- Như thường lệ, cứ vào ngày 1/2 (âm lịch) hàng năm người dân thôn Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ một vị thần hoàng có công giữ nước.
9 giờ sáng ngày 1/2, hàng ngàn người dân xã Cầu Lộc lại rồng rắn kéo nhau về đền thờ ngài Lê Phúc Đồng, một vị anh hùng được nhà vua giao cho sứ mệnh chống giặc ngoại xâm thế kỷ thứ 15 tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ đến vị anh hùng này.
Vào ngày này, ngoài việc vui chơi, lễ hội của làng thì mỗi hộ dân trong làng đều làm bánh dày, thịt gà, cua, cá… thờ cúng như một cái Tết Nguyên đán thật thụ. Dọc các tuyến đường làng, cờ hoa giăng khắp nơi, trẻ con được mặc áo đẹp, người người đi “xông” nhà nhau và họ mời nhau chén rượu đầu xuân.
Sau nghi thức lễ, người dân trong làng sẽ được tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: bóng chuyền, kéo co, nấu xôi làm bánh dày…
Ngày tết lại của người ân thôn Thiều Xá chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng theo chị Nguyễn Thị Hoa, người dân ở đây cho biết họ đã phải chuẩn bị đồ đạc, gà, ngan từ cách đó cả tháng. “Quan niệm của làng, ăn tết lại bao giờ cũng tổ chức to hơn tết Nguyên đán. Bởi đây không chỉ là truyền thống mà đó là tưởng nhớ vị anh hùng”.
Làm lễ chuẩn bị rước kiệu. |
Rước kiệu |
Đồ xôi để làm bánh dày. |
Đông đảo người dân tham gia ăn tết lại ở đình làng. |
Ông Nguyễn Tiến Năng (83 tuổi), già làng cho biết, anh hùng Lê Phúc Đồng người thôn Thiều Xá, xã Cầu Lộc. Tương truyền, ông là người tài năng, đức độ theo vua Lê đi đánh giặc phương Bắc.
Trận đánh đầu tiên là vào 26 tháng chạp. Sau khi thắng trận, ông trở về người dân làng Thiều vui mừng ca hát, ông lại cho mở chợ Thiều và phiên chợ này mỗi năm chỉ họp một lần.
Lúc bấy giờ giặc Minh mở rộng xâm lược, nhà vua cử ông đi trấn ải vùng biên cương. Chiến tranh diễn ra liên miên nên mấy năm ông không về quê ăn tết. Có một lần trở về quê thì vào mãi cuối tháng Giêng, vì vậy ông tổ chức cho dân làng ăn tết lại vào ngày 1/2 âm lịch.
Sau khi ăn tết xong, Lê Phúc Đồng cùng thuộc hạ của mình lại lên đường đi đánh giặc. Trận thuỷ chiến trên sông Mã, do nước sông chảy xiết cộng mưa to, gió lớn nên thuyền lật, ông và một số binh lính đã chết. Từ đó người dân lập đền thờ ngài và để tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông, dân làng hàng năm vẫn tổ chức ăn tết lại.
Lê Anh