- Treo biển phở bò, nhưng thực chất là bán phở thịt lợn sề cho khách, nhiều cửa hàng phở ở Hà Nam đã “phất” lên nhanh chóng nhờ thu lãi “khủng” với chiêu làm ăn gian dối.
Treo phở bò, bán phở… lợn sề
Lần theo thông tin do một đầu bếp – người có kinh nghiệm nhiều năm lang bạt qua những quán phở bò trên tuyến quốc lộ 1A ngang qua địa phận huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, PV VietNamNet đã khám phá ra trò lừa đảo trắng trợn này.
Cựu đầu bếp tên Tĩnh tiết lộ, khoảng 2 năm gần đây, dọc đường quốc lộ qua khu phố Cà – Cầu Khuất ngày càng mọc lên nhiều quan phở lừa đảo loại này. Các quán chủ yếu kinh doanh phục vụ khách du lịch tuyến Sầm Sơn – Bái Đính – Tràng An – Tam Cốc – Bích Động – Cửa Lò – Nghệ An… và các tuyến xe đường dài Bắc – Nam. Để hút khách, các chủ quán đã móc nối trước với lái xe và hướng dẫn viên du lịch, mua chuộc họ bằng tiền mặt, thông thường là từ 100.000 đến 150.000 mỗi lần tấp vào quán cho khách ăn phở.
Khách đông nghịt tại một quán phở bò trên QL 1A |
“Về giá cả tạm không bàn tới, nhưng chất lượng thì tôi xin nói là không phải phở làm từ thịt bò như các quán quảng cáo và thu tiền. Loại thịt các quán dùng để làm phở hầu hết là thịt lợn sề (lợn nái). 95% số lợn này là nguồn lợn ốm, lợn bị tiêm, lợn kém chất lượng do các lại buôn thu mua khắp vùng với giá rẻ mạt” – anh Tĩnh cho biết.
Để kiểm tra lại thông tin mà đầu bếp này cung cấp, chúng tôi đã tìm đến các quán phở trong khu vực và tận mắt chứng kiến, tận miệng nếm thử những bát phở bò – giả.
Mới 8h sáng, thực khách đã đông nghịt tại một quán phở lớn với mặt tiền cùng lúc dừng đỗ được tới 4 – 5 xe du lịch 60 chỗ. Gọi một tô phở bò “đặc biệt” như biển quảng cáo, chủ quán đon đả hét giá 35 nghìn đồng.
Tuy nhiên, khi bát phở được dọn ra, chỉ bằng mắt thường, người dùng đã ngờ ngợ đây không phải thịt bò: Miếng thịt thái dày, màu nhợt nhạt, thớ thịt to như hạt gạo… Mặc dù nước phở có mùi gây đặc trưng, nhưng ăn miếng thịt có thể thấy ngay không phải vị bò.
Liều đi vào cửa bếp, nơi bên trong quầy, một đầu bếp đang mê mải làm việc, ống kính PV dễ dàng thu lại hình ảnh những nguyên liệu bò rất “lạ”: Miếng thịt đỏ tươi chứ không được sẫm, khổ thịt mỏng, bầy nhầy mỡ…
“Lãi vô tội vạ” nhờ buôn gian bán lận
Kiếm sống bằng nghề đầu bếp, từng lăn lộn dọc ngang những quán phở dọc quốc lộ 1A, anh Tĩnh không lạ gì những chiêu trò nhằm kiếm lời nhanh của các chủ quán. Anh cho biết, ngoài những màn “chặt chém” kinh hoàng, khiến ngay cả người dân địa phương thuộc loại “thổ địa” cũng phải hãi hùng, thì 1- 2 năm gần đây, phở bò giả mới xuất hiện và đặc biệt được ưa chuộng, lan nhanh do mang lại lợi nhuận khổng lồ. Dọc đoạn đường khoảng chừng 7 km nói trên, đếm sơ sơ cũng 5 – 6 nhà hàng kinh doanh kiểu này.
“Thịt lợn sề (lợn nái) khỏe mạnh có nhiều bộ phận ngon, là đặc sản đối với dân nhậu. Nhưng thông thường người dân không bán những con lợn sề đang sung mãn. Chỉ có những con sề đã “hỏng”, hoặc ốm yếu, chết bệnh, bị tiêm… họ mới đành lòng bán đi. Loại sề này cực rẻ, chỉ 5 đến 7 nghìn đồng/cân. Lái sề (người buôn thịt lợn sề) sau khi mua thì tha hồ đổ mối gấp vài chục lần cho các quán phở. Như vậy, với mỗi con lợn 1 – 1,2 tạ, các thương lái đã thu lãi cả triệu đồng. Mức lãi này còn nâng lên gấp bội đối với các chủ quán phở lừa đảo.
“Trung bình, các quán lớn có thể tiêu thụ 300 – 500, thậm chí cả nghìn bát phở/ngày trong mùa du lịch. Với suy nghĩ chung “gặp khách một lần, khách đi du lịch thiếu gì tiền” nên các chủ quán không ngần ngại bán phở kém chất lượng với giá “chát”, thu lãi cả chục triệu mỗi ngày” – anh Tĩnh phân tích.
Một chủ quán nho nhỏ trên đoạn đường này tiết lộ, thời gian đầu, quán anh bán “rất chậm” cũng có thể tiêu thụ khoảng 10 kg thịt sề kiểu này mỗi ngày. Với những quán lớn, số lượng thịt lợn được tiêu thụ phải gấp nhiều lần…
Vì lãi “khủng” như vậy nên các gia đình đua nhau, người nọ đồn người kia, các “chiêu” phở bò giả lan đi nhanh chóng. Quán mới mở, quán cũ đổi cách làm ăn, đầu bếp cũng phải dần thích nghi, nghĩ ra đủ chiêu trò chế biến tinh vi món phở bò từ thịt lợn.
Lời khuyên của cựu đầu bếp từng phục vụ trong quán phở “lừa” ở Hà Nam “Đi du lịch hay đi dường dài, tốt nhất không nên ăn đường ăn chợ. Nếu thích ăn thì mua cơm, mì tôm, chấp nhận ăn khổ một chút thì chẳng ai lừa được. Chịu khó ăn khổ một chút, chẳng ai lừa nổi. Quán vớ vẩn, cùng lắm là có chuyện trà trộn cơm nguội, ăn vào cũng không đến nỗi ốm, ngộ độc. Còn lại, kể cả nhà hàng uy tín cũng không biết được. Người không hiểu biết cho rằng quán đông là uy tín, mà chẳng biết thực chất bên trong thế nào. Uy tín cũng muôn hình vạn trạng. Những quán phở như tôi nói, ngày bán cả nghìn bát, liệu tin được hay không? |
Quỳnh Anh
(còn tiếp)
(còn tiếp)