Bởi lẽ, chẳng ai không ngạc nhiên khi chàng thanh niên hiền lành tử tế, chăm
chỉ lại bỏ nhà đến sống chung với một bà già hơn mình 25 tuổi.
Nhiều người dân tộc Dao nơi đây hoài nghi, chàng trai bị bỏ "bùa yêu" nên trở
thành mê muội, quên lối về. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, PV đã tìm về thôn
Khe Lèn, nơi cặp vợ chồng kỳ lạ này đang sinh sống...
Người dân sợ “bùa” không đến gần
Câu chuyện cậu thanh niên trẻ khỏe, đẹp trai đi yêu bà già tuổi xế chiều chúng
tôi được nghe trong chuyến công tác ở huyện miền núi Sơn Động (Bắc Giang). Người
dân nơi đây chẳng xa lạ gì với cặp vợ chồng này, bởi sau ngày mùa vụ, họ thường
kéo nhau sang xã Đông Lâm, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) để chặt keo thuê. Thậm
chí, họ ở lại cả tháng trời nên chuyện này ở địa phương ai cũng rõ.
Khi chúng tôi ngỏ ý nhờ dẫn đường đến thôn Khe Lèn (xã Đông Lâm, huyện Hoành Bồ)
để tìm hiểu thực hư câu chuyện thì ai cũng chối đây đẩy. Họ bảo sợ đưa sang nhà
bà ấy lại bỏ "bùa yêu" thì cả đời không có đường về nhà. Khi chúng tôi vẫn một
mực muốn đến tận nơi của đôi vợ chồng này thì được một trai bản nhận lời đưa
sang bên xã Đông Lâm. Lúc này anh ta cũng đang ngà ngà men rượu nên mới sẵn sàng
đi cùng.
Bà Bàn Thị Năm đang ngồi tâm sự về việc ở cùng người đàn ông kém mình tới 25 tuổi. |
Trước lúc đi, người chủ nhà cho chúng tôi ngủ nhờ hôm trước dặn dò rất kỹ lưỡng,
nhớ mang theo quả ớt, củ tỏi bỏ vào túi áo để đề phòng người ta bỏ "bùa". Họ lý
giải, khi nhìn thấy hai thứ này người có bùa rất sợ và sẽ không dám bỏ bùa cho
mình nữa.
Từ cuối huyện Sơn Động (Bắc Giang), vượt qua chặng đường đèo núi dài hơn 30km
chúng tôi đã đặt chân tới đất Quảng Ninh. Con đèo Họa My chót vót uốn lượn quanh
một quả núi, nhìn sang núi bên kia, mây trắng lượn lờ. Chàng thanh niên trong
bản khá quen thuộc đường đất ở đây nên dù liên tục gặp đoạn cua ngoặt, gấp khúc
nhưng vẫn chạy xe an toàn. Anh ta bảo, ở đây nhiều dốc đứng, chỉ cần sểnh tay
lái có thể bị lao xuống vực sâu.
Con đường đất dẫn vào thôn Khe Lèn, xã Đông Lâm (Hoành Bồ - Quảng Ninh ) mới
trải qua trận mưa nên đường trơn trượt, khó đi. Ngồi nghỉ trong quán nước bên vệ
đường, khi nghe chúng tôi nhắc tới câu chuyện "vợ già, chồng trẻ", tất thảy mọi
người xung quanh đều nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Bà chủ quán tên Sùng nói
thêm: "Muốn vào nhà hai vợ chồng ấy các anh cứ đi thẳng vài trăm mét, chỗ có
ngôi nhà nằm chơ vơ ngay bên sườn núi. Vào thì cẩn thận kẻo quên đường về"?!.
