Chợ ở Việt Nam là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ hoặc hiện vật. Ngay từ xa xưa, chợ đã gắn bó với đời sống nhân dân và là nơi thể hiện văn hóa, sinh hoạt của người dân.

Có nhiều phiên chợ ở Việt Nam rất độc đáo, thể hiện bản sắc riêng.

Chợ phiên... quê nhất Hà Nội

Chỉ cách trung tâm Thủ đô 30 km, Chợ Nủa (xã Bình Phú, Thạch Thất) là chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng bắc bộ xưa. Chợ Nủa đều đặn họp vào những ngày mồng 2 và mồng 7, ngày 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng và chỉ họp vào buổi sáng. Riêng phiên chợ cuối cùng của năm bao giờ cũng đông người mua sắm nhất.

Chợ Nủa vẫn mang đậm nét của những chợ phiên xưa ở vùng đồng bằng bắc bộ. (Ảnh: VietNamNet)

Những sản vật dụng cụ truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng hay các loại gàu tát nước vẫn được trọng dụng đến tận bây giờ (Ảnh: VietNamNet)

Phiên chợ cầu may

Chợ Viềng – chợ Âm phủ (ở huyện Vụ Bản, Nam Định) nổi tiếng vì là chợ phiên cầu may. Chợ này diễn ra cảnh mua bán tấp nập từ lúc nửa đêm mồng 7 và kéo dài đến hết ngày 8 Âm lịch. Ở đây bày bán tất cả những thứ đồ từ nông cụ cho đến nồi xoong, bát đĩa, cây cảnh… Nhiều người đến đây với hy vọng mua một món đồ để cầu may.

Chợ Viềng năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của công nhân viên chức vẫn chưa hết. Do vậy, nó đã thu hút khá đông các du khách đông nhất từ trước tới nay.

Dòng người về chợ Viềng năm nay đông nghịt (Ảnh: Petrotimes)

Chọn mua cây sanh lấy may đầu năm (Ảnh: Khám phá)

Nhiều du khách quan niệm mua dụng cụ lao động để mong một mùa bội thu (Ảnh: Khám phá)

Chợ đồ cổ độc đáo ngày Tết ở Hà Nội

Chợ đồ cổ này họp tại ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội). Chợ họp theo phiên từ ngày 20 đến 30 Âm lịch hàng năm.Tại đây bày bán đủ các loại đồ cổ và giả cổ, đồ đồng...

Chợ thu hút được rất đông khách đến mua hàng. Không chỉ người Việt, các du khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú với phiên chợ độc đáo cận Tết này của Việt Nam. Theo lý giải của các chủ hàng, mua đồ cổ cho năm mới vừa để lưu giữ những nét cổ xưa, vừa để cầu mong sự may mắn.

Chợ chỉ bán đồ cổ ở Hà Nội (Ảnh: VnE)


Du khách nước ngoài tỏ ra thích thú với phiên chợ độc đáo cận Tết này của Việt Nam (Ảnh: VnE)

Phiên chợ chỉ dành cho… trẻ em

Chợ Gòi, họp tại đình làng Gòi, thôn Phong Lôi, xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình là phiên chợ chỉ mở một phiên duy nhất vào sáng mồng 2 Tết hàng năm. Hàng hóa của chợ chủ yếu là đồ chơi và khách hàng của chợ thuần là các em nhỏ, hay bố mẹ, anh chị của các cháu đưa con em mình đi chơi.

Chợ đồ chơi trẻ em trong sân đình làng Gòi có từ vài chục năm trước, khi vài người thợ nặn tò he, con giống… mang hàng ra ngoài cổng đình bày bán cho các cháu nhỏ đi chơi Tết đầu năm. Phiên chợ có một không hai này có lẽ chỉ có ở vùng đất lúa Thái Bình.

Chủ hàng đến bán tại phiên chợ đặc biệt này không phải đóng thuế chợ. Khách hàng nhỏ tuổi không cần mặc cả, chỉ tràn ngập tiếng cười. Hàng trăm món đồ chơi đã làm mê say bao thế hệ trẻ con làng Gòi, trở thành kỷ niệm tuổi thơ trong ký ức của những người xa quê, khi nhớ về cái tết bình dị, đầm ấm nơi thôn dã…

Năm nay, phiên chợ đồ chơi tại sân đình Phong Lôi đông nghịt người từ sáng sớm. Chừng chục quầy đồ chơi bày trên vuông bạt trên sân đình. Trẻ em háo hức nhìn những món đồ chơi lạ mắt, giục bố mẹ đưa đến hết hàng này sang hàng khác, vừa ngắm vừa mua vài món đồ chơi chơi tết.

Phiên chợ chỉ dành cho trẻ con (Ảnh: VietNamNet)

Trẻ em say sưa với những đồ chơi tại phiên chợ (Ảnh: VietNamNet)

Chợ chỉ bán hàng ‘độc’ là chim

Chợ hàng “độc” chỉ bán duy nhất một mặt hàng chim rừng để nuôi làm cảnh nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ, cạnh bệnh viện Quân y 17, thuộc phường Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Đây có thể nói là chợ bán hàng “độc” là chim lớn nhất Đà thành.

Không biết những khu chợ bán hàng “độc” duy nhất là chim rừng ấy hình thành từ lúc nào, chỉ biết ở đó có những bà, những chị, những cô trẻ măng chỉ chuyên bán... chim cho khách.

Phố hàng chim ở Đà Nẵng (Ảnh: VietNamNet)

Nhiều người đến tìm mua chim (Ảnh: VietNamNet)


Thu Hòa
(tổng hợp)