- Đầu năm đưa gia đình đi du xuân, dù rất muốn nhưng tôi luôn hạn chế đi chùa, đi lễ hội. Đặc biệt với các con nhỏ của mình mình, tôi cố gắng hết sức để chúng không nhìn thấy, học theo những điều vô văn hóa ở nơi đáng lẽ phải vô cùng linh thiêng, tốn kính.

Đã từ lâu, tôi không thể gạt được nỗi ác cảm với đền chùa dù mẹ và vợ hết lời khuyên bảo. Làm sao hết ác cảm cho được, khi đập vào mắt mình là những chen lấn, xô đẩy, ồn ào nhêch nhác, và vô số trò lố lăng như “diễn” lại sự đời?


Nếu đi chùa, tôi thường cất công chọn viếng thăm các chùa nghèo, chùa nhỏ. Lâu rồi tôi không lui tới những đền, chùa nổi tiếng ở Hà Nội. Phủ Tây Hồ, Thăng Long Tứ Trấn. Bởi tôi muốn giữ lại cho mình những ấn tượng tốt đẹp xưa cũ chứ không phải là hình ảnh người chen người lễ bái, khói hương xì xụp, tiền vàng tung hê nơi cửa Phật. Nếu phải “tháp tùng” vợ hay mẹ đi chùa, tôi thường chỉ nán lại ở bên ngoài, lặng lẽ nhìn mà ngán ngẩm cho những mất mát về văn hóa truyền thống.

Thần Phật nếu có nhìn thấu nhân gian, có lẽ cũng phải ngao ngán trước dòng người nườm nượp khấn vái chăm chăm cầu tiền tài, quan lộc. Thế thời, thời thế - “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên chúng sinh cũng hăng hái lên chùa “rải” tiền chăng? Các bà, các chị, các anh, các ông, cả 10 người thì đến 9 người mới bước vào cổng chùa đã hối hả “công đức”: Nhét tiền vào tay, tai, chân… thiếu điều nhét cả vào miệng Phật. Rồi từ trong ra ngoài đền chùa, cứ chỗ nào có điện thờ, hòm công đức, có nghê đá, sư tử, thậm chí cây xanh.. là họ nhét. May chăng còn thùng rác nơi cửa Phật không dùng để đựng tiền công đức.


Có ngôi chùa sau mùa lễ hội lên Ngân hàng gửi hàng tỉ đồng tiền lẻ. Ai nói dân ta nghèo?

Nhìn cảnh phản cảm ấy, rồi nghĩ đến cảnh phật tử theo đạo phật ở các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, thậm chí, gần hơn là phật tử ở miền Trung, Miền Nam… mà xấu hổ thay. Đặc biệt ở Hà Nội, nếu ba tháng xuân, hay các ngày Rằm, mùng Một, ngày lễ mà lên chùa, chắc chẳng thể nào kiếm được một khoảnh khắc thanh tịnh. Thanh tịnh đâu ra khi đủ các dịch vụ mọc lên từ viết sớ, bốc quẻ đến bán đồ lễ nhang, hoa đèn cũng chen chân tràn vào cổng, vào sân chùa.

Người không am hiểu về đạo Phật như tôi nhiều lúc tự hỏi: Sao lại lắm ban, điện thờ “mọc” lên trong chùa chiến của người Việt đến thế, để đến nỗi hòm công đức có cớ mọc ra, các dịch vụ vàng có “cơ” nở rộ? Tại sao những vị sư thầy, những người có chức trách không lên tiếng chỉ bảo cho chúng sinh, cho khách thập phương dừng lại. Hay chính họ cũng im lặng để thu về tư lợi?


Và còn trăm thứ ăn theo khiến hội hè, đền chùa thành chốn kiếm tiền, câu kéo khách thập phương dốc túi như cờ bạc trá hình, ăn xin giả dắt díu nhau ra “dàn trận”. Người ta rủ nhau lên chùa, rồi như một phản xạ, cũng bảo nhau phải “cẩn thận” trước đủ tệ nạn móc túi, cướp giật, chặt chém… Mà rồi, cẩn thận đến thế nào cũng có vô số du khách bị đưa vào tròng.

Lẫn trong dòng người đổ lên chùa, mỉa mai thay là không ít những đoàn xe công mà năm nào báo chí cũng phản ánh. Bao nhiêu trong số đó là những vị tai to mặt lớn xúng xính đi lễ, đi cầu cúng “giải hạn” giữ cho ghế cao, bổng lộc “thăng”; bao nhiêu trong số đó là những quan gian, khấn trời Phật cho được yên chức, tiếp tục vơ vét cho đầy túi tham?

Buồn nhất là lắm kẻ lên chùa nhưng chẳng có Phật trong tâm. Vào chốn thiêng liêng mà váy áo hở trên hở dưới, sỗ sàng nói năng, thậm chí là văng tục hay cự cãi lớn tiếng với người xung quanh. Phải chăng với họ, cứ cúng lễ to, tiền nhiều là mua được hết, kể cả Thần Thánh?

Trước thói tạp nham, lố lăng nhan nhản chốn đình chùa, tôi tự hỏi, nguyên do là vì cuộc sống quá gấp gáp hay vì đồng tiền đã làm méo mó hết những giá trị văn hóa truyền thống, kể cả những điều cốt lõi thuộc về tâm linh, nguồn cội?

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Mọi ý kiến xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email: doisong@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!


Độc giả Duy Thanh