- Trong điều kiện nuôi nhốt bán hoang dã, những giống loài nhập khẩu từ châu Phi về “vườn thú” Trại Bò (Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An) không những thích nghi mà còn… “sinh đẻ” ngon lành. Thậm chí, cặp hổ vàng Đông Dương vừa mới sinh được 3 hổ con, trong đó có tới… hai con hổ trắng.


Theo lời PGĐ phụ trách chăn nuôi Phạm Đăng Long của Khu du lịch sinh thái Trại Bò, tỷ lệ sinh sản biến đổi gen ở loài hổ Đông Dương vằn vàng ngoài tự nhiên là rất thấp: 3-3-1. Thế nhưng, cuối năm 2012, cặp hổ vàng tại Trại Bò đã sinh được ba hổ con, trong đó có… hai con hổ trắng.

Ba chú hổ con vài tháng tuổi – trong đó có hai con hổ trắng. Đây là trường hợp cực kỳ hiếm có khi hổ vàng sinh ra hổ bạch.

Điều kỳ lạ này đã khiến “vườn thú” hoang dã ở xứ Nghệ thêm nổi tiếng. Sau một thời gian sống bên hổ mẹ, ba chú hổ con này được tách ra nuôi riêng tại một khu chuồng riêng biệt, có chế độ chăm sóc riêng.

Hàng ngày, đích thân anh Long mang thức ăn đến cho ba chú hổ con gồm thịt bò tươi thái nhỏ, cũng có thể đổi món thịt lợn; một vài tuần có thể thả thức ăn còn sống vào chuồng để hổ tập và giữ bản năng săn mồi.

Hiện tại, ba chú hổ con hơn ba tháng tuổi này đang ở độ tuổi “thiếu niên”, rất hiếu động. Chúng vẫn rất nhút nhát khi có người tới. Tuy nhiên, bản năng hoang dã của loài thú quý hiếm này đã biểu hiện đầy mạnh mẽ, khi anh Long lấy một cây gậy nhựa khều vào những chú hổ con đang nép trong góc hang, chúng đều nhe nanh, há miệng, giơ vuốt… tát vào cây gậy một cách đầy kiêu hãnh. 

Bố mẹ của ba chú hổ con là cặp hổ vàng Đông Dương.

Một câu chuyện khác mà có lẽ chỉ có ở Trại Bò. Cặp hổ trắng (bạch hổ, nguồn gốc Nam Phi) được Khu sinh thái Trại Bò mua về hồi tháng 12/2010. Sau ba năm “nhập cư” ở nơi ở mới, cặp hổ bạch này đã hai lần sinh sản. Lần thứ nhất, chúng sinh được hai cá thể hổ (đều là đực). Hiện tại, hai chú hổ thanh niên này đã hơn một năm tuổi, được nuôi tách tại một khu chuồng khác, có trọng lượng gần 1 tạ/cá thể.

Lứa sinh thứ hai, cặp hổ bạch Nam Phi này cũng sinh được hai con, tuy nhiên, một chú hổ con đã bị chết do hổ mẹ bất cẩn đè vào. Chú hổ con còn lại, vì sức khỏe yếu nên cán bộ thú y vườn thú Trại Bò quyết định nuôi bộ.

Chú hổ trắng bé đang được nuôi bộ, hàng ngày vẫn phải… bú bình.

Chú hổ con hơn một tháng tuổi được ông Nguyễn Sỹ Phong (GĐ Khu sinh thái Trại Bò) nuôi bộ tại phòng làm việc của mình. Nó được thả trong một chiếc giỏ mây lớn, lót rơm bên dưới. Hàng ngày, chú hổ con được… bú bình.

Khi chuyện này mới xảy ra, mọi người trong khu sinh thái Trại Bò rất lo lắng vì từ trước đến nay chưa có trường hợp người… nuôi hổ từ lúc còn trứng nước bao giờ. Gọi điện khắp nơi để hỏi kinh nghiệm, nhưng cũng chỉ nhận được những tư vấn chung chung, cuối cùng, ông Phong vẫn quyết định làm theo cách của mình.

Đến nay, sau nhiều đêm thức trắng để chăm chú hổ bạch con, ông Phong đã tự tin là người có “kinh nghiệm nuôi hổ” nhiều nhất ở khu sinh thái Trại Bò. Chú hổ con mạnh khỏe, hiếu động như một đứa trẻ tinh nghịch.

Hai chú hổ trắng hơn một năm tuổi đang ở tuổi trưởng thành, là thế hệ F2 đầu tiên của cặp hổ trắng Nam Phi sinh sản sau khi đưa về Trại Bò.

Ngoài cặp hổ trắng, hổ vàng đã hai lần “sinh nở” ở Trại Bò, cặp sư tử châu Phi cũng đang trong giai đoạn chờ sinh đẻ. “Bà bầu” sư tử cái được tách riêng để nghỉ ngơi, tránh bị “ông chồng” nô nghịch để ảnh hưởng đến chú sư tử con trong bụng mẹ.

Tại khu sinh thái Trại Bò, tất cả những giống loài quý hiếm được nhập từ châu Phi về Việt Nam, người bỏ tiền ra mua đã chủ trương mua một cặp đã được chọn lựa kỹ lưỡng, đã được ghép cặp, bởi một lẽ, ông chủ Trại Bò muốn khi về Việt Nam, chúng sẽ nhân giống bằng con đường sinh sản. Và thực tế, nhiều giống loài tại Trại Bò đã tăng gấp 2, gấp 3 về số lượng, sau khi chúng được đưa về đây chưa đầy ba năm.

Kiên Trung