Nikita Như Quỳnh hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Ngoài công việc, chị tất bật đảm nhận vai trò làm mẹ, tỉ mẩn chăm con, chăm sóc gia đình.

Nhắc tới Nikita Như Quỳnh, nhiều người đều nhớ đến chị như một hot blogger trước đây. Hiện tại Quỳnh đang ở Brussels và là một nhà làm phim độc lập, sáng tác. Trò chuyện với chị, điều ấn tượng nhất đó là sự giản dị, cởi mở và vô cùng dịu dàng.

{keywords}

Theo Nikita Như Quỳnh, làm mẹ là phải đủ dũng cảm để hiểu con mình như thế nào.


"Con là phải gần mẹ, cần bú ti mẹ"...

- Chào Quỳnh, bạn là một nhà sản xuất phim, chồng làm Giảng viên đại học ULB, hai vợ chồng bạn điển hình là mẫu gia đình của công việc, sau khi sinh con, cuộc sống, công việc của hai bạn có thay đổi nhiều không?

Profile:

Mẹ Nguyễn Thị Như Quỳnh (Quỳnh de Prelle)

Bé Alexandre de Prelle de la Nieppe, sinh ngày 9/1/2013, tại Brussels.

Chồng mình yêu con, thương vợ, lúc nào anh cũng sợ vợ mệt, vợ vất vả, anh luôn chia sẻ việc gia đình, việc chăm con với vợ. Sau khi sinh Alexandre, công việc của chúng mình được “cắt giảm” một chút xíu để dành thời gian chăm sóc bé.

Anh luôn tạo điều kiện để mình nghỉ ngơi, cứ cuối tuần, anh lại giục mình đi xem phim, shopping với bạn bè. Việc cần làm của mình chỉ là chuẩn bị sữa cho bé ở nhà với bố.

{keywords}

Chồng luôn khuyến khích Quỳnh đi chơi vào cuối tuần, việc cần làm duy nhất là để sữa lại cho bố ở nhà chăm con.


Mình đều chia sẻ với chồng những thông tin, kiến thức về chăm sóc con, anh luôn cập nhật và tìm hiểu thêm nhiều điều để giúp vợ. Tuy sinh ra và lớn lên ở Châu Âu, nhưng anh luôn khuyến khích mình chăm con theo cách tự nhiên: con phải gần mẹ, cần bú ti mẹ,…

May mắn nữa là mình được mẹ chồng giúp đỡ rất nhiều. Bà chuẩn bị hết mọi thứ cho mình trước khi sinh như quần áo, đồ chơi cho bé. Bà có một bảo tàng xinh xắn về đồ của trẻ từ hồi ông ngoại của bố cháu, đến thời của bà và các anh chị em trong gia đình của bố cháu.

{keywords}

Quỳnh được bố mẹ chồng giúp đỡ rất nhiều trong việc chăm con.


Ngay sau khi Alexandre ra đời, có lúc nào bạn thấy bỡ ngỡ, sợ hãi không?

Theo mình, điều đầu tiên là làm mẹ là không nên sợ hãi, nghĩa là mình đủ dũng cảm, hiểu biết chính xác con mình như thế nào. Ví dụ như bé nhà mình, trộm vía chưa lần nào phải dùng kháng sinh, men tiêu hóa hay một loại máy móc nào can thiệp vào đời sống của bé. Nhà mình chăm em bé khá là tự nhiên, điều này 2 vợ chồng đều thống nhất, không lạm dụng các tiện nghi hiện đại cho bé, mà sử dụng sự tiện lợi và điều kiện thoải mái để bé lớn lên tự do nhất.

Thứ hai là nuôi con, chăm sóc con thì phải bình tĩnh, lý trí. Mình không hốt hoảng khi con khóc lâu, khi con sốt, khi con không có số kg "pro" như nhiều bé khác. Lý trí ở đây là tuân thủ những nguyên tắc cơ bản để bé có thời gian biểu tốt nhất cho việc ăn ngủ. Từ tháng thứ 2 bé nhà mình đã có thời gian biểu khá ổn định cho việc ăn ngủ, cứ đến giờ là bé ngủ, tự ngủ, kể cả ngoài đường, hay bất cứ đâu xa lạ, tiếng ồn xung quanh…

Hay như việc khóc của bé, mình luôn biết bé khóc vì đói, vì ngủ, hay vì mệt. Nếu vì muốn ngủ mà bé khóc thì bao giờ mình cũng để bé khóc hết cơn rồi sẽ tự ngủ, chứ không phải thấy con khóc là mẹ cuống cuồng. Theo kinh nghiệm của mình, bé khóc vì mệt thì bố mẹ nên bế bé trên tay với lời yêu thương, xem bé muốn ăn hay ngủ. Khi hiểu con một cách khoa học, bạn sẽ nuôi con rất nhàn và mọi chuyện là hãy từ từ lắng nghe con thế nào, đừng vội vàng quyết định gì, vì có gì nghiêm trọng, việc bạn cần làm đó là gọi cho bác sỹ và đến bệnh viện.

