Hoàn cảnh không quá bĩ cực, lý do bà Trần Thị Sơn – 75 tuổi tìm đến nghề ăn xin, bán dạo rất đặc biệt: Bà đi để cái chân không bị liệt vĩnh viễn!
 
 Đi để không bị liệt
 Lê một bên chân đau tấp tểnh, ai nhìn bà Sơn lọ mọ tay bị, tay gậy cũng phải xót xa. Tưởng đó là một cái “cớ” để người đời thương hại, mua nhiều, cho nhiều, hóa ra cái chân cũng chính là nguyên nhân đẩy bà Sơn ra khỏi nhà, đi lang thang như thế này.
 Cách đây hai năm, bị đau lưng bà đi khám thì được biết mình bị gai 6 đốt cột sống. “Bác sĩ bảo bà phải năng luyện tập, đi lại, nếu không có thể sẽ bị liệt!”- Bà Sơn cho biết.
 Sức già không làm được việc nặng, lúc đầu, bà cũng luyện tập, đi lại nhưng cảm thấy vẫn chưa đủ. Lo sợ có ngày cái chân bị liệt hoàn toàn, bà cũng hoảng sợ. Bà mà liệt, lấy ai chăm bà? Nhà nghèo, ông bà tiền đâu để thuốc thang chạy chữa? Bà không muốn làm gánh nặng cho các con, đứa nào cũng long đong, vất vả.
 Cuối cùng, bà nảy ra ý định: Đi để cứu cái chân. 

Nét cười của bà Sơn khi kể về mình

 Bà giải thích: “Người ta giàu hai con mắt, quý đôi bàn tay. Cả đời mình loanh trong xóm trong làng, chưa được đi đây đi đó nên hai con mắt chưa được nhìn thỏa thích. Còn đôi bàn tay, cũng đã lam làm cả đời, có gì mà không làm được? Cho nên lúc đầu tôi định cứ đi, làm gì vừa sức thì làm, vừa để cho cái chân không bị liệt, cái mắt được nhìn xa biết rông, vừa kiếm chút ít tiền đỡ đần cho ông nó ở nhà và đỡ gánh nặng cho con cháu. Chúng nó đều có gia đình, con cái cả, đều làm ruộng, cũng cực nhọc trăm bề!”
 Ban đầu, chồng bà phản đối quyết liệt, con cháu cũng cho rằng bà “nghĩ quẩn”, nghĩ dại. Nhưng ý bà đã quyết, vậy là bà theo bước những người đi làm thuê, làm mướn trong làng ra Hà Nội.
 Ra Hà Nội, bà quyết định chọn nghề bán dạo. Cái “sạp hàng” di động của bà lỉnh kỉnh dây buộc tóc, kẹo cao su, cây ngoáy tai… Toàn thứ đồ linh tinh, bà địu cả lên người, đến những cổng trường, bến xe chào bán. Không ngờ, người ta vừa thương, vừa mến, mua giúp và cho bà không ít. Bà thấy đời mình hóa ra lại thong dong hơn.
 “Hôm nào mệt thì tôi nghỉ, hôm nào khỏe, tôi đi nhiều. Có hôm được đến vài trăm nghìn – số tiền này nếu ở nhà quê, chẳng biết làm gì mới ra được!” – bà Sơn hài lòng chia sẻ.
 Cười với cuộc đời
 Hằng ngày, bà Sơn đi bộ từ nhà trọ ở gần Phố Huế, ra Cầu Giấy, rồi đến chiều ngược về. Sáng 6h đi, chiều 6h về, hôm nào bà cũng ăn mặc sạch sẽ gọn gàng và mang đồ vừa phải để không bị nặng quá. Bà bảo, bà không tham bán nhiều, cũng không lẵng nhẵng đeo bám khách bao giờ, ai thương, ai giúp thì giúp.
 Đi đến đâu, gặp ai bà cũng tươi cười, chào, mời người ta mua hàng rất lịch sự. Nhiều người đoán chừng không mua hay khó tính bà cũng “hào phóng” tặng họ những ánh mặt thân thiện hoặc một nụ cười.
 Những ai cho tiền bà, bà nhận rồi gật đầu cám ơn, chúc người ta gặp những may mắn, tốt lành. Ai không cho, thậm chí xua đuổi bà cũng không giận, không trách mà vẫn hồn hậu với họ.
 “Tháng 7 vừa rồi tôi bị ốm, phải nghỉ ở nhà. Mãi vừa rồi bình phục tôi mới đi tiếp. Hôm ấy đang đứng ở chỗ cổng trường đại học Giao Thông, bỗng có hai cô sinh viên chạy ra ríu rít chào tôi, hỏi dạo này đi đâu mà không thấy đến! Hóa ra người ta không chỉ thương hại mình, người ta cũng quý mình, nhớ mình…” – bà cảm động thuật lại.
 Trong những lúc rảnh rỗi, hoặc buồn chân, bà lang thang đi vào những công viên, sở thú, bảo tàng ở Hà Nội, nhờ đó mà bà cũng được thăm thú chỗ này chỗ khác, không phải chỉ vạ vật đầu đường xó chợ.
 Vui chuyện, bà lẩm nhẩm đọc những bài ca dao về các thắng cảnh Hà Nội và tự hào khoe đã đi được kha khá rồi: “Từ ngày tôi đi, biết được thêm bao điều hay, dở. Cái chân tôi cũng khỏe hơn, cái đầu cũng bớt lo nghĩ, không sợ bị “liệt” như trước. Khi nào đau quá, thì tôi tự vào bệnh viện lớn ở đây khám cho yên tâm!”
 Nụ cười móm mém, phúc hậu của dường bà khiến cho buổi chiều đông bớt phần ảm đạm. Nụ cười yêu đời, yêu người theo cách rất riêng ấy không lẫn vào đâu được.
 

  •  Minh Tâm (còn tiếp)