Cầm đầu hệ thống bán báo dạo, sản xuất và kinh doanh những sản phẩm âm thanh sặc mùi cướp – giết – hiếp, nhiều “ông trùm” đã giàu lên nhanh chóng, tậu xe sang, xây nhà to giữa đất Hà thành.
Sự phản cảm trở lại đường phố
Sau một thời gian vắng bóng vì bị cấm tại Hà Nội, tình trạng dùng loa đài bán báo, rao quảng với nội dung giật gân, gây sốc và lời lẽ thiếu văn hóa, phản cảm lại ồ ạt “tái xuất giang hồ”.
“Uống rượu say, một thiếu nữ bị bạn nhậu hiếp dâm rồi vứt giữa đường… Dẫn bồ về nhà ra mắt, bị vợ đâm chết… Một vụ chặt tay, cướp của dã man vừa diễn ra… Tất cả được đăng đầy đủ và chi tiết trên các báo ABC số ra ngày hôm nay…”.
Dù đã bị cấm, hoạt động bán báo rong với những lời rao phản cảm vẫn xuất hiện trên đường phố Hà Nội. Ảnh: P.T. |
Mỗi buổi sáng sớm, những âm thanh rao báo như thế lại sục sạo vào nhiều con đường, ngõ xóm, đánh thức người dân Hà Nội. Lâu dần, dù vô cùng khó chịu, nhiều người dân Thủ đô vẫn phải chấp nhận nghe những nội dung “điểm báo” đầy giật gân, rùng rợn như lời “chào buổi sáng” phát ra từ những chiếc loa oang oang của đội ngũ bán báo dạo.
Hình ảnh những người bán báo dạo bịt mặt kín mít, đi những chiếc xe đạp cà tàng có giỏ xe đựng đầy báo, cộng với chiếc loa phát thanh gắn ở trước xe mở to hết công suất đã trở nên quen thuộc tại nhiều tuyến phố, con hẻm, khu dân cư trên địa bàn Hà Nội. Người chưa xuất hiện nhưng những tiếng loa oang oang, rè rè về các vụ án man rợ, các thông tin giật gân đã khiến mọi người xung quanh giật mình chú ý. Với sự cơ động, những người bán báo dạo này mang theo những tiếng rao toàn chuyện cướp – giết – hiếp len lỏi vào từng phố to, ngõ nhỏ, vào từng khu tập thể, hộ dân cư.
Buổi sáng uống cà phê sáng phải nghe chuyện giết người, chặt tay, hiếp dâm; lúc ăn trưa thì nghe chuyện cướp tiệm vàng, ngoại tình, tạt a-xít… Nếu chỉ qua những phần “điểm báo” với tần suất đều đặn hàng ngày như vậy, bức tranh xã hội Việt Nam hiện lên thật đen tối, đáng sợ với vô vàn những chuyện xấu xa, đồi bại, khiến bất kỳ ai khi hình dung đến cũng phải rùng mình.
Những kẻ làm giàu nhờ buôn chuyện cướp – giết – hiếp
Đằng sau những “âm thanh bẩn” đang ngày ngày được phát tán khắp Hà Nội là một hệ thống cộng sinh tinh vi và ngày càng chuyên nghiệp của đường dây báo dạo, báo rong.
Những người bán báo dạo trực tiếp xuất hiện trên đường phố được tập hợp trong những đường dây đông đảo với hàng chục thành viên. Mỗi đường dây báo dạo được tổ chức và điều hành bởi một ông chủ - người trong nghề gọi là “ông trùm”. Các “ông trùm” này sẽ là đầu mối, tổng đại lý phân phối báo và các sản phẩm “âm thanh bẩn” dùng để rao báo cho những người bán báo dạo trong đường dây của mình.
Một người bán báo dạo vừa nhận hàng tại “đại bản doanh” của “ông trùm”. Ảnh: S.H. |
Theo điều tra, hiện tại có 5 “ông trùm” đang điều hành và thâu tóm toàn bộ mạng lưới bán báo dạo, báo rong trên địa bàn Hà Nội và khu vực các tỉnh lân cận. Năm “ông trùm” này có dưới “trướng” khoảng hơn 300 “quân” bán báo dạo. “Ông trùm” tên B. có đội quân hùng hậu và đông đảo nhất với trên 70 người, các “ông trùm” nhỏ hơn cũng có ít nhất 30 người bán báo trong đường dây của mình, chưa kể đội ngũ vận chuyển, quản lý… “Đại bản doanh” của các đường dây báo dạo tập trung quanh khu vực ngay sát đê sông Hồng như Chương Dương, Cầu Đất (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Dưới sự điều hành của các “ông trùm”, những đường dây báo dạo hoạt động theo một quy trình ngày càng chuyên nghiệp tronng suốt thời gian qua. Mỗi sáng sớm, những “quân” bán báo dạo sẽ qua “đại bản doanh” của “ông trùm” để nhận báo và file âm thanh rao báo. Sau đó, hơn 300 người này sẽ chia nhau tỏa đi khắp các khu vực ở Hà Nội và một số vùng phụ cận để bán báo. Đến chiều tối, những người này sẽ trở lại “đại bản doanh” để trả tiền và báo thừa, cũng như ăn chia phần trăm lợi nhuận với các “ông trùm”.
