Hơn 20 năm ngồi ghế thẩm phán, với tôi, chưa bao giờ chuyện ly hôn trong giới trẻ lại dồn dập và đầy ắp thế này. Nhớ ngày mới vào nhận công tác, cả tòa chia nhau vài chục vụ ly hôn mỗi năm, khi con số tăng trên 100 vụ, các thẩm phán đã cảm giác giật mình. Thế mà năm 2012, TAND huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đã thụ lý hơn 420 vụ ly hôn
Nhiều người cho rằng do dân nhập cư nhiều, đẩy số vụ ly hôn tăng vọt. Nhưng không chỉ ở Xuân Lộc, khắp nơi trong cả nước, nơi đâu án ly hôn cũng tăng. Vấn đề không phải là nhập cư hay thường trú, mà căn nguyên chính là giá trị gia đình hiện đang bị xem nhẹ. Người ta, đặc biệt là những người trẻ, không còn trân quý cái gọi là mái ấm, là gia đình nữa. Ý thức xây dựng gia đình của các bạn trẻ hôm nay khá hời hợt. Hơn 60% đôi vợ chồng trẻ được hòa giải đã không trả lời nổi câu hỏi đơn giản của thẩm phán: “Hôn nhân của anh/chị đã trầm trọng tới mức nào?”. Và khi quay về với “quá khứ” trước những câu hỏi: “Quan niệm của anh/chị thế nào về gia đình? Vì sao quyết định kết hôn? Suy nghĩ của anh/chị về vai trò người chồng/người vợ”… Họ “tay đôi” với thẩm phán nhưng cũng chính lúc đó, họ nhận ra mình ngắc ngứ không thể trả lời được.
Nếu trước đây, đa phần nam giới là người nộp đơn ly hôn, thì nay ở TAND huyện Xuân Lộc, tỷ lệ này là 50/50. Nguyên nhân viết trong đơn của các đôi vợ chồng trẻ có thể quy về những lý do sau: Nữ nêu chồng thiếu trách nhiệm, ăn chơi, bạn bè, ít quan tâm gia đình. Nam ghi chung chung là mâu thuẫn gia đình, không hòa hợp tính tình.
Hôn nhân là một việc hệ trọng, ly hôn còn hệ trọng hơn bởi nó có nhiều hệ lụy kéo theo: tài sản, con cái, mối quan hệ… Vì sao người ta dễ ly hôn? Trước tiên có thể khẳng định là do môi trường xã hội phát triển, các mối quan hệ giao tiếp bên ngoài tác động không nhỏ đến giềng mối gia đình. Thứ đến là giá trị gia đình bị lung lay, không còn bền chặt như xưa. Lẽ tất nhiên khi xã hội phát triển, gia đình cũng phải đi theo quy luật chung đó: con người tự chủ, độc lập cao hơn, cái tôi được nâng tầm thì cái gọi là gia đình, là cái chung, cái chúng ta sẽ bị xem nhẹ hơn một chút, dù trong thâm tâm chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Kinh tế phát triển, người nào trong gia đình cũng có thể làm ra tiền nên không ai nể vì ai, khi giận hờn, vợ chồng “dễ ra đi” hơn.
Không thể không kể đến việc phụ nữ ngày nay tính độc lập cao, được ưu tiên nhiều trong công việc xã hội nên các chị có cảm giác tự chủ trong hôn nhân. Cảm giác đó cho các chị suy nghĩ sẽ tự giải quyết được hết mọi điều trong cuộc sống, miễn là dứt khoát được với chồng. Mà đôi khi người trong cuộc lại không thấy đó là sai lầm, nhất là với những phụ nữ trẻ, họ dường như đã mất hết sự nhẫn nhịn, cam chịu so với lớp mẹ, lớp bà họ ngày trước. Đức hy sinh cho chồng con trở thành điều xa xỉ của xã hội hôm nay. Ra đến tòa, hầu hết các chị, các cô đều đổ lỗi: “Anh ta thiếu trách nhiệm vậy, tôi làm sao hạnh phúc?” mà quên rằng mình cũng đã đủ trách nhiệm với gia đình đâu!
Nên nhớ, sự bốc đồng có thể gây rất nhiều sai lầm và ly hôn là việc có thể tránh được. Kìm nén cái tôi, giảm bớt sự bốc đồng, rất có thể các cặp vợ chồng sẽ vượt qua được bước ngoặt quan trọng của hôn nhân. Vì thế, hơn tất cả, đừng bỏ qua bước hòa giải của thẩm phán ở tòa. Không phải chúng tôi già hơn, kinh nghiệm hơn, mà điều chính là chúng tôi luôn nhìn nhận cuộc hôn nhân của các bạn khách quan hơn và có nhiều hướng ra hơn là con đường duy nhất: ly hôn như bạn lầm tưởng và mặc định trong đầu!
Theo Võ Anh Dũng (Phó Chánh án TAND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) - Nguồn Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh
Bạn nghĩ gì về quan điểm này? |