Thứ 3, mình nuôi con bằng linh cảm và bản năng làm mẹ. Điều này, mình có được từ lúc mang thai bé như việc thường xuyên nói chuyện với con, viết nhật ký cho bé. Khi bé chào đời, những gì mình chia sẻ với bé từ trước thì bây giờ vẫn được tiếp tục.

{keywords}

Gia đình thường xuyên cho bé đi du lịch xa, di chuyển tầm 200-300km là chuyện bình thường.


Hơn 4 tháng tuổi, Alexandre đã biết làm gì rồi?

Alexandre đã lẫy được từ lúc 11 tuần, trườn khắp giường. Bé thích thú lắng nghe mẹ kể chuyện, mỗi khi bố mẹ nói “open hand”, bé từ từ mở bàn tay bé xíu ra.

Bé ngủ một mạch từ 8 giờ tối cho tới 5-6 giờ sáng hôm sau. Gia đình thường xuyên cho bé đi du lịch xa, di chuyển tầm 200-300km là chuyện bình thường.

Bắt mình phải sáng tạo để con không nhàm chán

Với Quỳnh, điều gì trong việc chăm sóc con và giáo dục con là quan trọng nhất?

Bố mẹ cháu chủ trương dưới 3 tuổi sẽ chú ý những vấn đề cơ bản cho bé: Vận động, phát triển cơ thể và trí tuệ, cảm xúc, việc ăn và việc ngủ, sức khỏe của bé.

Việc vận động và phát triển cơ thể và trí tuệ, cảm xúc, cụ thể như thế nào vậy?

Mẹ cháu rất hồn nhiên trong việc chăm và nuôi con vì sinh cháu khá dễ. Ngày đầu tiên ở viện, bố cháu bế đứng cháu, đến ngày thứ 2 cháu có thể ngóc cổ nhìn bà nội. Mẹ cháu thì cho cháu nằm úp trên ngực để bú mẹ.

Mình muốn nói một điều rằng mọi việc khi mình ý thức được trong ngưỡng an toàn với bé thì rất tốt cho sự phát triển của bé. Từ tuần thứ 3, mình tập cho bé những động tác với cổ, cơ thể, cho bé nằm úp để bé tập nâng cổ lên, vậy là 11 tuần bé biết lẫy, lật người. Mình thường xuyên mở nhạc, đọc sách cho bé. Chủ trương của mình là khuyến khích bé tự chơi, tự ngủ.

{keywords}

Nói chuyện với bé hàng ngày là một trong những việc bà mẹ này thường xuyên làm.


Với mình, việc tắm cho bé là cả một quy trình nghệ thuật, mở radio, chuẩn bị nước tắm 37 độ với một cái nhiệt kế, thả các đồ chơi như rùa, cá vào chậu, trong khi đó bé nằm trên cái đệm và nhìn mẹ làm các thao tác.

Việc tắm cho bé luôn bắt đầu từ rửa mặt, gội đầu, sau đó cho bé vào bồn nước. Bé lớn dần lên, bé chú ý đến các vật xung quanh, di chuyển cơ thể tốt hơn, việc kỳ cọ chỉ là một trong những việc khi tắm thôi nhé. Lúc bé tắm, mình luôn hướng dẫn bé thoải mái với cơ thể, ví dụ dạy con mở bàn tay ra, thẳng chân ra, không co người nữa… việc tắm cho con của nhà mình từ lúc chuẩn bị đến kết thúc bao giờ cũng trên dưới 1 giờ. Tắm là khoảng thời gian rất tuyệt với bé, việc làm này khiến bé ngủ ngon, ngủ sâu hơn.

{keywords}

Vận động, phát triển cơ thể và trí tuệ, cảm xúc, việc ăn và việc ngủ, sức khỏe của bé được mẹ chú trọng.


Còn về trí tuệ, cảm xúc?

Quỳnh chú trọng việc giao tiếp và tương tác mọi lúc, mọi nơi khi bé thức. Ví dụ, việc thay bỉm trong ngày ở nhà tắm, một không gian rất gần gũi của bé, trong lúc đó, 2 mẹ con sẽ nói chuyện với nhau về những đồ vật xung quanh, mình luôn nói những từ ngắn gọn, đơn giản nhất để bé có thể chú ý và thích thú, một điều không thể thiếu với bé là bất cứ lúc nào trước và khi kết thúc một việc mình đều hôn lên trán bé và nói lời cảm ơn.