Khi gần đến nơi, cậu trai bản dẫn đường không dám theo chúng tôi vào nhà mà ngồi
ở ngoài đường chờ. Có lẽ trong đầu anh ta bị ám ảnh thứ "bùa yêu" có thể bị dính
bùa bất cứ lúc nào từ lời đồn thổi của người dân. Rất may khi chúng tôi đến, cả
hai vợ chồng đều có nhà. Cặp tình nhân độc đáo "vợ già, chồng trẻ" này tên thật
là bà Bàn Thị Năm (sinh năm 1955), còn người chồng là Triệu Đức Long (sinh năm
1980). Hai người sống trong căn nhà nhỏ lợp mái tôn ở ngay bên đường, ven con
suối nước chảy róc rách.
Băng rừng, vượt bão đến với vợ yêu
Thấy chúng tôi đến, bà Năm niềm nở mời khách vào nhà uống nước. Nghe hỏi chuyện,
bà tâm sự: "Trước đây, tôi cũng có một người chồng tên Triệu Đức Hình, người ở
đây. Ông Hình bị viêm phổi ốm nằm liệt giường cả năm trời, thuốc thang cũng vô
phương cứu chữa. Thời gian ấy, đứa con trai tôi thỉnh thoảng hay dẫn bạn về
chơi. Cậu thanh niên Triệu Đức Long (giờ là chồng của bà Năm - PV) vẫn thường
hay qua lại nhà và chăm sóc cho ông nhà tôi lúc bạo bệnh".
Bà Năm kể thêm: "Chồng tôi khi ấy thương người vợ của mình chăm sóc chu đáo, tận
tình lúc đau ốm nên trước khi mất, ông Hình đã dặn dò khi nào ông qua đời thì
tôi tìm một người chồng tốt về ở cùng để còn giúp đỡ lúc về già. Chả hiểu duyên
số đưa đẩy thế nào, chưa đầy một năm sau ông Hình mất, lúc đó vào năm 2001, đã
có người về nhà giúp đỡ tôi. Đó là Triệu Đức Long sinh năm 1980 nhà ở thôn Cài,
xã Đông Lâm, người cùng xã với gia đình. Lúc đó, Long mới có 21 tuổi. Lúc đó cậu
ta rất nhếch nhác, trên người chỉ có bộ quần áo rách và luôn đeo theo con dao
chặt mà người đi rừng hay mang theo. Qua lại được một thời gian cậu ấy bảo muốn
ở lại đây chăm sóc và phụ giúp công việc cùng tôi. Biết cậu ấy hiểu và chia sẻ
với tôi, vả lại tôi lại ở một mình một nhà bên sườn núi nên chẳng có gì mà phải
từ chối".
Người chồng trẻ Triệu Đức Long đang giúp vợ làm chuồng gà ở phía rìa rừng sau nhà. |
Khi nghe tin người dân bàn tán xôn xao về con trai mình sống với người đàn bà
hơn 40 tuổi, ông Triệu Tiến Hậu - bố của Long đã nhiều lần đến
khuyên ngăn, bắt về nhà. Bản thân bà Năm còn già hơn bố mẹ Long cả chục tuổi,
thế nên cả gia đình không ai đồng ý. Thế nhưng về nhà chưa được một ngày, Long
lại bỏ sang nhà bà Năm ở. Có hôm vừa bị bố mẹ, anh em bắt về nhà, tối đến mặc dù
trời mưa sấm chớp nhưng Long vẫn vượt rừng để ra với bà Năm.
Nghĩ về người chồng trẻ Triệu Đức Long, bà Năm thở dài cho biết: "Gia đình Long
có 4 anh em trai, nhà nghèo nên chưa ai lấy vợ. Đói ăn triền miên, nên lúc nào
cũng phải đong từng cân gạo. Ngôi nhà gia đình Long đang ở cũng được Nhà nước hỗ
trợ cho để xây. Nhiều khi nghĩ khổ tâm lắm, nhưng gia đình tôi cũng chẳng khá
giả gì nên không giúp đỡ đằng nội được nhiều".
