Những tai nạn nguy hiểm như hóc dị vật, bỏng mặt do bóng nổ, nhét hòn bi nhỏ vào mũi, nuốt đồng xu, kéo tay hoặc tung hứng con… đều do sự bất cẩn của cha mẹ.
Nguy hiểm tính mạng = cha mẹ vô tâm + con nghịch dại
Cứ có khách đến nhà chơi, chị Thùy (Long Biên, Hà Nội) lại bế bé Bảo (10 tháng
tuổi) ra khoe độ “lực sĩ” của con.
Trước ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ của mọi người, chị cho bé nằm trên giường, hai
tay chị nắm hai tay của bé rồi động viên “lên nào lực sĩ”, thấy mẹ khuyến khích,
bé bám vào hai tay của mẹ đu người lên 3- 4 lần.
Đến một ngày, chị lo lắng đứng ngồi không yên khi cứ chạm vào tay con, Bảo lại
khóc thét lên, bên cạnh đó tay con có dấu hiệu bị sưng phù. Khi đưa con đến bệnh
viện, bác sĩ chẩn đoán bé có dấu hiệu bị trật xương khuỷu tay.
Không chỉ chị Thùy mà có nhiều bà mẹ vô tình làm ảnh hưởng xấu tới hệ xương khớp
của con và chị Loan là một ví dụ. Chị rất hay dắt tay con đi công viên chơi
nhưng nhiều khi thấy con đi chậm, chị lại kéo con đi nhanh hơn, khi bé Linh (2
tuổi) – con chị kêu “đau đau”, chị vẫn chưa hình dung ra được tại sao. May sao
có lần, một bác hàng xóm trông thấy và nhắc chị: “dắt tay con thế này rất nguy
hiểm, mình là người lớn thì không sao nhưng dắt thế, lôi thế, hệ xương khớp non
yếu của con sẽ bị ảnh hưởng đấy”. Nghe bác hàng xóm nói vậy, chị Thùy không khỏi
giật mình.
Đó là sự vô tâm của cha mẹ, thế nhưng khi sự vô tâm cộng với sự nghịch dại của
con thì khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng bé là điều khó tránh khỏi.
Đừng bao giờ kéo mạnh tay con vì xương của trẻ còn rất yếu. (Ảnh minh họa) |
Trẻ em rất hiếu động, thích khám phá thế giới kỳ ảo bên ngoài nhưng các bé chưa có đủ nhận thức để hiểu được tác hại nguy hiểm của hành động của mình. Bên cạnh đó, một phần do sự chủ quan của cha mẹ càng khiến cho những tai nạn ập đến với trẻ theo hướng "không thể tưởng tượng nổi". Thực tế đã có nhiều trường hợp bé gặp tai nạn và dù là những người đã có kinh nghiệm, kinh qua nhiều trường hợp hiểm hóc nhưng vẫn có rất nhiều tình huống khiến bác sĩ phải “toát mồ hôi”.
Điển hình như bé V.T (16 tháng) nhập viện Nhi trung ương trong tình trạng quấy khóc, nôn mửa dữ dội, người thâm tím… Theo như ghi nhận của PV thì chị M. - mẹ của bé đang ngồi chơi với con nhau rất vui vẻ, chị vừa nói chuyện với con, vừa khâu lại mấy chiếc quần của con. Trong lúc sơ ý quay sang làm việc khác, chị không thấy chiếc kim mình đang khâu nằm ở đâu, cùng lúc đó, bé T. khóc dữ dội, người tím ngắt...
Tại bệnh viện, sau vài tiếng bắt tay vào tìm dị vật, bác sĩ mới phát hiện ra chiếc kim khâu nằm gọn trong lồng ngực bệnh nhi trước sự sững sờ, ân hận của người mẹ. May thay cho chị M. là bé V.T được đưa vào cấp cứu kịp thời.
Thực tế có rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc ở trẻ nhỏ chỉ vì một phút lơ là, bất cẩn của cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh vì thấy những món đồ chơi bắt mắt, có thể khiến con ngồi chơi ngoan nên không để ý rằng đưa cho con món đồ chơi đó chính là tự tạo mầm họa tai nạn cho con. Có nhiều bé trong quá trình chơi đồ chơi đã nhét những hạt nhựa tròn, viên bi ve vào mũi hay ngậm những chiếc vòng sắt độc hại và nuốt những đồng xu...
Chị N. (Quận 1, TP HCM) kể lại, một dạo thấy con thường xuyên bị viêm tắc mũi, khó thở. Chị đã cho bé uống thuốc kháng sinh nhưng bệnh không thuyên giảm. Đi thăm khám, chị mới hoảng hốt khi bác sĩ kết luận ở sâu trong mũi bé có dị vật.
Dị vật được lôi ra đó chính là hạt cườm trên áo mà chị vô tình làm rơi ra. Dẫu biết mình làm rơi hạt cườm nhưng thấy con rất có hứng thú vê vê trong tay, chơi với món đồ đó nên chị cũng mặc nhiên không lấy lại. Và hậu quả là chị phải đưa con vào viện gắp dị vật. Những trường hợp trẻ em tự nhét đồ vật vào mũi miệng không hiếm.
Mới đây, một em bé đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hết sức nguy kịch. Các bác sĩ xác định bé bị bỏng với diện tích rộng gồm mặt, cổ và một phần ở mặt khiến hai mắt cũng bị tổn thương sâu.
Mẹ bé kể lại, hôm trước bé xin được một chùm bóng bay mang về nhà chơi. Đang cầm trên tay thì một quả bóng phát nổ khiến cả chùm nổ theo. Dù giật mình buông tay và quay mặt sang hướng khác, bé vẫn bị thương.
Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bóng bay được bơm bằng khí hydro nên dễ cháy nổ khi có áp lực hoặc gặp nguồn nhiệt. Đây cũng là một tai nạn rất dễ gặp phải ở trẻ nhỏ.
Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng những quả bóng bay này có thể trở thành mối nguy hiểm, gây tai nạn cho trẻ. |
Hoặc như trường hợp của bé D.A (6 tuổi, TP HCM). Trong lúc bố mẹ đang ở trong nhà, bé có chạy ra ngoài ban công tầng 4 của khu chung cư chơi. Đang chơi bị rơi kính xuống chậu hoa, lúc với tay chẳng may bé bị trượt chân và rơi đập đầu xuống nền đất tầng 1.
Ngay lúc đó, bé được chuyển tới bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Tại đây, bác sĩ cho tiến hành chụp CT và kết luận não của D.A bị tụ máu rất nặng. Trường hợp này các bác sĩ nhận định rằng bé qua khỏi cơn nguy kịch một cách thần kỳ và may mắn.
Bỏng cũng là một trong những tai nạn thường gặp và rất nguy hiểm với trẻ em. Không những bỏng gây đau đớn, điều trị phức tạp, lâu dài, tốn kém, để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, tàn phế suốt đời thậm chí gây tử vong ở trẻ.
Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia hiện điều trị rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng. Trong đó, đa phần bị bỏng nước sôi, bỏng thức ăn, bỏng khi sờ vào đồ điện... do sự bất cẩn của cha mẹ. Chăm con tại khoa Bỏng trẻ em, thi thoảng chị D. (Hà Giang) lại khóc khi nhìn con gái 3 tuổi cựa mình kêu đau đớn.
Chị chia sẻ, khi đó chị bận rộn nấu ăn dưới bếp, chị giật mình nghe tiếng con khóc thét trong nhà. Chạy vội lên thì thấy con bị bỏng vì quờ phải phích nước sôi chị vừa rót để trên bàn. Phích nước rơi xuống, vỡ và bắn nước sôi vào tay và người bé. Mặc dù chị đã nhanh trí sơ cứu bằng cách đưa con vào nhà tắm xả nước lạnh vào phần bị bỏng nhưng da con bị bợt ra rất nặng và chị vội đưa con tới bệnh viện.
Phòng tránh tối đa những rủi ro xung quanh bé
Khi con gặp nạn, nhiều bậc phụ huynh cho rằng đó là rủi ro không may xảy ra, mà
không nghĩ rằng mình là nhân tố cốt yếu có thể giúp con phòng tránh được. Nhiều
cha mẹ vì chủ quan trong quá trình chăm sóc con cái, với tư tưởng miễn là con
vui mà không để ý rằng chính những việc mình làm, những thứ mình đặt vào tay con
là những tác nhân gây tổn hại rất lớn tới sức khỏe của con mình. Và những tổn
hại đó chính những bậc cha mẹ cũng không bao giờ lường trước được. Do đó, để
ngăn chặn những nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh con trẻ, các bậc cha mẹ nên chú ý
những điều sau:
Đối với trẻ nhỏ, tuyệt đối không nên để những đồ vật có kích thước quá nhỏ trong
tầm tay với của trẻ. Hãy chọn lựa cho con những món đồ chơi an toàn, có nguồn
gốc xuất xứ để đảm bảo con không bị nhiễm chất độc hại và nuốt phải dị vật.
Không nên mua cho con trẻ những loại đồ chơi có chứa khí độc, dễ gây bỏng như
bóng bay... Cha mẹ nên kê dọn phòng sao cho ít đồ đạc nhất có thể, để xa tầm tay
bé những đồ vật nhỏ, dễ nuốt, dễ hóc. Khuyến khích trẻ chơi trong một không gian
nhất định, nơi mà bố mẹ có thể kiểm soát được bé.
Trẻ 2-6 tuổi rất hiếu động, tò mò, chưa ý thức được sự nguy hiểm nên sự an toàn
của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và kỹ năng của cha mẹ. Cha mẹ cần để
những vật chứa nhiều sự rủi ro, dễ khiến trẻ gặp nguy hiểm như: phích nước, bàn
là, canh nóng... ở những nơi trẻ không thể sờ hoặc với tới.
Cha mẹ là nhân tố lớn nhất để bảo vệ con, vì vậy bậc phụ huynh hãy luôn để ý tới
con nhỏ mọi nơi mọi lúc, kết hợp với người trông trẻ và nhà trường cao độ về
việc này. Hãy nói, phân tích tác hại của rủi ro về những đồ vật, đồ chơi xung
quanh để mọi người trong gia đình cũng đề cao cảnh giác và phần nào giúp bé
tránh xa những nơi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho mình.
Trong trường hợp con gặp sự cố tai nạn: nuốt phải dị vật, gặp phải thương tích
như gẫy tay, sái tay, ngã khiến ngất xỉu... thì hãy nhanh chóng đưa con vào bệnh
viện để được kịp thời xử lý. Đối với trường hợp con bị bỏng thì cha mẹ nên lập
tức bế con ra khỏi vùng gây bỏng, sau đó cần loại bỏ nhanh những chất gây bỏng
trên da bé. Nếu có đủ kỹ năng và kiến thức, cha mẹ nên tìm cách phân vùng bỏng
theo mức độ và ngâm vùng bỏng vào nước mát ngay. Tuyệt đối không được bôi kem
đánh răng, phủ muối hay bôi nước mắm lên vết bỏng. Vì việc làm đó sẽ khiến con
bị nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu, việc tiếp theo mà cha mẹ cần làm là dùng gạc y
tế, quấn lỏng quanh vùng bỏng để bảo vệ cho da con không bị nhiễm trùng, sau đó
nhanh chóng đưa con tới bệnh viện.
(Theo Afamily)