Cây gậy cứ bay lên, ấn mãi không xuống được, khiến các vị mệt phờ râu, phải cùng buông tay mà ngã lăn ra đất” – ông Triệu Chòi Hín vui vẻ cho biết.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, khi hoa đào hồng rực trên các vườn đồi, các thửa
ruộng bậc thang đã thu hoạch xong, lúa ngô đã đầy nhà, hầu khắp các thôn bản của
người Dao ở xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) đều rộn ràng không khí lễ
hội.
Bên cạnh những lễ cúng quan trọng như cúng Bàn Vương (thủy tổ của người Dao) và
gia tiên, cầu may, cầu phúc… những lễ hội truyền thống lớn của người Dao không
thể thiếu những trò chơi vui nhộn.
Nổi bật nhất là những trò nhảy múa trên than hồng rực lửa, hoặc đùa giỡn với
những cây gậy, chiếc bàn, chiếc lồng gà… biết bay, mang đậm màu sắc Saman giáo.
Gặp ở UBND xã Hồ Thầu, ông Triệu Chòi Hín (Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch
Hội Nghệ nhân dân gian xã) cười cười khi khách hỏi về chuyện bí ẩn xung quanh
việc nhiều người không thể ghìm nổi một cây gậy xuống đất.
Người thầy cúng cao tay của xã Hồ Thầu này nói giọng nửa đùa nửa thật, lúc bằng
tiếng Dao, lúc bằng tiếng phổ thông: “Trò giữ gậy tiếng Dao đọc là “Stính tờ
chùi”. Nó chỉ là trò chơi thôi, giống như trò nhảy lửa vậy, không có gì huyền bí
đâu.
Bà con bày trò này ra chơi vào ngày thứ hai hoặc ba của lễ Tết, để xum vầy cho
vui vẻ. Nhiều người chơi rồi nhưng vẫn thích tham gia vì nó rất lạ kỳ, không
phải ai cũng làm được trò này đâu.
Người xưa cứ bảo thầy cúng cao tay mới làm được, nhưng tôi cho rằng ai biết câu
thần chú, biết cách đọc là… thần linh về nâng nó lên thôi. Mà đã nâng lên rồi
thì không ai giữ nó lại được đâu”.
Trước đây, chúng tôi đã có dịp xem trò chơi này ở bản Tân Thành (xã Hồ Thầu).
Không chỉ có hàng trăm người dân địa phương, rất nhiều quan khách cùng háo hức
hướng về phía giữa sân khấu trong tiếng hò reo, chiêng trống rộn ràng.
Giữa khu đất trống, một người đàn ông trung niên đi vòng quanh hai người thanh
niên khác đang ôm ghì một thanh gỗ dài dựng một đầu xuống sát đất như ghì mũi
khoan. Sau mỗi vòng, người đàn ông lại dẫm chân “thịch” một tiếng xuống nền đất,
đồng thời bàn tay đập mạnh vào đầu gậy phía trên.
Kỳ lạ thay, chiếc gậy bỗng từ từ nâng lên khỏi mặt đất, tưởng như có mãnh lực
nào đó nhấc bổng nó lên.
Thầy cúng đọc thần chú vào gậy |
Hai người thanh niên ra sức ghì lại không nổi. Rồi ba, bốn người cùng lao vào ghì giữ cật lực, cây gậy vẫn “bay” lơ lửng phía trên mặt đất chừng vài mươi phân. Mãi một lúc sau, cây gậy mới được vật ngã, trong tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội của mọi người.
Đem câu chuyện hỏi ông Triệu Sành Quấy, vị Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu khẳng định ông cũng có thể làm được trò này, cũng không có gì phải giấu giếm các bí quyết, nhưng bản thân ông cũng không thể giải thích nổi tại sao.
Ông Quấy cho biết: “Tại xã Hồ Thầu này, còn rất nhiều người có thể làm những chuyện lạ lùng hơn thế. Ví dụ như làm cho chiếc bàn lim nhấc bổng lên khỏi mặt đất, nhiều người kéo chân bàn, thậm chí nhảy lên bàn cũng không ghì xuống được.
Nhưng do đây chỉ là trò chơi trong dịp lễ hội để đông đảo quần chúng tham gia vui vẻ, nên chúng tôi thường tổ chức nhảy lửa, giữ gậy thôi. Các hình thức có quá nhiều màu sắc huyền bí thì chúng tôi thường hạn chế, ít phô diễn”.
