Chạy xe gần 200km từ thành Vinh, tôi đã đặt chân đến Mường Chiềng Ngam, một mường lớn ở huyện miền núi Quỳ Châu và nghe kể về những câu chuyện kỳ lạ xung quanh ngôi đền cổ lớn nhất ở nơi này.

Đi tìm dấu tích người xưa

Đó là đền Mường Chiềng Ngam ở Tèn Bọ thuộc bản Na Nhàng (nay là bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An). Theo chân ông Lò Văn Hà, người trông giữ đền mấy chục năm nay, chúng tôi rón rén lần theo những bậc đá xanh rêu phủ đầy lá rụng, lòng hồi hộp như đang đi ngược lại thời gian trở về quá khứ. Ông Hà cho biết, để lên đến đền Mường Chiềng Ngam, người xưa đã xây đúng 98 bậc đá, cứ 7 bậc nhỏ lại chen một bậc lớn nối tiếp nhau men theo sườn núi Phà Én vươn lên đỉnh trời.

Mặc dù đã gắn bó với ngôi đền này từ thủa nhỏ nhưng theo lời kể của ông Hà thì bản thân ông cũng như những người khác đều không hiểu được dụng ý của người xưa trong việc xây dựng các bậc đá theo lối ấy. Ông chỉ biết rằng từ khi mình sinh ra đã thấy những bậc đá cổ xưa này sừng sững trước mặt như tạc vào sườn núi, dẫn lối thần linh lưu dấu đường trần.

Đền mới được phục dựng trên nền cũ.

Bước qua 98 bậc đá, đặt chân đến cổng đền, phóng tầm mắt lên trên người ta dễ bị choáng ngợp bởi núi non hùng vĩ như một giá đỡ khổng lồ phía sau ngôi đền. Nhưng ngoảnh mặt lại, trải ánh nhìn ra xa, không ai có thể thờ ơ trước khung cảnh thơ mộng của ruộng đồng bát ngát, cây cối xanh tươi. Và những dòng suối chở đầy nước mát không ngừng đẩy các guồng nước lớn tròn xoe như những chiếc đồng hồ vào một vòng quay bất tận không ngừng nghỉ của thời gian.

Đền Mường Chiềng Ngam thờ 3 vị thành hoàng là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông. Họ là những người đã có công khai bản, lập mường ở vùng Chiềng Ngam, chốn thâm sơn cùng cốc ở vùng núi tây bắc Nghệ An. Ông Xiêu Bọ lập nên bản Bọ, ông Xiêu Ké lập nên bản Ké (nay là bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến), ông Xiêu Luông lập nên bản Luồng (nay thuộc xã Châu Bình). Nhờ công đức to lớn của ba ông, cuộc sống của người dân ở bản Bọ, bản Ké, bản Luồng ngày càng sung túc, thóc lúa đầy bồ, gà lợn đầy sân, trâu bò đầy đồng. Ba bản làng giàu có này trong ngoài đoàn kết lẫn nhau như người một nhà, giúp nhau chăn nuôi, trồng trọt tạo thành thế kiềng ba chân vô cùng vững mạnh, nổi tiếng khắp nơi về sự ấm no, trù phú.

Theo truyền thuyết mà ông Hà được nghe những người già kể lại thì chính vì sự giàu có ấy nên Mường Chiềng Ngam đã trở thành miếng mồi béo bở khiến cho bao kẻ khát thèm, kéo đến xâm chiếm. Trong một lần bị tấn công ác liệt, do quanh năm chỉ biết cặm cụi làm ăn không quen gươm giáo nên dân Mường Chiềng Ngam không thể chống cự nổi, theo 3 ông chạy nạn lên núi Kẻm Éo thuộc dãy Phà Én. Vòng vây càng lúc càng khép chặt khiến cho hàng nghìn người dân trên núi hoàn toàn bị cô lập. Số người chết vì đói, khát ngày càng tăng lên nhưng dân chúng vẫn đồng lòng theo ba ông, không chịu đầu hàng. Cuối cùng giặc lại cho đốt rơm rạ dưới chân núi khiến người trên núi bị ngạt khói không sao chịu được.

Không thể đứng nhìn dân chúng rơi vào cảnh chết chóc, lầm than, 3 vị thủ lĩnh quyết định đầu hàng, tự nộp mình. Ngay sau đó, 3 ông phải chịu đựng những cực hình dã man, bị chúng chặt đầu, vứt xác xuống vực sâu. Vừa khi ấy, cuồng phong vần vũ từng cơn, mưa dông ầm ầm trút xuống, sấm chớp rung chuyển bốn phương. Trong cảnh hỗn loạn, một đàn quạ từ đâu bay đến, tụ thành một đám mây đen khổng lồ trên sườn núi, thi nhau kêu thét vang cả đất trời. Sau khi trời yên biển lặng, lũ quạ vỗ cánh bay đi, bỏ lại xác của 3 vị anh minh được đặt ngay ngắn bên nhau. Để tưởng nhớ công ơn của 3 vị thủ lĩnh đức độ, dân chúng đã tôn 3 ông làm thành hoàng làng và lập đền thờ ngay tại nơi tìm thấy thi thể của họ.

