- Ngày nào đi làm về chồng cũng ghé quán nhậu đến tận nửa đêm mới mò về nhà, người đầy hơi men, tức mình chị Ng. tìm vui bên người đàn ông khác.

Mất vợ vì ‘nàng men’

“Chỉ đến khi vợ đặt trước mặt tờ đơn ly dị tôi mới bừng tỉnh”, đó là lời thú nhận của anh Nguyễn Việt (Nghĩa Tân, Cầu Giấy). Anh Việt từng là một tay bợm nhậu, ngày ngày “chén chú chén anh” sau giờ tan sở.

Anh Việt kể, trước đây anh chỉ thích bù khú với bạn bè, nhậu nhẹt sau giờ tan sở. Ngày nào cũng gần 10 giờ đêm anh mới về đến nhà. Anh bảo về nhà sớm thấy người bứt rứt, bí bách. Vợ anh đương nhiên là không hài lòng việc chồng nhậu nhẹt về muộn nên vẫn thường nhắc anh về sớm, dành thời gian cho gia đình.

Nhưng lạ thay, vợ càng ca thán, càng cấm đoán anh càng bù khú nhiều hơn, không thể để mấy thằng bạn chê anh là “sợ vợ” được. Cho tới một hôm vợ đưa cho anh lá đơn ly dị, anh mới giật mình tỉnh ngộ.

“Tôi cứ nghĩ hàng tháng đưa tiền về cho vợ là đủ trách nhiệm. Còn chuyện bù khú, nhậu nhẹt thì ông nào chả như ông nào, miễn sao đêm vẫn về nhà, không gái gú là được rồi. Chỉ đến khi cô ấy đưa tờ đơn ly hôn, tôi mới hiểu chuyện không đơn giản như vậy”, anh Việt tâm sự.

Thời gian đầu sau ly hôn, anh Việt cảm thấy rất thoải mái vì không bị ai quản thúc, thích đi đâu thì đi, nhậu nhẹt bao lâu tùy ý. Nhưng khi hết bạn nhậu, về căn nhà trống trải, anh mới thấy cô đơn, tiếc vì không biết quý trọng những gì mình đã có.

“Nếm trải cảm giác cô đơn, tôi mới thấm thía nỗi khổ của vợ khi trước đây cứ phải một mình chờ tôi đến tận nửa đêm. Giá như tôi biết, sức chịu đựng của con người là có hạn. Nếu không vì sĩ diện đàn ông thì đã không thế này”, anh thở dài.

Lấy phải một anh chồng bợm nhậu, chị Ng. (Đống Đa, HN) rất khổ tâm. Thời gian đầu mới cưới, đêm nào chị cũng khóc vì chồng mải đi nhậu mà thờ ơ với vợ. Chuyện ăn cơm tối một mình với chị diễn ra thường xuyên. Những hôm chồng đi nhậu, chị gọi điện giục về thì anh hứa “tí nữa sẽ về”. Nhưng “tí nữa” của anh vẫn đến nửa đêm. Hôm nào vợ giục nhiều quá thì anh tắt máy để “đỡ bị làm phiền”.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Lúc đầu chị cũng khóc lóc, tỉ tê đủ kiểu với chồng, chỉ mong chồng bớt nhậu về ăn cơm với vợ. Nhưng anh vẫn vô tâm, hết giờ làm là bù khú bạn bè, vui vẻ nhậu nhẹt, không quan tâm đến cảm xúc của vợ. Đêm nào anh cũng về trong tình trạng say khướt, người nồng nặc mùi rượu. Chị bảo mang tiếng là vợ chồng nhưng tháng chỉ ăn cơm với nhau được một hai bữa, ngay cả chuyện chăn gối vì chồng say khướt suốt ngày nên chị cũng bị “bỏ đói”.

Buồn lòng vì chồng ham nhậu quên cả vợ, chị Ng. đành tìm vui bên bạn bè, đồng nghiệp. Sợ cảnh về nhà thui thủi một mình, tan sở chị đi mua sắm, ăn uống, hát hò đến nửa đêm mới về. Rồi chị trót “cảm nắng” anh chàng đồng nghiệp vẫn thường nghe chị tâm sự. Cứ mỗi lần chồng đi nhậu, chị lại hẹn “anh bạn đồng nghiệp” đi cà phê, ăn uống, tâm sự. Chị bảo, chồng mê nhậu hơn vợ nên chị cũng mặc kệ.

Khi phụ nữ không ca thán… là hết cần đàn ông

Chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết rất nhiều gia đình tìm đến trung tâm tư vấn có mâu thuẫn xuất phát từ người chồng ham ăn nhậu, bỏ bê gia đình. Những ông chồng gọi đến đường dây xin tư vấn đều trong tình cảnh có vợ ngoại tình hoặc đòi ly hôn.

“Nhiều ông cứ nghĩ rằng nhậu nhẹt chỉ là chuyện nhỏ, không ảnh hưởng gì đến hạnh phúc gia đình nên cứ mặc kệ. Vợ góp ý, ca thán mặc vợ. Các ông nào biết đó là những con sóng ngầm và sức chịu đựng của phụ nữ cũng có giới hạn. Khi vợ đòi ly hôn thì các ông mới hốt hoảng. Gọi đến đường dây xin tư vấn làm sao để giữ vợ vì ông vẫn rất yêu vợ, không muốn ly hôn”, bà Hà nói.

Bà Hà cho biết, đàn ông ham nhậu nhẹt thường bỏ bê gia đình. Phụ nữ sẽ cảm thấy thất vọng, tủi thân khi phải một mình gánh vác việc nhà, không được chia sẻ. Thời gian đầu có thể họ sẽ thương lượng, nhưng khi các ông chồng vẫn “chứng nào tật nấy” thì họ suy ra đó là người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình. Từ mệt mỏi, đến bức xúc, cằn nhằn, tự lo mọi chuyện, người phụ nữ sẽ gạt người chồng ra khỏi cuộc sống của mình.

“Đàn ông cần hiểu rằng, khi người phụ nữ còn nói, còn cằn nhằn, tức là họ vẫn thương chồng, còn mong chồng thay đổi. Còn khi họ không nói nữa, im lặng tức là sóng ngầm, khi không còn chịu đựng nổi nữa sẽ dẫn đến ly hôn”, bà Hà phân tích.

Theo bà Hà, người phụ nữ chán nản không chỉ bởi người chồng ham nhậu mà quên trách nhiệm với gia đình. Vắng chồng, phụ nữ vẫn có thể quán xuyến mọi việc nhà. Điều khiến người phụ nữ thất vọng nhất đó là hình ảnh người chồng xấu đi khi say xỉn.

“Nhiều người đàn ông khi say sẽ không giữ được nhân cách như lúc còn tỉnh, lúc tỉnh táo có thể rất hiền nhưng khi say có thể dẫn đến chửi rửa, đánh đập vợ con. Nhân cách của cách ông chồng vì thế mà bị hạ đi nhiều trong con mắt của người ngoài, của người vợ và con cái. Người phụ nữ đau lòng khi nhìn con người xấu của đàn ông khi say, không còn là người đàn ông mà họ yêu, không còn xứng đáng là người chồng, người cha”, bà Hà phân tích thêm.

Kim Minh

(còn tiếp)