Người dân ở vùng núi Tây Bắc xứ Nghệ xì xào truyền tai nhau một câu chuyện ly kỳ về người đàn ông dị thường gần 40 năm không hề tắm gội và chỉ thích quấn chăn kín người suốt bốn mùa.

{keywords}
“Dị nhân” Lô Văn Yên.

Nằm biệt lập giữa trập trùng đại ngàn xanh ngút, bản Piềng Đồn, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An), sẽ không được nhiều người biết đến nếu không có câu chuyện đồn thổi ấy. Nhiều người dân ở đây còn tỏ ra khiếp sợ khi họ nghi ngờ rằng con người dị thường ấy chính là con “ma” của núi rừng.

Nụ cười khắc khổ của “dị nhân”

Bị cuốn hút bởi những câu chuyện kì lạ, chúng tôi quyết tâm vượt gần 20 km đường rừng để lần theo dấu vết của những lời đồn thổi. Con đường rừng quanh co, chiếc xe máy cà tàng phải gầm rú mãi mới thoát khỏi những con dốc dựng đứng bên vực sâu thăm thẳm. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân đến bản Piềng Đồn, cái nắng đầu hè khiến cho thời tiết ở đây thêm phần oi nồng, khó chịu. Không khó để hỏi đường đến nhà của người mà dân bản ở đây gọi là “ma rừng”. Một phụ nữ người dân tộc Thái bập bẹ tiếng Kinh: “Các chú cứ đi thẳng, hết con đường đất này là đến nhà của “ma rừng” đó”. Hai tiếng “ma rừng” thôi thúc khiến chúng tôi cố gắng đi nhanh hơn để được dịp mục sở thị con người lạ kỳ này.

Bản Piềng Đồn giờ đây đã nằm trong khu vực xây dựng thủy điện Khe Bố nên người dân ở đây đang tích cực chuẩn bị để di chuyển đến khu tái định cư. Sau vài lần hỏi đường thì chúng tôi được một gã trai bản dẫn đến địa chỉ khiến nhiều người tò mò muốn biết. Dừng chân trước một cái lán thấp lè tè được lợp tạm bằng tre và lá cọ chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông với khuôn mặt khá thanh tú, góc cạnh, làn da trắng trẻo, khác hẳn với những gã trai tráng trong vùng, đôi lông mày rậm rịt, hàm răng đen nhánh vì khói thuốc. Đặc biệt, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi trên người đàn ông này chỉ quấn một chiếc chăn mỏng, trùm kín từ mắt cá đến đầu của chủ nhân. “Dị nhân” mắt lim dim nằm tựa đầu vào tấm phên nứa bên chiếc điếu cày, mớ lưới đánh cá, chiếc rổ tre đang đan dở và nhiều đồ điện dân dụng bị hỏng. “Ma rừng đấy”, người dẫn đường chỉ vào chiếc lán rồi nhanh chân đi mất.

Người mà dân bản đồn thổi ma rừng đó chính là anh Lô Văn Yên (SN 1962), hiện đang ở chung với vợ chồng của em út là Lô Văn Khôn. Khác với sự tất bật của gia đình người em đang chuẩn bị để chuyển nhà thì “dị nhân” này vẫn quấn chăn nằm lim dim trên gường. Nhoẻn miệng nở một nụ cười khá nặng nề và gượng gạo để chào đón chúng tôi, Lô Văn Yên dường như không cảm thấy thoải mái trước sự có mặt của những người khách lạ. Như thường lệ, anh Lô Văn Sâm, một người em họ đến thăm hỏi và trò chuyện cùng Yên chia sẻ: “Ngày trước, các cặp trai gái, người già, trẻ em ở bản ta thường bắt gặp một cái bóng đen vút nhanh qua đường rồi biến mất. Người ta truyền tai nhau về cái bóng lạ lùng đó, những người yếu bóng vía thì cho rằng nó là ma rừng. Không lâu sau đó thì anh Yên bỗng dưng đổ bệnh, hắn cứ trùm chăn nằm một chỗ như rứa mãi khiến cho dân bản khẳng định hắn chính là con ma rừng Piềng Đồn”. 

Suốt 38 năm nay, Lô Văn Yên chưa bao giờ rời khỏi chiếc giường cũ kỹ của mình. Dân bản đã khoác lên cuộc đời của người đàn ông lạ lùng này những lời đồn thổi hết sức nghiệt ngã khiến cho cuộc sống vốn hiu quạnh của gã càng trở nên u uất hơn bao giờ hết. Người đàn ông trùm chăn bắt chuyện với chúng tôi bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Nghe người ta đồn mãi rồi cũng quen, giờ tôi cũng không muốn giải thích gì nhiều, cứ để thời gian đưa câu trả lời đến với dân bản”. Suốt cuộc nói chuyện, “dị nhân” không thổ lộ nhiều, thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp một vài nụ cười khi có người bàn đến chuyện vợ con của gã – những nụ cười không vui. 

{keywords}
Bạn thiếu thời Ngân Văn Bảo kể chuyện “dị nhân”.

