Dị ứng với cảnh chụp giật, bon chen và vô số trò lố lăng nơi cửa chùa, nhiều người Việt dù thành tâm hướng Phật vẫn quyết quay lưng với lễ hội Việt. Có người, để thỏa nguyện ước bái Phật, kỳ công tìm đến những miền đất Phật giáo, những nơi văn hóa lễ hội vẫn giữ được nét linh thiêng, thanh tịnh, chất phác vốn có.


“Tôi người Hà Nội, cũng từ vài năm nay, tôi không dám đi lễ chùa nữa rồi. Năm nay được nghỉ dài ngày, làm chuyến sang Lào lễ chùa, hóa ra nhẹ cả người” – một độc giả VietNamNet thành thật chia sẻ. Chuyện “xuất ngoại” du lịch phật giáo để tìm cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản ngày càng phổ biến trước thực trạng lễ hội Việt nhếch nhác, biến chất, văn hóa lễ hội xuống cấp trầm trọng như hiện nay.

Độc giả MarkTinh chia sẻ những trải nghiệm sâu sắc về văn hóa lễ hội ở đất nước Triệu Voi, nơi anh đã có nhiều dịp đến và cảm nhận.

Thành tâm dâng hoa cúng Phật tại Lào

“Về tín ngưỡng thì Lào cũng giống Việt Nam, rất chuộng đạo Phật. Ở Lào có rất nhiều chùa chiền, lễ hội địa phương cũng như các lễ hội chính. Tết ở Lào cũng có các hoạt động hướng tới chùa chiền cầu may, cầu phúc như Việt Nam song văn hóa lễ hội ở Lào thì có thể thấy khác hoàn toàn, thật sự văn minh, thành kính, đáng để người Việt suy ngẫm và học tập.

Trong cảm nhận của tôi, các hoạt động tại chùa chiền của người Lào vô cùng thiêng liêng thành kính đúng với mục đích: Đi chùa là để lễ Phật, tìm lấy cảm giác bình yên nơi cửa phật, cầu may…

gioi thieu
Trật tự, kính cẩn xếp hàng làm lễ buộc chỉ cổ tay

Người dân đa phần là theo theo đạo Phật nên luôn tôn trọng, đối xử lễ phép với các bậc tăng sư. Mọi người đi chùa thì vui vẻ, thành tâm và không bao giờ xảy ra hiện tượng chen húc, xô đẩy, ồn ào trong khuôn viên nơi thờ cúng. Họ hoàn toàn không có khái niệm dâng tiền, đặt tiền vào tượng Phật.

Tôi từng được chứng kiến một số lễ hội chính của người Lào, trong đó có Tết năm mới (cùng với người Thái, một số vùng Myanmar, một số dân tộc Chăm – pa tại Việt Nam). Tết năm mới hay Tết té nước với phong tục đặc trưng là té nước với ý nghĩa cầu may trong năm mới, gột rửa tội lỗi và các điều xấu của năm cũ.

Vào ngày này, các hoạt động ở ngoài đường phố rất sôi động và hân hoan, đúng tính chất lễ hội: Mọi người té nước vào nhau trong sự vui vẻ của cả người té nước và người bị té nước. Người dân tìm đến chùa để được té nước của nhà chùa sẽ dâng hoa cúng và được một vị sư hoặc sãi già ngồi tiếp nhận. Sau khi khấn vái, vị này sẽ nhúng hoa đó vào bát nước thiêng và vảy vào người cúng hoa. Mọi hoạt động diễn ra đơn giản nhưng thiêng liêng, người đi chùa cũng lần lượt chứ không xô đẩy, chen lấn bằng được như ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong chùa có chia ra các khu vực làm lễ buộc chỉ cổ tay, một đặc điểm rất dễ nhận thấy của bất cứ người dân Lào mỗi dịp Tết hay Lễ lớn. Dây chỉ cổ tay cũng là một dạng lễ vật sau khi cúng bái sẽ có ý nghĩa thiêng liêng nhằm ngăn những điều xấu đến với con người. Chính vì vậy mỗi dịp Tết, các chùa đều có các hoạt động phát dây buộc chỉ này cho mọi người. Tuy nhiên hoạt động xin buộc chỉ diễn ra hết sức trạng trọng, không chen lấn, không xô đẩy kiểu tranh cướp bằng được.

Chỉ vài nét như thế cũng đủ thấy sự khác biệt rõ ràng giữa văn hóa Lào – Việt. Ý thức lễ chùa, lễ Phật từ tốn, đôn hậu của người dân Lào đi vào cả các hoạt động đời thường như khi tham gia giao thông, sinh hoạt hằng ngày. Nhìn điều đó, tôi không khỏi xấu hổ khi nghĩ đến đất nước mình…

Thật buồn khi ở ta một đất nước nổi tiếng hiền hòa, giàu truyền thống văn hóa mà con người dường như ngày càng đánh mất những văn hóa ứng xử tối thiểu tại các lễ hội. Dân ta cũng ưa chuộng đạo Phật nhưng nhiều người đi chùa mà không hiểu và không chịu tìm hiểu về đạo Phật. Họ đi, chỉ đơn thuần đi theo tâm lý đám đông, dẫn tới những hành vi, ứng xử hời hợt, vô ý thức, bàng quang trước cái xấu. Người lên chùa vô tư hành xử phản cảm như ăn mặc hở hang, phấn son lòe loẹt, nam thanh nữ tú thì tụm năm tụm ba cười nói, chụp ảnh, đi đến đâu gây chú ý đến đó…

Về việc tín ngưỡng, không ai có quyền cấm đoán ai, mỗi người đều có quyền tin và thể hiện niềm tin tôn giáo theo cách riêng của mình. Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu chỉ vì thiếu hiểu biết mà bao biện, cổ súy, tiếp tay cho lối cư xử thiếu văn hóa của đám đông đi chùa chiền, lễ hội hiện nay.

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Mọi ý kiến xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email: doisong@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!


MT (ghi)