Khi bé ra ngoài đi chơi cùng gia đình ở công viên, hay trên ôtô, mình luôn kể cho con nghe đây là cây hoa gì, chúng ta đang ở đâu, có những ai xung quanh, con gà nó như thế nào, hay đến khi dừng ở đèn đỏ là nói với bé tại sao chúng ta không đi tiếp…

Mọi lúc, mọi nơi tương tác như thế, bản thân mình cũng phải hoạt động trí não rất nhiều, có thêm nhiều sáng tạo nữa, cháu thì không buồn chán, từng ngày lớn lên mọi thứ được nhập vào não. Theo mình, điều này sẽ giúp bé dần khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên.

Khi bé bắt đầu giao tiếp và nói chuyện ê a, mình chú ý nhiều hơn đến mắt, nụ cười của bé. Biết chọn thời điểm thích hợp trong ngày để cho bé nghe nhạc, lúc nào đọc sách.

Mình tạo một thời gian biểu cụ thể cho con trong việc ăn, ngủ, mình chịu khó lắng nghe con khóc, chịu khó với những thay đổi của bé để bé thích ứng tốt.

{keywords}

Phải biết chọn thời điểm thích hợp trong ngày để cho bé nghe nhạc, lúc nào đọc sách.


Bé sinh ra và lớn lên ở Brussel, có khi nào bạn lo lắng con sẽ không biết tiếng Việt không?

Mình không lo lắng về điều này. Ngày nào mình cũng hát ru cho bé bằng tiếng Việt để bé nhận biết ngôn ngữ mẹ đẻ. Mình nói chuyện với bé thường xuyên, vì thế, bé biết nói chuyện từ rất sớm, bây giờ thì ê a suốt ngày, trước khi ngủ cũng tự ru ngủ bằng cách ê a, rồi thì thầm một mình và ngủ.

Tin vào sự chỉ dẫn của bác sỹ và bản năng làm mẹ của mình

Sau khi sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ, Quỳnh có gặp khó khăn gì không?

Alexandre ăn sữa mẹ đến 90%, 10% ăn sữa ngoài vì mình và chồng đều thống nhất cho bé thích ứng thêm bú bình để tạo thuận lợi cho cả mẹ và bé.

Hiện tại, bé được 7kg, dài 65cm, bé khá dài so với thời gian tuổi 4 tháng của mình, và cũng không mập như nhiều bạn khác. Alexandre mê ti mẹ từ lúc ở bệnh viện, đến bây giờ vẫn vậy.

Tuần đầu tiên về nhà, đầu ti mình bị nứt, rất đau, em bé bú là chảy máu, bác sĩ đến và tư vấn cách cho bé ăn đúng tư thế. Quả nhiên, khi cho bé ti đúng cách, ngoài việc mẹ không bị đau, bé ăn ngoan, mẹ lại còn có nhiều sữa nữa.

Theo kinh nghiệm của mình, chỉ dẫn của bác sỹ là sự tin cậy đầu tiên trong việc chăm sóc bé, bác sỹ như bà tiên vậy, mình hay nói thế với chồng.

Những phương pháp nuôi con khoa học này bạn biết được qua đâu?

Quỳnh có cả một quy trình 9 tháng cơ bản về việc mang thai, chăm sóc thai nhi ở một nơi có điều kiện tốt như Brussels, rồi khi sinh con, cũng có nhiều may mắn về việc sẽ chăm em bé thế nào, quy trình ra sao… Đặc biệt, Alexandre khá là thương mẹ nên hợp tác với mẹ rất tốt để 2 mẹ con cùng nhau học hỏi, thay đổi, thích ứng với nhau.

Ngoài ra, trong tủ sách nhà mình, có đầy đủ sách về quá trình mang thai, nuôi dạy bé. Có 3 cuốn mình rất thích là cuốn của Anh về khoa học chăm sóc bé và quá trình mang thai, cuốn của Mỹ khá cơ bản và dễ hiểu, cuốn của Pháp thì đúng như truyền thống Châu Âu, phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Thông tin qua internet như các diễn đàn dành cho mẹ và bé ở Việt Nam và của các nhóm các mẹ trên facebook cũng vô cùng hữu ích. Thêm vào đó, mình cần tin vào bản năng làm mẹ của mình nữa.

Cảm ơn Quỳnh rất nhiều về cuộc nói chuyện này. Chúc bé Alexandre ngoan ngoãn, chóng lớn.

{keywords}

Vì nói chuyện với con thường xuyên nên bé biết ê a từ rất sớm.


(Theo Afamily/TTVN)