Có lần tôi hỏi một anh bạn trẻ lâu ngày không gặp tình hình vợ con thế nào? Anh ta cười thản nhiên: “Chúng em ly hôn từ hai tháng nay rồi!”. Tôi thật sự ngạc nhiên vì mới đi dự đám cưới của họ cách đây vài năm. Thấy vẻ sửng sốt của tôi, anh ta lại cười vô tư: “Chuyện nhỏ mà anh, không hợp nhau thì giải tán, sống thêm làm gì cho khổ”.

Có lẽ người đàn ông trẻ tuổi này không biết là sự tan vỡ một cuộc hôn nhân không bao giờ là chuyện nhỏ. Nó còn liên quan đến những thành viên mở rộng của gia đình, khiến những người thân của họ cũng đau lòng. Tôi có một ông bạn già chỉ không gặp độ hai tháng mà tóc ông ta đang đen chuyển thành bạc. Hỏi sao tóc bạc nhanh thế? Ông thở dài: “Buồn lắm, mất ngủ triền miên”. Hỏi ra mới biết, ông có hai người con một trai, một gái đều đã xây dựng gia đình, nhưng chưa được ba năm thì cả hai đều đưa nhau ra tòa ly hôn, để lại ba đứa cháu nội và ngoại của ông ngơ ngác.

{keywords}
Ảnh minh họa

Sau khi hôn nhân tan vỡ, nhiều chị em dang dở cuộc đời, việc “đi bước nữa” đối với người phụ nữ nước ta còn gặp rất nhiều trở ngại. Theo một nghiên cứu ở tỉnh Quảng Ninh cách đây sáu năm, tỷ lệ phụ nữ ly hôn chính thức kết hôn lần nữa chỉ chiếm có 17%. Hầu hết họ trở thành bà mẹ đơn thân, nuôi con một mình. Nhìn trên bình diện xã hội, làn sóng ly hôn hiện nay đang gây hệ lụy cho không ít người và đáng thương nhất là những đứa trẻ bỗng nhiên “mất” cha hoặc mẹ.

Một vị thẩm phán từng xử nhiều vụ ly hôn ở Hà Nội cho biết, tỷ lệ những cuộc “ly hôn xanh”, tức là chỉ mới kết hôn độ ba năm trở lại, mà tan vỡ do bi kịch thực sự của gia đình chỉ chiếm không đến 20%. Còn lại là những đôi tan vỡ một cách đáng tiếc, có khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, thậm chí trong cơn tức giận họ thách nhau làm đơn ly hôn. Một anh làm nghề lái ô tô con cho “sếp”, do công ty làm ăn thua lỗ nên thành thất nghiệp. Buổi tối ngồi buồn, anh hay cùng mấy ông bạn đánh cờ đến khuya. Một hôm anh ta về nhà hơi muộn, bấm chuông mãi vợ không chịu mở cửa. Anh ta giận quá đập cửa thình thình, khiến vợ không mở không được. Vừa trông thấy vợ, anh ta thẳng tay tát luôn một cái. Người vợ uất quá, rút điện thoại gọi tắc-xi đưa con về nhà mẹ ruột. Từ hôm đó, hai bên toàn cãi nhau qua điện thoại. Được gần chục hôm thì họ thách nhau làm đơn ly hôn, đưa ra tòa. Tòa hòa giải hai, ba lần nhưng cả hai đều cho là mình đúng, người kia sai, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng tòa đành phải xử cho họ thuận tình ly hôn, đứa con ở với mẹ. Bây giờ, nhớ con, cứ buổi chiều là anh chồng lại lảng vảng gần nhà vợ, đứng nấp gốc cây nhìn đứa con từ xa.

Sau nhiều năm làm tư vấn hôn nhân tôi nhận ra, có những đôi ly hôn nhưng trong lòng họ tình yêu không phải là đã hết. Chỉ vì trong lúc “cái tôi” của mỗi người đều quá cao, cho là mình bị xúc phạm, chỉ có ly hôn mới… trừng phạt được đối phương. Trong đa số trường hợp như vậy, nếu họ có những kiến thức cơ bản về kỹ năng hàn gắn hôn nhân hoặc gặp một người hiểu biết, thực lòng giúp đỡ, rất nhiều khả năng sẽ tránh được đổ vỡ.

(Theo Phụ nữ thành phố)