An phận, bằng lòng
Tiếp xúc với phóng viên, Triệu Đức Long chững chạc và già dặn hơn nhiều so
với tuổi của mình. Qua cuộc trò chuyện cho thấy Long khá hiền lành, hơi trầm
tính. Khi được hỏi Long có hay về nhà bố mẹ đẻ không, anh ngồi trầm ngâm một
lúc, rồi chỉ nhoẻn miệng cười trừ. Để tránh ánh mắt để ý của mọi người, Long cúi
xuống lấy điếu cày hút sâu một hơi thuốc lào. Một lúc sau khi khuôn mặt đã giãn
ra, Long nói: "Thi thoảng cũng về thăm nhà nhưng về được một lúc thôi, xong lại
đi luôn. Gia đình nghèo khó, nhưng ai cũng lớn rồi tự làm ăn, cũng không giúp đỡ
được cái gì. Biết vợ tôi nhiều tuổi, già rồi nhưng tôi vẫn yêu, chẳng muốn đi
đâu xa cả".
Giờ đây, cuộc sống của "vợ già, chồng trẻ" khá tươm tất, kinh tế gia đình chủ
yếu thu nhập vào ngô, sắn và trồng keo. Thi thoảng Long lại đèo bà Năm đi chợ
mua bánh kẹo, đường, sữa, trứng, gà, thịt về bán lẻ cho người dân ở trong bản.
Ngày mùa, hai người lên nương gặt hái, lúc rảnh thì cùng vào rừng nhặt củi khô
về đun nấu.
"Thấy Long hiền lành, chăm chỉ làm ăn, tôi lại có sẵn đất ruộng nương nên chúng
tôi bảo nhau làm ăn. Vì công sức lao động cả hai cùng làm nên khi thu hoạch mùa
hoặc tiền từ trồng cây keo chúng tôi đều chia phần cho nhau. Ngày trước, Long
nhìn đói khổ lắm, người gầy ốm. Giờ thì có áo mặc, cơm no, có xe máy để đi lại
nên cuộc sống cũng bớt vất vả. Nhiều lúc tôi bảo Long về nhà bố mẹ đẻ, nhưng
Long nói ở đây cuộc sống cũng tốt, quen rồi nên chẳng muốn về", bà Bàn Thị Năm
nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Bàn Văn Đường, trưởng thôn Khe Lèn, xã Đông Lâm cho
biết: "Triệu Đức Long chuyển đến ở với bà Bàn Thị Năm khi anh này chưa lập gia
đình còn bà Năm thì ở một mình. Ban đầu thấy lạ và người dân hay bàn tán nên
chính quyền địa phương cũng đến giải thích tư tưởng cho Long nên nghĩ đến tương
lai. Khuyên anh nên về nhà làm kinh tế, lấy vợ sinh con để sau này đỡ khổ, thế
nhưng anh ấy chẳng nghe. Về phía Nhà nước cũng không cho phép sinh sống với nhau
như thế đâu, nhưng về góc độ tình cảm hai người đến với nhau tự nguyện nên chúng
tôi cũng không can thiệp sâu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”.
Nghi vấn bà Năm dùng "bùa yêu"?
Giải thích về việc khi bố mẹ bắt về nhà, mặc dù vào ban đêm trời mưa to sấm chớp nhưng Long vẫn vượt núi để trở về nhà bà Năm, ông Bàn Văn Đường cho biết thêm: Người dân ở đây thuộc dân tộc Dao, về chuyện bùa yêu, ngày trước rất phổ biến. Tôi không dám khẳng định là bà Năm có sử dụng bùa yêu hay được chị gái truyền bùa yêu cho như mọi người vẫn thường hay đồn thổi. Tuy nhiên, qua thời gian dài sinh sống, anh Long vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và tỉnh táo bình thường. Hai người họ tuy ít giao tiếp với người ngoài, nhưng chẳng mấy khi làng xóm thấy họ to tiếng, cãi vã nhau. |
(Theo Người đưa tin)