Hai thanh niên gồng mình ấn gậy xuống mặt đất. |
Anh Triệu Ngà Tá, Trưởng ban văn hóa xã Hồ Thầu, cũng vui vẻ góp chuyện: “Trò này có từ lâu lắm rồi, từ đời các cụ truyền lại cho con cháu, ngày nay rất nhiều người còn làm được.
Tôi không thường xuyên làm trò này, nhưng làm được vì học lại từ bố tôi. Bố tôi dặn rằng, phải chọn cây gậy làm bằng gỗ, dài chừng hơn 1m, loại gỗ như sến đỏ, lim, càng chắc nặng thì càng tốt.
Không thể làm được với loại cây rỗng ruột như vầu, nứa, tre, và cũng phải là gỗ khô chứ chặt bừa một cây gỗ tươi bên đường để chơi cũng không được”.
Cứ theo lời Triệu Ngà Tá thì bố anh, ông Triệu Chòi Hin, vốn là một thầy cúng cao tay, có thể làm được nhiều trò lạ lùng mà ngay người Dao Đỏ địa phương cũng sái cổ, lác mắt. Ấn tượng nhất của Tá là lần ông Hin chấp nhận lời thách thức của mấy người khách phương xa ra sức bài bác trò chơi này.
“Họ thách thức nhau, rằng sức họ quá thừa để giữ cây cậy nằm im dưới đất. Bố tôi nóng người, quyết định sẽ chơi không phải là trò giữ gậy thông thường mà đặc biệt hơn nhiều. Ông sai tôi lấy một chiếc chày gỗ, nhờ hai vị khách khiêng cùng ra sân một chiếc cối gỗ. Tất cả đều bằng gỗ sến đỏ, nặng chừng gần 40 kg.
Buộc xong chiếc chày vào cối, hai vị khách đứng dạng chân ôm giữ chiếc chày kèm cối đó. Bố tôi đi xung quanh họ, lầm rầm đọc thần chú. Chiếc cối nặng trĩu đó từ từ lơ lửng trên mặt đất trong sự ghì giữ kịch liệt của hai người đàn ông kia.
Đỏ mặt tía tai ghìm mãi không được, cả hai đành buông tay ra. Một người bị cối rơi dập cả đầu ngón chân, nhưng chỉ biết nhăn nhó cười trừ mà chẳng dám kêu đau. Họ phải tin rằng với trò giữ gậy không dễ gì dùng sức mà hóa giải được”.
Thấy cán bộ xã vui vẻ kể chuyện chơi trò giữ gậy, ông Triệu Chòi Hín bớt đi sự dè dặt. Ông vui vẻ kể chuyện những lần chính mình đã làm trò này cho bà con vui chơi. Theo ông Hín, cây gậy không cần cầu kỳ, bẻ bên đường cũng được, rỗng ruột cũng được, nhưng phải chắc và đủ nặng.
Khi mọi người đã giữ chặt, ông sẽ khấn thần linh rồi vỗ mạnh vào đầu gậy, nhấc nó cao hơn khoảng 20-30 cm so với mặt đất. Trong khoảng thời gian chừng 4-5 phút, cây gậy sẽ lơ lửng trên mặt đất, không cách gì ghìm lại được. Chỉ đến khi người ta buông tay, hoặc ông hô “thôi”, thì cây gậy mới rơi xuống.
Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, ông có thể làm hàng chục lần cho bà con vui chơi. Người Dao, người Mông, người Kinh… ai tham gia cũng được, không nhất thiết cứ phải là người Dao Đỏ.
“Khi gậy đã nâng lên, dẫu đám trai tráng có khỏe như vâm, nhảy cả lên lưng nhau thì cũng không ghìm xuống được. Đã có lần, mấy vị cán bộ vốn là lãnh đạo tỉnh tuổi cao, nhưng hăng hái xắn tay vào giữ gậy để trải nghiệm mà khám phá bí ẩn.
Nhưng cây gậy cứ bay lên, ấn mãi không xuống được, khiến các vị mệt phờ râu, phải cùng buông tay mà ngã lăn ra đất” – ông Triệu Chòi Hín vui vẻ cho biết.
(Theo VTC News)