HTML clipboard

– Thay vì phải mở dọc lồng ngực rồi cưa xương ức thì lần đầu tiên một bệnh nhân đã được thay van tim bằng phương pháp mổ tim nội soi. Ca mổ được thực hiện thành công tại Viện Tim mạch (bệnh viện Bạch Mai).

Bệnh nhân trong ca mổ này là anh Đoàn Ngọc Thống, năm nay 38 tuổi, quê ở Thanh Hóa, 2 năm nay khó thở tăng đều, không lao động được do mất khả năng gắng sức.

Khi đến bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lý hẹp và hở van tim. Theo bác sỹ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch) - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này thì thay van tim nhân tạo là giải pháp cuối cùng để cứu sống bệnh nhân nếu không bệnh nhân sẽ tử vong vì suy tim.

{keywords}
Bệnh nhân Thống đã được ra viện vào ngày hôm nay (29/3)

Để thay van tim nhân tạo cho người bệnh thì kỹ thuật kinh điển được dùng từ trước đến nay là cưa xương ức, mổ thay van 2 lá, sau đó dùng chỉ thép để khâu lại.

Phương pháp này có nguy cơ gây biến chứng chảy máu xương ức, nhiễm trùng xương ức sau mổ, thời gian để liền xương từ 3- 4 tháng, không đảm bảo về khía cạnh thẩm mỹ.

Đối với trường hợp bệnh nhân này, phương pháp mổ nội soi mới đã được áp dụng.

Theo đó, có 2 lỗ nhỏ để đưa dụng cụ nội soi vào cùng 1 đường rạch rất nhỏ khoảng 3cm để đưa van nhân tạo vào. Ca mổ được tiến hành thuận lợi trong 3 giờ. Sau 6 tiếng rút ống niệu quản. Sau 1 ngày bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại ăn uống bình thường.

Kết quả siêu âm kiểm tra sau mổ cho thấy tiến triển tốt, sau 5 ngày (từ 23 đến 28/3) bệnh nhân đã có thể xuất viện (trường hợp mổ cưa xương ức là 10 ngày).

Theo bác sỹ Dương Đức Hùng, mổ nội soi đã khắc phục được tất cả những hạn chế của phương pháp mổ tim truyền thống.

Kỹ thuật này ít xâm lấn, ít đau cho bệnh nhân, ít chảy máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng do không phải cưa xương ức, có tính thẩm mỹ (đặc biệt với bệnh nhân trẻ, phụ nữ), bệnh nhân hồi phục nhanh, ra viện sớm giúp giảm chi phí điều trị.

Đây là kỹ thuật mổ nội soi thay van 2 lá đầu tiên ở Việt Nam, là sự kết hợp giữa phẫu thuật tim và phẫu thuật nội soi và sự đồng bộ, phối hợp tốt giữa gây mê hồi sức và các nhóm phẫu thuật (nhóm mổ tim và nhóm nội soi).

Đặc biệt có ý nghĩa với người lớn tuổi

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết phẫu thuật nội soi tại Việt Nam được ứng dụng khá phổ biến trong phẫu thuật các bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu song đây là lần đầu tiên được triển khai trong phẫu thuật tim.

Theo GS Nguyễn Lân Việt, thành công phẫu thuật tim bằng nội soi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân, đặc biệt đối với những người bệnh lớn tuổi cần thay van tim nhưng không thể phẫu thuật vì sức khỏe, già yếu, có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.

Cũng theo GS Việt, Viện Tim mạch sẽ thực hiện thường quy các kỹ thuật này. Dù chi phí đắt hơn so với mổ thông thường, thời gian phẫu thuật cũng kéo dài hơn nó lại mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Cẩm Quyên