Tôi đã học được cách dạy con thành người tiêu dùng thông thái cực hay từ một mẹ người Singapore.

Dạy trẻ cách tiêu tiền luôn là vấn đề làm tôi bối rối, nhưng từ ngày "thỉnh giáo" cô bạn ngoại quốc của mình, tôi đã không còn phải băn khoăn nhiều nữa.

Việc cho trẻ tiền và quản lý chi tiêu của con luôn làm không ít các ông bố bà mẹ đau đầu. Nhất là trong xã hội hiện nay, khi người lớn quá bận rộn với hàng tỉ thứ việc và không có thời gian quan tâm chăm lo đến con thì việc đưa cho trẻ tiền để con tự mua lại càng trở nên phổ biến. Cũng chính vì vậy là ta bắt gặp không ít những em bé mới 3-4 tuổi đã biết xin tiền, biết tự cầm tiền đi mua bánh kẹo, đồ chơi. Đương nhiên, việc cho con tiêu tiền và cầm tiền không phải là xấu. Thậm chí thông qua đó, chúng ta còn có thể dạy con cách tiết kiệm và quản lý tiền bạc ngay từ tấm bé. Tuy nhiên, làm sao và như thế nào thì không phải ông bố bà mẹ nào cũng biết cách.

Tôi xin kể ra đây một trải nghiệm cực kỳ thú vị của bản thân khi đến ở 'homestay' tại một gia đình người Singapore trong vòng 1 tuần.

Julia là một trong những người bạn ngoại quốc tôi biết thông qua mạng xã hội facebook. Cô bạn kết hôn đã được 7 năm và có một cậu con trai năm nay vào tiểu học. Nhân dịp hè, Julia cùng chồng mời tôi sang Singapore chơi và ở homestay tại nhà cô ấy. Tôi rất hào hứng với chuyến đi này và muốn khám phá về phương pháp dạy dỗ con cái của người Singapore. Cũng là để hiểu lý do tại sao rất nhiều ông bố bà mẹ hiện nay muốn gửi gắm con mình vào những trường quốc tế Sing tại Việt Nam hay thậm chí là cho con sang Singapore du học.

Ngay hôm đầu tiên tôi đến nhà Julia, tôi đã rất chú ý đến một tờ giấy nhiều màu sắc được dán ngay trong góc học tập của Ben – con trai Julia. Trong tờ giấy đó, tôi quan sát thấy có những dòng ghi mục tiêu ngắn hạn của Ben là sách truyện, đồ chơi, đĩa phim - những khoản cậu nhóc hoàn toàn có thể mua trong tuần hoặc trong tháng. Ngoài ra có các mục tiêu dài hạn như một cây ghi ta, xe đạp mới - những hạng mục mà theo tôi nhận thấy muốn có thì phải tính bằng đơn vị năm.

Khi tôi hỏi Ben về tờ giấy này, cậu bé hào hứng cho tôi biết rằng: Đây chính là danh sách những thứ Ben đã cùng mẹ soạn thảo và tính toán từng khoản tiền cho mỗi hạng mục. Cậu bé đã tự lên kế hoạch tiết kiệm để có thể mua được những gì mình thích mà không cần phải xin xỏ người lớn. Ben tỏ ra vô cùng tự hào khi được tự “hoạch định tài chính” cho bản thân.

{keywords}
Trẻ nhỏ luôn thích được tự hoạch định tài chính và mua sắm cho bản thân (ảnh minh họa)

Nhớ về cậu con trai Nhật Minh của tôi ở nhà - một “cậu ấm” chính hiệu luôn được ông bà nội chiều chuộng hết mực - con có đủ các loại đồ chơi, rô bốt, máy bay, tàu lượn... do ông bà cho tiền thoải mái mua không cần nghĩ. Tôi và ông xã thì thường xuyên đau đầu vì thói vòi vĩnh tiền bạc và tiêu xài hoang phí con. Tôi quyết tâm học hỏi Julia cách dạy con tiêu tiền.

