- Giữa đại ngàn Trường Sơn, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam có một người đàn ông cần mẫn bỏ 5 năm trời tự đóng chiếc quan tài bằng gỗ để sẵn trong nhà như món quà độc dành cho mình lúc cuối đời…

Người lưu giữ văn hóa Cơ Tu

Trong buổi sáng mù sương nơi miền rừng Đông Giang, nơi góc quán cà phê nhỏ bên đường, tôi tình cờ gặp ông - Lão già làng Cơ Tu Y Kông. Nhiều người dân Cơ Tu nơi làng Tống Cooih, xã Ba, huyện Đông Giang gọi lão già làng Y Kông là cây đại thụ giữa đại ngàn với lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ.

Trong cái lạnh cong cóng nơi miền rừng trong buổi sáng đầu xuân, lão già làng Y Kông vẫn phong phanh với bộ đồ cũ ngả màu để lộ nước da đen bóng như đồng hun với cơ bắp cuồn cuộn mặc dù ông đã bước sang tuổi 83.

Kể về tuổi thơ của mình, lão già làng Y Kông bảo 15 tuổi theo bộ đội lên rừng, rồi tham gia cách mạng đến ngày giải phóng ông về làm Chủ tịch huyện Hiên (cũ) nay là huyện Đông Giang. Rồi ông nghỉ hưu ở tuổi 55. Suốt hơn 25 năm nay, ông vẫn cần mẫn với công việc không tên của mình với vai trò là già làng.

Với chiếc gùi trên vai ông lội khắp núi rừng Đông Giang và Tây Giang để sưu tầm các điệu hát cũng như các nhạc cụ của dân tộc Cơ Tu.

Già làng Y Kong chơi các nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.

Đến thời điểm này, có thể nói ông là nghệ nhân cuối cùng của người Cơ Tu đang lưu giữ vốn văn hóa khổng lồ của người Cơ Tu nằm dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Từ các làn điệu dân ca đến điệu hát lý, rồi những nhạc cụ với những bài hát tình yêu của các đôi trai gái nơi miền rừng này được ông lưu giữ trong đầu.

Hơn 15 năm trước, khi chính quyền tỉnh Quảng Nam chủ trương phục dựng nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu thì chính ông là người đầu tiên khởi xướng và bắt tay phục dựng lại nhà Chong Gươl cổ nhất giữa làng Tống Cói, xã Ba và đến bây giờ đây là cái nhà Chong Gươl duy nhất được phục dựng nguyên mẫu.

Kể từ khi nghỉ hưu, lão già làng Y Kông bắt đầu sưu tầm các nhạc cụ cũng như các điệu hát dân ca Cơ Tu. Trong căn nhà gỗ 3 gian nằm bên con đường liên huyện, ông lưu giữ một kho tàng văn hoá Cơ Tu với đủ các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu từ: đàn Tăm bét alui, đàn Abel, sáo Rahêm, kèn Cabluốc đến cồng chiêng, trống... Đây là những loại nhạc cụ gắn liền với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn từ bao đời nay.

Những nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu được già làng Y Kong lưu giữ.

Già làng Y Kông bảo cây đàn Tăm bét alui này có âm điệu trầm buồn như tiếng nước suối chảy nên được đánh vào những dịp lễ hội đâm trâu, lễ cúng mừng cơm mới hằng năm, hay dịp Tết đến xuân về...

Còn cây sáo trúc nhỏ tên Rahêm khi thổi sẽ phát ra âm thanh quyến rũ làm mê hoặc lòng người. Lão bảo chính nhờ cây sáo trúc này mà thời trai trẻ, nhiều sơn nữ Cơ Tu đẹp nhất vùng mê lão và si tình vì tiếng sáo Rahêm lão thổi hàng đêm giữa rừng. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng giao nên lão đành gác tình riêng lên đường đi kháng chiến.

Chiếc kèn Par Ngong làm bằng sừng trâu, người Cơtu quen gọi là A sàng, khi thổi phát ra âm thanh trầm hùng. Ngày xưa, tổ tiên người Cơtu dùng loại kèn này để thổi “rút quân” trong các cuộc đi săn tập thể hay báo tin thú dữ, mưa bão hoặc có sự xâm nhập từ bên ngoài... để dân làng biết.

Theo luật lệ người Cơ Tu, những người lớn tuổi không nằm trong Hội đồng già làng và cả trẻ nhỏ trong làng thì không được dùng kèn Par Ngong.

Hơn 5 năm ngồi đóng quan tài cho... mình

Giới thiệu hết các loại nhạc cụ cũng như những điệu nhạc mà lão già làng Y Kông đàn hát cho tôi nghe giữa sáng đầu xuân nơi miền rừng. Dường như có chút gì đó lão còn chưa nói hết.

Đưa cặp mắt buồn nhìn ra đồi chè trước nhà, lão bảo: lớp trẻ bây giờ chẳng có đưa mô chịu học đàn, học hát, học sử dụng các nhạc cụ của người Cơ Tu, mình buồn lắm.

Lão già làng Y Kông chợt bừng tỉnh dắt tôi lên giữa căn nhà gỗ, rồi đưa tay chỉ cho tôi xem chiếc quan tài bằng gỗ lên nước đen bóng được chạm trổ công phu những tượng trâu, tượng voi ở hai đầu chiếc quan tài.

Cỗ quan lão Y Kong tự đóng cho mình.

“Đây là chiếc quan tài mình tự đóng cho mình cách đây 7 năm. Mất hơn 5 năm trời mới hoàn. Nó được làm từ khúc gỗ chò cổ thụ mình mất mấy tháng trời tìm kiếm trên rừng, rồi nhờ trai tráng trong làng đem về…”, lão già làng Y Kông kể.

Lão già làng Y Kông bảo để đưa được khúc gỗ chò này về cũng lắm gian nan, vất vả. Đầu tiên là lão mất nhiều tháng trời lên rừng tìm cây chò cổ thụ ưng ý mà như lời lão bảo là rừng bị tàn phá hết rồi, tìm cây gỗ làm quan tài cho mình cũng lắm gian nan.

Tìm được cây chò ưng ý, lão về nhà làm đơn gửi lên chính quyền xã và kiểm lâm cho phép lão được đốn hạ cây chò cổ thụ để đưa về làm quan tài cho mình.

Lão già làng Y Kong bên chiếc quan tài tự đóng.

Lúc đầu khi tiếp nhận đơn của lão, chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm đều ngỡ ngàng và không biết phải giải quyết thế nào bởi đây là ngoại lệ đầu tiên có người xin đốn cây đóng quan tài cho mình khi chưa chết, nên đành làm ngơ để lão chặt cây.

Lão già làng Y Kông kể rằng, để đưa được khúc gỗ chò về đến nhà phải mất hơn 1 tháng với hàng chục thanh niên khỏe mạnh của làng.

Hơn 5 năm trời đục đẽo, chạm trổ những con vật linh thiêng của người Cơ Tu đó là con trâu và con voi ở hai đầu chiếc quan tài cùng những hoa văn hai bên như những khát vọng của ông lúc sinh thời đã hoàn thành. Ông bảo đó là ước nguyện cuối đời của mình...

Vũ Trung