Với tư cách là người trực tiếp làm công tác nhân sự cho doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên của khu công nghiệp từ những năm 1996, 1997, tôi nghĩ rằng mình cần lên tiếng, đơn giản là nói lên sự thật những gì mình đã trải qua...
Kính gửi các anh chị trong ban biên tập báo điện tử VietNamNet!
Tôi tên là Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1970, tại Hải Phòng, hiện đang công tác tại TP.HCM.
Thưa các anh chị, trong mấy ngày qua, tôi có đọc được loạt bài viết phản ánh tình trạng lao động người Nghệ An bị phân biệt, không được nhận vào làm ở các khu công nghiệp tại TP.HCM. Tình trạng này đã diễn ra từ khoảng hơn 10 năm trước. Chuyện này cũng được báo chí nói đến nhiều, tuy nhiên, hầu hết các báo đều không nêu ra được nguồn gốc vấn đề, mặt khác tạo dư luận không hay trên các diễn đàn mạng và trong đời sống.
Đối tượng bị phân biệt không chỉ là người lao động Nghệ An mà thậm chí là cả người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang công tác, học tập trong mọi lĩnh vực.
Với tư cách là người trực tiếp làm công tác nhân sự cho doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên của khu công nghiệp từ những năm 1996, 1997; tôi nghĩ rằng mình cần lên tiếng, đơn giản là nói lên sự thật những gì mình đã trải qua. Vào khoảng thời gian 15, 16 năm trước, doanh nghiệp may xuất khẩu của chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của khu công nghiệp. Toàn bộ lãnh đạo, đốc công đều là người Đài Loan. Tôi là một trong số ít người Việt trong ban lãnh đạo, làm công tác quản lý tuyển dụng và đời sống lao động.
Thời điểm đó, lao động chúng tôi tuyển vào làm chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, một số tỉnh phía Bắc và Miền Tây. Sau một thời gian làm việc, bắt đầu có những mâu thuẫn giữa công ty và anh chị em công nhân. Chủ yếu đó là 3 vấn đề: Làm thêm giờ, cúp lương và đánh đập công nhân.
Khi những mâu thuẫn đó trở nên sâu sắc thì bãi công, biểu tình diễn ra. Và trong hoàn cảnh đó, anh chị em công nhân người Nghệ An là những người đoàn kết lại sớm nhất, kêu gọi được nhiều anh chị em các tỉnh khác nhất để tiến hành bãi công, đòi quyền lợi từ chủ lao động.
Thậm chí, anh chị em công nhân người Nghệ An còn kêu gọi được cả đồng hương đang làm ở các xí nghiệp, phân xưởng khác tiến hành bãi công rầm rộ. Sự việc này không chỉ diễn ra một vài lần.
Nếu xét vị trí công việc của mình cũng như lòng trung thành với doanh nghiệp trả lương cho mình, chắc chắn tôi không thể chấp nhận việc tổ chức bãi công, đình công, “làm loạn”, gây thiệt hại cho doanh nghiệp như thế của lao động Nghệ An.
Nhưng là một người Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào về hành động của họ. Đó là số ít những lao động dám đứng lên. Nhờ có những hành động như vậy mà đầu tiên là quyền lợi của công nhân được đảm bảo.
Mặt khác, những quản lý, đốc công người Đài Loan ít nhiều có sự kiêng dè với công nhân Việt Nam. Hành vi đánh đập công nhân hầu như không còn. Và quan trọng nhất là quản lý người Đài Loan cũng không dám coi thường lao động Việt Nam như trước đây nữa.
Nhưng những hệ lụy cũng từ đó mà gây ra cho lao động Nghệ An. Các doanh nghiệp bắt đầu rỉ tai nhau: “phải coi chừng".
Như vậy, có thể nói việc kỳ thị đối với lao động Nghệ An từ phía doanh nghiệp là bắt nguồn từ việc đó là những người lao động dám đứng lên, đoàn kết đòi quyền lợi chính đáng cho công nhân. Những lời đồn đại, rỉ tai nhau giữa các doanh nghiệp cứ như thế tiếp diễn cho đến tận hôm nay. Sự kỳ thị làm người ta bắt đầu bới móc thậm chí là bịa đặt ra những điều xấu xa để có cớ “an toàn” nhằm loại bỏ lao động người Nghệ An.
Tôi không nói lao động người Nghệ An hoàn toàn tốt nhưng có những cái nhất mà tôi rút ra được sau hơn 15 năm làm việc trực tiếp với công nhân ở khu công nghiệp.
Lao động Nghệ An là những người: học việc nhanh nhất, cần cù lao động nhất, mang được nhiều tiền về quê nhất, trung thành nhất và đoàn kết nhất.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, lao động Nghệ An là những người vừa đoàn kết nhất lại vừa chia rẽ nhất. Tôi thấy một trường hợp phổ biến đó là khi tất cả đều là công nhân thì người lao động Nghệ An đoàn kết, tương trợ, yêu thương nhau hết mực. Nhưng khi có những cá nhân trong số đó có năng lực, cần cù hơn được cất nhắc lên vị trí cao hơn thì chính lao động Nghệ An lại là những người chia bè, kéo cánh để nói xấu, thậm chí là chống đối chính đồng hương của mình.
Trên đây là những gì tôi đã trải qua và đúc rút được trong những năm làm công tác nhân sự ở các khu công nghiệp phía Nam. Tôi không hi vọng giải oan hay đòi công bằng gì cho người Nghệ An, thứ nhất vì tôi biết định kiến là thứ khó thay đổi, và hơn hết là vì tôi tin bản chất của người Nghệ An phải tự thể hiện ra bằng hành động để “minh oan” cho mình.
Cuối cùng, xin chúc các anh chị trong ban biên tập báo điện tử VietNamNet luôn mạnh khỏe để ngày càng có nhiều bài viết hay phục vụ độc giả, nhân dân.
Nguyễn Văn Tuấn (TP.HCM)
Dở khóc dở cười với “chiêu trò” của lao động xứ Nghệ
Hành trình xin việc khốn khổ của một người xứ Nghệ
Không xin nổi việc vì là người... Nghệ An