- Thương con lắm nhưng mỗi lần bé lười ăn, nôn, ói khiến nhiều bà mẹ tức điên lên. Không kiềm chế được, có mẹ đã đánh con. Từ đó làm mối quan hệ mẹ con ngày một rạn nứt. Bữa ăn trở thành ác mộng trong gia đình, làm cho không chỉ bé mà cả mẹ cũng bị bệnh về tâm lý, phải gặp bác sĩ để được điều trị.
Cử nhân tâm lý Phùng Thị Lụa, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đã cảnh báo về hiện tượng trên.
Nhiều bệnh nhi phải đi khám tâm lý vì cha mẹ cho ăn sai cách. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bé lười ăn, cả nhà đi khám tâm lý
Mỗi ngày, bà Lụa tư vấn cho rất nhiều bệnh nhi bị bệnh tâm lý, tâm thần liên quan tới vấn đề dinh dưỡng. Trường hợp của bé Nguyễn Thu Trang, 3 tuổi, ngụ tại quận 8 TP.HCM khiến chị không thể quên được. Chỉ vì bữa ăn của bé Trang mà cả gia đình bé rơi vào trạng thái khủng hoảng…
Ba bé Trang chia sẻ, anh rất chán chường và không muốn về nhà sau giờ tan sở. Cứ về tới nhà anh ta lại nghe thấy vợ la hét om sòm, đánh đập con mỗi bữa ăn. Còn bé Trang bữa nào cũng khóc lóc inh ỏi, nôn ói khắp nơi…
Sau khi ép con ăn không được, mẹ bé Trang quay ra gây gổ với chồng, trách móc anh này không giúp đỡ được gì cho vợ trong việc chăm sóc con cái.
Về phía mẹ bé Trang cũng đang bị stress nặng nề.
“Cô ấy đã khóc, tâm sự rất thương con nhưng không kiềm chế nổi khi bé không chịu ăn. Việc bé Trang lười ăn khiến cô rất nản, mỗi khi tới giờ cơm chỉ muốn trốn khỏi nhà”, bà Lụa kể.
Tuy nhiên, nạn nhân phải chịu nhiều hậu quả về mặt tâm lý nhất chính là bé Trang. Ám ảnh sợ ăn với bé đã trở thành một phản xạ.
Con bé chỉ cần nhìn thấy tô cơm, chưa thử miếng nào đã ói ra sạch. Điều đau đớn hơn cả là bé không dám lại gần mẹ mình, trở nên xa lánh mẹ.
“Gia đình bệnh nhi đang phải đối diện với vấn đề hết sức nghiêm trọng về mặt tâm lý. Để bé không sợ ăn, không sợ mẹ, trở lại vui vẻ bình thường chúng tôi phải điều trị không chỉ riêng bé mà nguyên cả gia đình”, bà Lụa nói.
Cho trẻ ăn cũng phải… học
Một trường hợp nữa tới khám tâm lý, tâm thần vì…bữa ăn khiến bà Lụa ấn tượng hơn cả là một em bé 2 tuổi tên Minh, ngụ tại quận Bình Thạnh.
Trước đó, bé Minh từng được mẹ đưa đi khám suy dinh dưỡng ở rất nhiều nơi.
Sau khi sinh bé Minh, mẹ bé đã nghỉ việc, chỉ ở nhà nuôi con. Tuy nhiên, bé Minh không hề tăng cân.
Mẹ bé kể, bé 8 tháng, một lần chị cho bé ăn 2 gói cháo ăn liền.
Điều đáng nói, mẹ bé đổ hết 2 gói cháo vào chiếc hộp rồi chế nước sôi, đậy nắp lại. Sau một thời gian, cháo nở ra rất nhiều nhưng mẹ vẫn không hay biết, cứ thế đút cho con.
Khi bé chán, không muốn ăn, mẹ đã dùng nhiều biện pháp tiêu cực như bỏ mặc, hù dọa, thậm chí…vả vào miệng.
Bây giờ bệnh nhi bị ám ảnh tới mức chưa cần nhìn, chỉ cần nghe nói đến cháo là khóc và ói.
Theo bà Lụa, phụ huynh sinh con ra, ai cũng muốn con cái mình khỏe mạnh. Họ phải chịu áp lực về việc tăng cân của con.
Chỉ cần nhìn thấy con mình nhỏ hơn con nhà hàng xóm là người làm cha mẹ đã thấy sốt ruột, bất an.
Dù vậy, các phụ huynh cần phải hiểu trẻ con cũng có lúc mệt, có lúc không vui, hoặc món ăn chưa hợp khẩu vị với trẻ nên trẻ không muốn ăn.
Khi con trẻ lười ăn, cha mẹ tránh dùng các biện pháp bạo lực, thô bạo. Điều này chỉ khiến tình trạng thêm nặng nề, làm không khí gia đình căng thẳng, không tốt cho sự phát triển về mặt tâm lý của trẻ.
Phụ huynh có thể tham khảo những phương pháp tích cực hơn giúp bé ăn vui vẻ như cho bé ăn thi với anh em của mình. Do trẻ hay có tính ghen tỵ, khi đồ ăn bị cạnh tranh sẽ kích thích trẻ, khiến trẻ ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ ăn chung bữa với cả nhà. Việc cho bé ăn riêng, ăn trước thật sai lầm và cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán ăn.
Theo Khảo sát tình trạng dinh dưỡng Khu vực Đông Nam Á được tiến hành với quy mô
trên 16.744 trẻ em từ 6 tháng – 12 tuổi tại 4 quốc gia (Thái Lan, Indonesia,
Malaysia và Việt Nam), suy dinh dưỡng đang là vấn đề mang ý nghĩa sức khỏe cộng
đồng ở Việt Nam.
Theo đó, hơn 50% trẻ em Việt đang bị thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu. Thói quen ép trẻ ăn tròn bữa, ép trẻ tiếp nhận lượng thức ăn quá nhiều có thể gây tác dụng ngược. Từ đó khiến trẻ phản kháng, càng không thích ăn những loại thức ăn bổ dưỡng mà cơ thể đang thiếu. Đặc biệt, áp lực ăn uống cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực cho trẻ, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ. |
Thanh Huyền