“Sự nhẫn nhịn của người đàn bà, sự quảng đại, bao dung của người đàn ông, cùng muốn thay đổi trở nên tốt đẹp hơn, san sẻ với nhau cho cuộc sống vợ chồng hòa thuận chính là chìa khóa hạnh phúc của mọi gia đình, trong mọi hoàn cảnh xã hội” – TS Tâm lý học Nguyễn Lệ Hằng (Giám đốc Trung tâm Phát triển tâm lý trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình) chia sẻ với VietNamNet trong ngày Gia đình Việt Nam.

“Gia đình hiện đại rất nhạy cảm”

Làm việc trong lĩnh vực tâm lý trẻ em và gia đình, TS Lệ Hằng thường xuyên chứng kiến những trục trặc, khủng hoảng trong hôn nhân gia đình, trong đó phần đông là những gia đình trẻ. Các xung đột phổ biến là vợ/ chồng ngoại tình, mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con, rạn nứt do yếu tố kinh tế, các thành viên trong gia đình khó nói chuyện cùng nhau, thậm chí đối đầu trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Bà chỉ ra, nhiều gia đình trẻ, tuy vẫn gặp mặt hằng ngày nhưng vợ chồng – con cái giao tiếp rất ít, thậm chí khó cất lời với nhau, thời gian chăm sóc, yêu thương hầu như không có hoặc rất ít. Đàn ông Việt Nam vẫn nặng tính gia trưởng, còn phụ nữ Việt Nam mang tư tưởng “bình quyền” vào tổ ấm nên hay xảy ra cãi vã, tranh giành quyền ảnh hưởng dù là trong những việc nhỏ nhặt trong nhà.

{keywords}

TS Lệ Hằng (bên trái) cùng chồng và cháu nội

Ngoài ra, trong hoàn cảnh kinh tế thị trường phát triển một cách chóng mặt, sự du nhập văn hóa ngoại quốc, tự do kết hôn, ly hôn… được pháp luật tôn trọng khiến cho mối cam kết hôn nhân dường như lỏng lẻo hơn, nhiều người chưa ý thức hết được những hậu quả khó lường khi hôn nhân tan vỡ.

So sánh gia đình trẻ với gia đình truyền thống, TS Lệ Hằng cho rằng, vì những yếu tố trên mà sự bền vững của gia đình hiện đại bị đe dọa, tỉ lệ đổ vỡ trong hôn nhân gia tăng, con người dường như thiếu tin tưởng vào hôn nhân, dễ dàng chấp nhận những gia đình khiếm khuyết như làm mẹ đơn thân, ly hôn thậm chí là quyết định không kết hôn.

“Gia đình hiện đại rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Trước đây, một gia đình truyền thống với nhiều thế hệ sống chung thường có tôn ti trật tự, những giá trị văn hóa được bồi đắp như “kính trên nhường dưới”, có được sự chia sẻ, điều hòa trong nếp sống và ứng xử giữa các thành viên ông bà - cha mẹ - con cái.

Còn một gia đình hiện đại chỉ có cha mẹ - con cái… tuy được độc lập về kinh tế, tự do về không gian nhưng thiểu hẳn đi cái phông văn hóa truyền thống, thiếu đi một “nếp nhà” cần thiết để tiết chế những mâu thuẫn, xoa dịu và giải quyết những bất đồng. Người trẻ khi đứng trước quyết định lập gia đình chưa biết cách trang bị kiến thức, kỹ năng khoa học và tâm lý để đối diện với những vấn đề phức tạp hậu hôn nhân” - TS Lệ Hằng phân tích.

Chìa khóa cho gia đình hạnh phúc

Bàn về “gia đình Việt Nam hiện đại”, TS Lệ Hằng cho rằng, không có bất cứ mô hình kiểu mẫu nào cho một gia đình, nhất là trong hoàn cảnh xã hội bị phân hóa mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay.

Bà chia sẻ: “Mọi yếu tố kiểu mẫu dạng “một vợ - hai con - nhà ba tầng - xe bốn bánh” đều có nguy cơ đặt ra những giá trị đẩy con người phải phấn đấu và lựa chọn và đánh đổi. Thay vì tìm kiếm những “kiểu mẫu”, mỗi người nên xác định cho mình những quan niệm về gia đình.

Trong cuộc sống, không ít người theo đuổi tiền bạc, nhưng cuối đời nhìn lại cảm thấy trống rỗng, chẳng có gì bên mình. Không ít người theo đuổi danh vọng, sẵn sàng hi sinh, bất chấp tất cả, kể cả vợ - để có địa vị, chức tước, nhưng cuối cùng lại sống trong dằn vặt, ân hận. Nhưng cũng không ít người, tiền tài hay danh vọng đều không cần nhắm đến, mức sống chỉ ở mức trung bình thôi song họ có vợ con sum vầy, hòa thuận, đó là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được.

Cá nhân tôi luôn tâm niệm: Gia đình là trên hết. Điều này có nghĩa, khi bước vào hôn nhân, người phụ nữ hoặc người đàn ông luôn phải tâm niệm vợ hoặc chồng mình, con mình là ưu tiên lớn nhất trong cuộc sống.

Không cần điều gì to tát, chỉ cần chữ “nhẫn” của người vợ, chữ “quảng” của người chồng và sự đồng tâm cùng thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn, san sẻ với nhau trong cuộc sống chính là bí quyết hạnh phúc.

“Quảng” ở đây là quảng đại, bao dung, không chấp nhặt những sai sót, lầm lỗi của vợ. Còn “Nhẫn” ở đây không phải là cam chịu, nhẫn nhục mà là nhẫn nhịn, khéo léo trong lời ăn tiếng nói, hành xử thường ngày.

Ở Việt Nam, đạo Mẫu rất quan trọng, và tôi tin rằng, trong hôn nhân, người đàn bà đôi khi có vai trò như chìa khóa tháo gỡ tất cả. Người vợ không nên bốp chát, cãi vã với chồng mà phải là người “tháo ngòi nổ”, vun vén cho gia đình được thuận hòa”. Tất cả những điều này đều là kiến thức, là văn hóa, phải học, phải để tâm mới có được”.

Minh Tâm

Bạn nghĩ gì quan điểm về gia đình và hạnh phúc của TS Nguyễn Lệ Hằng? Mọi ý kiến, phản hồi xin gửi theo mẫu dưới đây hoặc email doisong@vietnamnet.vn! Trân trọng cảm ơn!