Theo tiết lộ của một vài người bán báo dạo thuộc các đội quân trên, với mỗi tờ báo bán được, họ ăn lãi từ 1.000 – 1.500 đồng. Trung bình mỗi ngày, một người bán được 200 tờ báo, vào những ngày cao điểm hoặc có sự kiện nóng đang được nhiều người quan tâm thì số lượng báo bán được có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi bình thường. Như vậy, thu nhập hàng tháng của mỗi người bán báo dạo cũng xấp xỉ chục triệu đồng – mức thu nhập không hề thấp.
Còn với các “ông trùm”, lợi nhuận họ thu được từ mỗi tờ báo do “quân” mình bán được là khoảng 500 – 1.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày, chỉ cần ngồi mát một chỗ, mỗi “ông trùm” thu lợi trên 100.000 đồng từ mỗi “quân” bán báo dạo. Với đường dây lên tới vài chục người, “ông trùm” bỏ túi mỗi ngày gần chục triệu đồng. Như vậy, hàng tháng, mỗi “ông trùm” có thể kiếm tới vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, nguồn thu của những người này còn tăng thêm nhờ các khoản thưởng, khuyến mãi từ các tờ báo hay tiền từ việc bán file “âm thanh bẩn”.
Với lợi nhuận khổng lồ và đều đặn từ việc tổ chức các đường dây bán báo dạo, mỗi “ông trùm” giàu lên nhanh chóng. Từ chỗ chân ướt chân ráo lên Hà Nội, họ đã trở thành giàu sụ, mua được vài mảnh đất, xây nhà to, sắm xe đẹp, có cuộc sống giàu có, sung túc giữa Thủ đô giá cả đắt đỏ.
“Ông trùm” nổi nhất có tên là B. Theo tìm hiểu, trùm B. điều hành đường dây bán báo dạo có quy mô lớn nhất với trên 70 người. Vì thế, trùm B. cũng là người có thu nhập “khủng” nhất trong số 5 “ông trùm báo dạo”.
Một số người bán báo và người dân sống gần nhà ông B. cho biết, người đàn ông này quê ở Hưng Yên, lên Hà Nội lập nghiệp cách đây khoảng chục năm. Khởi nghiệp gần như với hai bàn tay trắng, ông B. cũng làm công việc bán báo dạo. Dần dần, với kinh nghiệm và sự nhanh nhạy, ông B. đứng lên tập hợp những người bán báo dạo, hình thành một đường dây có quy mô ngày càng lớn.
Công việc làm ăn thuận lợi giúp trùm B. ngày càng giàu lên. Từ chỗ ở một căn nhà trọ bé nhỏ sát sông Hồng chục năm trước, đến nay, ông B. đã mua được đất và xây nhà tại khu vực đường Bạch Đằng. Đây cũng chính là “đại bản doanh” của đường dây bán báo do trùm B. điều hành. Hơn 70 “quân” của ông B. chủ yếu là bà con, đồng hương Hưng Yên.
Người dân ở khu vực Chương Dương, Bạch Đằng gần như ai cũng biết ông B. Họ cho biết, ngoài căn nhà đang dùng làm “đại bản doanh” ở đây, ông B. còn có vài căn nhà khác ở Hà Nội.
Tuy nhiên, cùng với sự giàu lên của các “ông trùm” là sự mở rộng quy mô về nhân sự và phạm vi hoạt động của các đường dây báo dạo (một hoạt động bị cấm ở Hà Nội). Bên cạnh việc góp phần đem thông tin báo chí đến người dân một cách nhanh chóng hơn, do không được quản lý nên những người bán báo dạo cũng đồng thời mang những thứ không tốt đẹp tới cộng đồng thông qua những tiếng rao báo chát chúa toàn nội dung tiêu cực, ngôn từ thiếu văn hóa. Những thứ này đang ngày ngày gây sự khó chịu cho người dân và làm mất văn minh đô thị của Thủ đô Hà Nội.
Từ tháng 11/2001, UBND thành phố Hà Nội đã ra chỉ thị về việc cấm quảng cáo, rao bán báo bằng loa đài. Sở Văn hóa - Thể thao – Du lịch, Công an thành phố và các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ phối hợp, chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động nhân dân kiểm tra, xử phạt các cơ sở in, sao băng cassette có nội dung quảng cáo, rao bán hàng, bán báo. Sở Công Thương đã chính thức có tờ trình lên UBND TP Hà Nội về việc thực hiện sắp xếp, quản lý địa điểm kinh doanh đối với các dịch vụ bán báo, bán xổ số, bán hoa tươi, cắt tóc. Bắt đầu từ ngày 1/12/2008 sẽ xử lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Sở Công Thương Hà Nội chính thức có tờ trình đề xuất sẽ nghiêm cấm người bán báo, tạp chí đi bán rong tại 48 khu vực và 62 tuyến phố không được phép bán hàng rong. Việc bán báo, tạp chí tại 48 khu vực và 62 tuyến phố phải có địa điểm cố định. Thời gian hoạt động từ 6h - 21h hàng ngày. |
(Theo TTVN)