Để thỏa chí tò mò về những lời đồn thổi chúng tôi không dấu được ánh mắt dò xét đến từng cử chỉ, hành động của gã và phát hiện ra nhiều điểm kỳ lạ. Lô Văn Yên thường kéo tấm chăn quấn xung quanh người lại, đặc biệt là phần đầu, rồi lại kéo ra như che chắn, e ngại một điều gì đó. Đôi mắt gã dán lên màn hình ti vi để theo dõi chương trình thời sự, trong khi đó đôi tay vẫn thoăn thoắt với những sợi cước để hoàn thành nốt mảnh lưới mà một người dân bản nhờ gã vá hộ. Đôi chân sau nhiều năm không đi lại giờ đây đã hoàn toàn bị teo lại như một ống nứa héo, thi thoảng Yên lại kéo chiếc chăn để che nó lại để tránh sự tò mò của khách lạ.

Căn bệnh lạ kỳ

Cái tên gọi “ma rừng” quỷ quái ấy bắt đầu xuất hiện từ khi Lô Văn Yên lên 13 tuổi. “Từ nhỏ đến lớn, anh tôi có một chứng lạ là thích để tóc dài như con gái, ai cắt cũng không chịu. Không chịu được sở thích kỳ lạ đó của Yên, bố mẹ tôi cùng mấy người trong bản đã tìm cách cắt đi mái tóc bù xù đó. Không lâu sau, anh tôi leo lên giường trùm chăn kín mít”, người em trai Lô Văn Khôn kể lại. Cũng sau lần cắt tóc ấy, Yên như người điên điên, dại dại, nói nhảm nhí và không chịu đi đâu, lúc nào cũng nằm lì trên giường trùm chăn lại. Ăn uống thì người nhà phải đưa đến tận giường. Từ một cậu bé khỏe mạnh, mấy tháng sau Yên không thể đi được. Gia đình hoảng loạn mời thầy mo ở bản và khắp nơi cúng bái. Càng cúng, đôi chân của Yên cứ teo lại dần như ống điếu.

Anh Ngân Văn Bảo, một người bạn nối khố thủa thiếu thời của Lô Văn Yên cho biết: “Không có chuyện ma quỷ gì đâu, dân bản không biết nên nói bừa vậy thôi. Hồi nhỏ Yên là thằng nghịch ngợm nhất Piềng Đồn này, hắn thông minh lắm nhưng không hiểu sao lại cứ thích để tóc dài. Sau khi bị cắt bỏ mái tóc yêu thích đó hắn đã khóc rồi trùm chăn lên đầu không cho ai thấy khoảng 2-3 tháng, mỗi khi lấy tay xoa lên đầu là hắn lại khóc ré lên. Một thời gian sau, khi hắn bỏ chăn và đi ra ngoài, vì cái đầu trọc lốc nên đi đâu hắn cũng bị dân bản cười nhạo nên hắn ít đi ra ngoài mà cứ nằm lỳ trên giường rồi bị tật luôn”.

Sau khi trở nên lầm lỳ, suốt ngày dùng chăn che kín đầu thì người dân quanh vùng lại có dịp để rộ lên nhiều câu chuyện bí hiểm. Có lẽ, con đường dẫn đến xuất xứ tên gọi “ma rừng” là do những việc làm và suy nghĩ của Yên đều kỳ lạ. Thấy chúng tôi chưa hết tò mò, người em họ Yên là Lô Văn Sâm chia sẽ: “Kỳ lạ thay các chú ạ, suốt 38 năm nay anh Yên không rời khỏi chiếc giường của mình, tất cả các công việc như đan lát, làm lưỡi câu, sửa chữa đồ điện dân dụng, quấn cuộn dây bị cháy, đài cassete bị hỏng... hắn cũng làm trên chiếc giường này. Đặc biệt hơn là cũng từng ấy thời gian chưa một ai, kể cả người thân thấy hắn tắm rửa hay đi đại, tiểu tiện. Lúc đầu gia đình thấy lạ, rồi nghi hoặc và tìm cách theo dõi nhưng suốt mấy ngày liền, Yên vẫn nằm bất định, không rời nửa bước”?

{keywords}
Góc nhỏ Piềng Đồn.

Một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện về “ma rừng” Lô Văn Yên nhanh chóng lan truyền khắp các bản làng quanh vùng. Piềng Đồn có dạo cứ mỗi khi trời chạng vạng tối, các con đường trở nên vắng ngắt. Mọi người đều đổ dồn về phía nhà Lô Văn Yên với cặp mắt nghi hoặc, thăm dò. Tất cả đều hoang mang trước sự lạ về một con người biết ăn, uống, biết làm việc nhưng không đi giải, không tắm nước, trùm chăn 4 mùa và tuyệt nhiên không mặc quần áo. Được biết, gia đình cũng đã nhiều lần cố gắng vay mượn tiền của rồi động viên Yên đi khám nhưng tất cả đều thất vọng khi “dị nhân” nhất quyết không chịu rời khỏi chiếc giường của mình. Chính quyền xã Tam Đình cũng biết về trường hợp của Yên rồi xuống động viên, đề nghị cấp cho chiếc xe lăn để tiện cho việc sinh hoạt nhưng lạ thay gã nhất quyết không chịu lấy?

Rõ ràng câu chuyện về “ma rừng” chỉ là do sự thiếu hiểu biết của người dân rồi thổi phồng lên mà thôi. Tuy vậy, người ta vẫn không thể hiểu được nguyên nhân của căn bệnh lạ lùng đến mức kỳ quái mà “dị nhân” Lô Văn Yên đang mang trên người. Rời Piềng Đồn khi mặt trời sắp xuống núi, chúng tôi mơ hồ về tương lai của người đan ông kỳ lạ giữa đại ngàn này không biết rồi sẽ ra sao?

(Theo Gia đình)