Đền Mường Chiềng Ngam ban đầu được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái với 3 gian thờ khiêm tốn nhưng đầy vẻ trang nghiêm. Năm 1945, do nhiều biến cố lịch sử, đền Mường Chiềng Ngam đã hư hỏng nặng và chỉ còn ở dạng phế tích. Với xu thế hướng về cội nguồn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, năm 2006, đền Chiềng Ngam được khôi phục trên nền ngôi đền xưa. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 22 tháng giêng hàng năm, cùng với lễ hội hang Bua nhân dân trong vùng lại mở đền, khai hội, thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản mường yên vui, nhân khang vật thịnh, nhà nhà no ấm, người người sướng vui.

Chuyện thú vị về"cây thị thời gian"

Ngôi đền tuy mới được phục dựng chưa lâu, nước sơn vẫn còn sáng bóng nhưng cây thị trước đền vẫn đứng đó hàng mấy trăm năm như một chứng nhân của thời gian. Qua câu chuyện của ông Hà trông đền, tôi được biết, nhiều người dân trong vùng vẫn có thói quen nhìn cây thị mà đoán biết thời gian. Bởi năm nào cũng như năm nào, mặc cho thời tiết mỗi năm lại có nhiều thay đổi, cây thị vẫn đều đặn cứ 6 tháng lại một lần trụi lá, một lần vào tháng 3 và một lần vào tháng 9. Sau khi trụi lá vào tháng 3, cây ra hoa vào tháng 4 và khi trên cành lủng lẳng quả chín, hương thơm bay khắp núi đồi cũng là lúc đất trời vào thu. Giữa tiết trời đầy xuân, cây thị sum suê cành lá, xòa bóng mát xuống khoảng sân rộng trước đền tạo thành một vòng tròn rộng lớn, sáng lấp lánh bởi những hoa nắng lọt cành rơi xuống đất. Đứng dưới bóng mát cổ thụ ấy, lòng tôi bỗng dưng thanh thản lạ.

Ông Lò Văn Hà kể chuyện cây thị biết "khóc".

Ông Hà tự hào chỉ tay vào gốc cây lớn: "Mùa quả chín, trẻ con suốt ngày trèo cây hái quả. Mùa trụi lá, bao nhiêu người thi nhau cưa cành làm củi. Vậy mà cây thị vẫn trường tồn với thời gian, vẫn đơm hoa, kết quả, vẫn tỏa bóng mát và ngát hương thơm". Đắn đo một hồi lâu, ông Hà mới tâm sự với tôi: "Nói ra thì sợ mọi người bảo là mê tín dị đoan nhưng bao nhiêu năm làm người trông đền ở đây, tôi để ý thấy cứ mỗi dịp lễ hội, sau khi thầy mo làm lễ cúng xong, trời lại đổ mưa, có khi mưa to, cũng có khi chỉ lất phất đôi hạt". Người trong vùng quan niệm rằng đó là do cây thị "khóc". Chuyện này có liên quan đến một truyền thuyết vẫn được lưu truyền trong cộng đồng người Thái cổ ở Mường Chiềng Ngam.

Chuyện kể rằng khi xưa, có một nàng tiên vô cùng xinh đẹp, trong một lần xuống trần dạo chơi đi qua vùng núi Chiềng Ngam đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi cảnh đẹp nơi này. Nàng mải mê chạy nhảy trên đồng cỏ đuổi bướm, hái hoa, vào rừng hát ca cùng chim cùng khướu, xuống suối nô đùa cùng cá cùng tôm. Mải đắm mình giữa thiên nhiên đầy thơ mộng, trời tối lúc nào mà nàng không hề hay biết. Cửa trời đã khép chặt bỏ lại nàng tiên bé bỏng trong màn đêm giá lạnh. Nàng ngồi khóc dưới núi Phà Én cho đến khi tan vào đá núi. Nơi nàng ngồi khóc, đùn lên một gò đất cao. Trên đó, mọc lên một cây thị lớn, chính là cây thị trước đền Mường Chiềng Ngam. Dựa trên truyền thuyết ấy, một số người dân trong vùng đã coi việc trời đều đặn đổ mưa trong mỗi dịp lễ hội là do cây thị biết khóc và nước mưa ấy chính là nước mắt của nàng tiên năm xưa bị lạc ở cõi trần.

Địa phương đã tích cực tuyên truyền để tránh mê tín dị đoan

Giải thích về hiện tượng kỳ lạ này, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (trưởng ban văn hóa xã Châu Tiến cho biết "Đền Mường Chiềng Ngam mở cửa đón khách trong dịp lễ hội hang Bua được tổ chức từ 21 đến 23 tháng giêng hàng năm. Nhưng việc cúng đền thường được dân làng tiến hành trước đó vài ngày. Chuyện năm nào trời cũng đổ mưa sau lễ cúng đền thì tôi chưa từng nghe nói đến. Nếu có thì đó cũng chỉ là một việc ngẫu nhiên của thời tiết bởi thời gian tổ chức lễ hội rơi vào cuối tháng giêng là thời điểm mà những cơn mưa thường xuyên xảy ra trong vùng. Trước thực tế này, chúng tôi luôn tích cực tuyên truyền, giải thích để tránh việc mê tín dị đoan trong nhân dân đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội".

(Theo NĐT)