Loạt bài về thói xấu của người Việt trên VietNamNet đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. Bên cạnh những ý kiến thừa nhận thói xấu của người Việt, có những ý kiến cho rằng không nên chỉ trích người Việt bởi người nước ngoài cũng đầy rẫy thói xấu.

Người Tây cũng đầy rẫy tính xấu!

Độc giả Thu Hiền cho biết, chị không đồng tình với cụm từ “thói xấu người Việt” bởi ở đâu cũng có người nọ người kia, không thể vơ đũa cả nắm. Đồng tình rằng một bộ phận người Việt xấu xí, cư xử thiếu văn minh nhưng không vì thế mà đánh đồng tất cả mọi người.

“Tôi không tin người Việt lại xấu tính đến xấu hổ như thế. Hãy đọc lại các cuốn sách nghiên cứu về văn hóa và con người Việt Nam của nhiều học giả lớn. Trong đó ông cha ta khẳng định "đói cho sạch...", "Giấy rách giữ lề...", "nhường cơm sẻ áo…”. Những gì mà mọi người phản ánh chỉ là một bộ phận nhỏ người Việt thôi, không thể vơ đũa cả nắm mà làm mất thể diện dân tộc như thế được”, độc giả này chia sẻ.


ảnh minh họa

Theo chị Hiền, không chỉ người Việt, mà người Pháp, người Anh, người Mỹ hay người Ý cũng có tính xấu.

Chị kể: “Người Pháp chê người Anh với Mỹ là thô lỗ không tinh tế trong khi Mỹ chê lại Pháp là ở bẩn không chịu tắm, chỉ xịt nước hoa, đàn bà con gái bên Châu Âu lông nách khônh cạo...v.v. Anh quốc thì chê Úc là toàn hậu duệ của bọn tù tội, là các mẩu ruột thừa của đế quốc Anh. Người Mỹ dân New York city chê dân miền Nam là quê mùa cục mịch. Nói chung dân nước nào cũng có thói xấu để chê cả”.

Đồng tình với ý kiến cho rằng người Tây cũng đầy rẫy tính xấu, độc giả Khánh Long chia sẻ: “Tôi phản đối nhận định về các thói xấu về ăn uống của người Việt! Người Việt rất trọng cách ăn uống, một vài người ham ăn tục uống là số ít. Tôi đã dự rất nhiều tiệc buffet, tôi thấy "tội nghiệp" người Việt vì ăn ít, lấy cũng ít nhất chẳng đáng so với khách Tây, họ lấy thức ăn nhiều lần, buổi tiệc họ xử lý hết vài con tôm hùm, con ghẹ to đùng... Cái tật của người Việt là dù lấy ít đến mấy khi ăn cũng bỏ lại một tí trong khi khách Tây họ ăn sạch sẽ. Tôi nghĩ người Việt nên bỏ cái thói quen ăn bỏ lại một tí đi là ok”.

Độc giả Khánh Long cho biết, có tiếp xúc nhiều mới biết “tụi Tây” cũng nhiều tính xấu. Độc giả này đã từng đến nhiều vùng ở Italy mới thấy dân Ý lười, không sạch sẽ, ý thức cũng kém, không chính xác về thời gian, dắt cho đi dạo thì chó ị ra đường cũng mặc kệ…

“Hồi đi công tác ở Pháp 1 tháng cùng đoàn với toàn giáo sư và tiến sĩ. Có cả người Anh, người Pháp, người Đức, người Ý, Tây Ban Nha…Một vài vị cũng ở dơ lắm: tắm không thay đồ, ăn không hết cũng bỏ thừa, có vị còn ngoáy mũi trong bữa ăn nữa”, độc giả này kể.

Và ngay ở Việt Nam, cũng không khó để bắt gặp hình ảnh xấu xí của người Tây.

“Cứ theo Tây ba lô đến Việt Nam độ vài ngày thì biết họ sạch hay bẩn. Vài ngày mới tắm một lần, sáng không đánh răng mà chỉ súc miệng bằng nước rồi nhai kẹo cao su, kì kèo từng nghìn một với người bán hàng. Ăn xin gặp Tây balo có mà khiếp vía, tụi này là chúa keo kiệt. Còn chuyện tham gia giao thông nữa chứ, đầy ông Tây vẫn cứ vượt đèn đỏ, trèo rào sang đường ầm ầm. Ăn uống thì cũng cứ vứt rác ầm ầm ra đường chứ chả phải đợi tìm thùng rác đâu. Đầy thằng Tây nó còn vào cả siêu thị người Việt ăn cắp nữa cơ, mà toàn ăn cắp những đồ lặt vặt như sữa tắm, dầu gội đầu, thức ăn nhanh. Nói chung là không chỉ có người Việt xấu tính đâu”, độc giả Hữu Minh chia sẻ.

Chỉ là sự khác biệt về văn hóa

Không ít ý kiến cho rằng, người nước ngoài “chê” người Việt xấu tính chẳng qua là vì sự khác biệt về văn hóa.

“Người Việt thích ăn mắm tôm, nước mắm, trong khi người nước ngoài chê hôi, chê bẩn. Người Việt khi ăn thích gắp thức ăn cho nhau vì nó thể hiện tình cảm còn người nước ngoài thì không chung đụng bát đũa, mỗi người một phần. Người Việt khi ăn thích trò chuyện còn người nước ngoài coi đó là mất vệ sinh. Vì văn hóa khác nhau nên người này thấy bẩn, người kia thấy sạch, không thể vì thế mà gọi là tính xấu được”, độc giả Trần Nam chia sẻ.

ảnh minh họa

Độc giả này cho biết, có hẳn một cuốn sách viết về sự xung đột giữa các nền văn hóa mang tựa đề “Management Across Cultures”. Cuốn sách này chỉ ra rằng, không có một nền văn hóa nào thượng đẳng hơn một nền văn hóa nào. Thế nên, nếu ta thấy một người ngoại quốc cư xử khác hẳn với những người xung quanh, thì cũng nên thông cảm cho họ. Và để tránh tình trạng khó xử, khi tới một nơi xa lạ, ta không thể kỳ vọng áp đặt nền văn hóa của mình lên họ mà ngược lại ta phải chủ động thay đổi các hành vi văn hoá của mình để phù hợp với văn hóa nước đó.

“Như chuyện mấy người Việt xỉa răng trên đường ở Paris, do những người đó quen sử dụng văn hóa của người Việt thôi. Nếu họ vừa mới sang Paris một hai ngày, chưa học được quy cách ứng xử và văn hóa của người Paris thì họ sử dụng văn hóa ở quốc gia mình, chuyện vừa đi vừa xỉa răng ở Việt Nam là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu có sự tìm hiểu trước về văn hóa của Paris thì tốt hơn, sẽ không xảy ra những chuyện dở khóc dở cười như thế nữa”, độc giả này chia sẻ.

“Thay đổi bản thân để hòa hợp với một nền văn hóa khác cực kỳ quan trọng. Có một ông thầy người Âu Châu qua một nước Trung Đông để dạy học mà mắc một lỗi nhỏ về văn hóa, đó là trong trong ngày đầu tiên giảng dạy, trong một mệt mỏi ông thầy ngồi lên một cái bàn học, thả lỏng chân, và vô tình làm lộ đế giày đối diện các sinh viên. Hành động đưa đế giày hướng vào người đối diện bị coi là một hành vi cực kỳ thô lỗ với người nước Trung đông này. Một số sinh viên đã khiếu nại với nhà trường và hậu quả là ngay ngày hôm sau ông thầy phải xách va li về nước”, một độc giả khác chia sẻ.

K. Minh (tổng hợp)