào tạo cán bộ nông nghiệp, kỹ sư hóa chất. Bộ Công thương sinh ra kỹ sư chế biến công nghệ thực phẩm. Còn sản phẩm có an toàn hay không là Bộ Y tế. Bộ Y tế phải là cơ quan ban hành tiêu chuẩn để cho Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp sản xuất ra, chế biến ra. Hướng đi phải thế thì mới có thực phẩm sạch, nhưng tại sao nước mình cứ trục trặc? Rất đơn giản, Bộ Nông nghiệp cũng rất tích cực sản xuất tốt cho quả tươi nhưng bất lợi là nền nông nghiệp nhỏ lẻ phân tán, lạc hậu, nhà nhà trồng rau, người người trồng rau thế thì sao mà kiểm soát được bước 1. Rồi hệ thống xử lý chất thải trong chế biến thực phẩm không đến nơi đến chốn. Mà dịch vụ ăn uống liên quan đến xây dựng đô thị. Đô thị thì vỉa hè bị lấn chiếm, đường tắc, bụi bẩn. Thế là khâu thứ 2, bước sản xuất cũng không ăn thua. Người kinh doanh thì ai chẳng muốn lợi nhuận. Vì lợi nhuận mà cho chất bảo quản vào thế là cả 3 khâu đều lửng lơ”. |