Ly hôn là phương án cuối cùng để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bế tắc, khó có thể chung sống được nữa với nhau. Tôi đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, với tốc độ ly hôn chóng mặt như hiện nay, đòi hỏi phải đánh giá lại thế nào là bế tắc, không còn có thể chung sống cùng nhau.
Thực tế, có nhiều cặp vợ chồng, chỉ vì chuyện nhỏ như… con thỏ cũng vội vàng nghĩ đến ly hôn. Xu hướng này gia tăng trong nhiều gia đình trẻ, chỉ hơi tí là họ đòi bỏ nhau.
Xuân - cháu gái tôi, 26 tuổi, đã ly hôn cách đây bảy tháng chỉ sau hai năm kết hôn. Vợ chồng Xuân đều là mối tình đầu của nhau từ thời đại học. Ra trường, Xuân may mắn làm việc cho một công ty nước ngoài, lương cao; trong khi chồng Xuân vẫn loay hoay với các công việc tạm bợ, thời vụ, lương thấp. Chỉ mỗi độ chênh nhau giữa mức thu nhập mà hai đứa ba ngày trận nhỏ, bảy ngày trận to, cãi nhau ỏm tỏi. Gia đình Xuân không mấy khá giả, nên chuyện “cân đong” giữa vai trò chữ hiếu với lo lắng cho chồng khiến Xuân hay cáu gắt, tỏ vẻ coi thường chồng. Xuân thường so sánh chồng với bạn bè, đồng nghiệp khiến chồng tổn thương, tự ái. Một bữa cãi nhau to, nguyên nhân vì Xuân âm thầm đi phá thai, biện minh là cuộc sống không ổn định, chồng không lo nổi chồng thì sinh con ai… nuôi. Trong trận cãi, không phải chồng mà chính Xuân đập tan tành từ chén bát, nồi niêu đến ti vi, tủ lạnh, bạo miệng la lớn: “Tôi sắm được thì đập được!”. Bị bạt tai, Xuân quy kết chồng vừa bất tài vừa vũ phu, không thể nào sống chung được nữa nên ly hôn. Mới đây, Xuân tỏ ra rất… sốc và phần nào thấy mình dại dột (vì còn rất yêu chồng) khi biết chồng mới vào làm nửa năm đã được đề bạt chức trưởng phòng tổ chức một công ty truyền hình cáp và đang hẹn hò cô gái khác.
Tháng trước, Lan - bạn tôi điện thoại than: “Không hiểu sao hồi đó mình bỏ Vinh. Ngẫm nghĩ, mâu thuẫn giữa hai đứa bé xíu mà lúc đó sao thấy bế tắc quá. Mình còn yêu Vinh lắm”. Sau một năm kết hôn, Lan vẫn không có con. Trước khi đến với nhau, Vinh biết Lan đã trải qua nhiều mối tình, có giai đoạn chung sống như vợ chồng. Khi không thấy “động tĩnh”, Lan âm thầm đi khám. Mừng rỡ vì mình… bình thường, Lan quay sang động viên chồng đi khám. Vinh bảo thủ, tin mình là đàn ông “chính hiệu” nên không chịu. Nhiều lần Vinh bóng gió chuyện thời trẻ Lan sống buông thả khiến Lan điên tiết. Một bữa cãi nhau vì chuyện đó, Lan thách: “Vậy tôi ngoại tình, để xem là lỗi tôi hay anh”. Tự ái nổi dậy, Vinh chấp nhận. Lan thấy tổn thương vì chồng quá coi thường nên đề nghị ly hôn. Giờ Linh chia sẻ: “Cái tôi của mình khi ấy lớn quá nên không chịu xuống nước năn nỉ hoặc nhờ ba mẹ tác động Vinh. Nếu bề gì thì xin con nuôi có sao đâu”.
Sự nóng vội, cạn nghĩ và ích kỷ, sống thiếu bao dung và thấu cảm khiến các cặp vợ chồng trẻ luôn cho rằng ly hôn là phép giải mỗi khi “đụng” chuyện. Nếu để ý và chịu khó phân tích khúc mắc, mâu thuẫn, sẽ thấy vấn đề là không khó tháo gỡ. Ly hôn có là lối thoát? Tôi rất tâm đắc với tên gọi của diễn đàn này, bởi thực tế, nhiều cuộc ly hôn mở ra một cánh cửa dằn vặt, tiếc nuối, hối hận hơn là thanh thản, bình yên.
Theo báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh