Nhiều năm nỗ lực với các hoạt động về bình đẳng giới, GS,TS Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển về giới) chia sẻ bà luôn day dứt bởi những con số “biết nói” về bạo lực gia đình. Đặc biệt, các vụ việc liên quan tới ly hôn khiến bà trăn trở vì những áp lực xã hội, những bất công mà phụ nữ Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu. Nỗi trăn trở này xuất phát từ hàng trăm bi kịch gia đình mà bà đã tiếp xúc ở khắp các tỉnh thành Việt Nam.
“Có người chồng muốn đuổi vợ ra khỏi nhà đã hành hạ vợ bằng cách mọi cách: Tìm cớ đánh đập, làm nhục vợ. Có anh đe dọa, lột quần áo bắt vợ đứng ngoài cửa nhà suốt đêm, ban ngày lại cho vào bình thường để hàng xóm không biết. Người vợ xấu hổ chỉ biết im lặng chịu đựng. Hèn hạ hơn, vì không muốn chứa chấp, chia sẻ tài sản cho vợ, có ảnh tìm mọi cách đẩy cả vợ, cả con ra ở ngoài lều trông cá hàng năm trời” – bà Quý nhớ lại.
Điều đáng buồn là, ngay cả những phụ nữ hiểu biết, có tri thức, có vị trí xã hội đôi khi cũng không biết làm thể nào để giải thoát mình khỏi những ác mộng hôn nhân như vậy. Tại một xã nghèo ở Phú Thọ, bà Quý từng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian mới tiếp cận được và hỗ trợ thành công một phụ nữ - nguyên là cán bộ xã – giúp chị ly hôn thành công với người chồng phụ bạc, vũ phu.
ảnh minh họa |
Cùng là bộ đội xuất ngũ, nhưng cặp vợ chồng chị Hiền – anh Bắc (Phú Thọ) lại đi vào hai con đường khác nhau. Trong khi chồng chán nản, trượt vào rượu chè, cờ bạc, thì chị Hiền nhọc nhằn vượt lên gian khó. Chị vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi, vừa nhiệt tình tham gia Hội phụ nữ xã. Nhờ chịu thương chịu khó, chị trồng trọt chăn nuôi giỏi, được tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch xã, chủ tịch Hội phụ nữ địa phương.
Lấy nhau hơn 10 năm, có với nhau 2 mặt con thì gia đình chị Bùi Thị Hạnh (Thái Bình) bị xoáy vào vòng dông tố. Chồng chị thay lòng đổi dạ, bồ bịch rồi về nhà cường quyết đòi li hôn. Vốn là người phụ nữ hiền lành, chị Hạnh hoàn toàn bất ngờ. Can ngăn chồng, chị chỉ nhận lại những trận đòn “dạy bảo” oan ức.
Đau đớn hơn cho chị, chỉ khi ra trước tòa, chị mới biết cơ nghiệp hai vợ chồng gây dựng bao năm nay đã bị chồng “tẩu tán” gần hết. Nhà cửa, đất đai đều đã được chồng “chuyển tên” cho người khác. Chị bám víu vào nhà chồng thì chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh lùng. Li hôn xong, chị Hạnh gần như suy sụp.
“Trao đổi với lãnh đạo tòa án các nhiều địa phương, tôi được biết một thực tế đau lòng: Phụ nữ nông thôn khi li hôn thường rất bị động. Họ thiệt thòi vô cùng vì không cơ mưu, không có chỗ dựa. Bạn bè, người thân cũng không dám và không biết bảo vệ họ. Hầu hết họ bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng” – bà Quý xót xa nói. Điều khiến bà vẫn lo lắng đến giờ là những con số thống kê biết nói về thực trạng bạo hành gia đình ở Việt Nam, là những thiệt thòi mà người phụ nữ Việt chưa thể bước qua được.