Cô nàng đương nhiên cũng chẳng “ki bo” gì bí quyết của mình. Julia chia sẻ với tôi rằng tờ giấy hoạch định mục tiêu của Ben ở trong phòng cũng chính là một phần của phương pháp dạy con này. Cho trẻ tiền không hề xấu, cái chính là ta cần cùng con lên danh sách những gì muốn mua và dạy con cách tiêu tiền có trách nhiệm. Mỗi tuần, Ben đều trích ½ số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho “kế hoạch lớn”. Số còn lại, Julia để con trai tự quyết định mua sắm.

Vậy là cuối tuần đấy, tôi được cùng cả gia đình Julia đi siêu thị để “ngó nghiêng” cách Ben tiêu tiền. Cậu bé mang theo cả danh sách đồ chơi mình muốn mua và rất sung sướng khi nhìn thấy tất cả trước mắt mình.

Ban đầu, Ben muốn mua tất cả ngay lập tức. Nhưng Julia đã dẫn con đi một vòng để so sánh giá cả giữa các mặt hàng và chỉ cho cậu bé thấy nên chọn hãng nào, ưu điểm của từng loại đồ ra sao. Tuy đã lựa chọn rất cẩn thận nhưng Ben vẫn không đủ tiền mua hết những thứ trong danh sách.

Thấy cậu bé buồn, tôi ngỏ ý với Julia sẽ cho Ben ít tiền nhưng cô nàng gạt đi. Julia nói với tôi rằng “Bố mẹ hoàn toàn có thể mua cho con cái những thứ chúng thích nhưng việc tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng mình kiếm được”. Sau đó Ben đã cân nhắc rất nhiều và quyết định mua chiếc balo và để lại bộ xếp hình khi biết nó sẽ được giảm giá 20% vào tháng tới. Julia lúc đó mới chia sẻ với tôi rằng cô nàng muốn con phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn. Như Ben sắp chuẩn bị đi học tiểu học, vậy cậu bé cần phải mua một chiếc ba lô còn bộ xếp hình, đó chỉ là mong muốn nhất thời của con và hoàn toàn có thể thực hiện vào lúc khác.

Julia còn “bật mí”: một điều không kém phần quan trọng trong việc dạy trẻ cách tiêu tiền tiết kiệm, đó là bố mẹ phải làm gương cho trẻ. Thiết nghĩ tiết kiệm không phải là điều đáng quý ở trẻ, mà còn là ở cả người lớn. Mỗi khi mua đồ mới cho gia đình, Julia luôn hỏi ý kiến Ben để bé thấy mình được tôn trọng và là một “thành-viên-người-lớn” trong gia đình. Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi có lần thấy Ben còn góp ý với mẹ rằng việc mua tủ lạnh là không cần thiết vì tủ lạnh nhà mình vẫn dùng tốt, hoặc nhắc nhở bố vì bố quên tắt điện.

Thật đáng nể một cậu nhóc tuy mới 6 tuổi mà đã biết bỏ lợn, biết tiết kiệm và biết đắn đo khi đứng trước mỗi món đồ chơi, thậm chí biết nhắc nhở bố mẹ tiết kiệm tiền trong gia đình.

Khi tôi kể lại phương pháp này với chồng, anh cũng rất ủng hộ và thậm chí còn đi mua ngay cho Nhật Minh một chiếc ví nho nhỏ và một con lợn đất. Chúng tôi cũng đã dùng “bí kíp” của mẹ Sing để biến con thành “nhà tiêu dùng thông thái”.

Theo tôi, chặng đường nuôi dạy con cái sao cho nên người hãy còn nhiều gian nan. Chúng ta phải học hỏi lẫn nhau và đừng dè chừng những rào cản phương Đông - phương Tây, những “theo nội” hay là “sính ngoại”. Bởi trong trường hợp này một người mẹ ngoại quốc đã tặng tôi một bài học thú vị và vô cùng hiệu quả.

(Theo Khampha.vn)