- Trong một thế giới cạnh tranh, đầy biến động, các bậc làm cha mẹ phải điều chỉnh cách dạy con như thế nào và thể hiện tình yêu với con ra sao để không khiến tình yêu của mình trở thành rào cản, bó hẹp con trong những ước vọng chật chội, biến con thành “cây tầm gửi”?

Bà Meirav Eilon Shahar - mẹ của ba người con, đồng thời là Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam cùng với chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý chia sẻ những cách dạy con thông minh của người Do Thái trong hội thảo “Mẹ của triệu phú Do Thái đã nuôi dạy con thế nào?” diễn ra hôm 30/6 tại Hà Nội.

Dạy con, cần tôn trọng trẻ

Người Do Thái rất coi trọng giáo dục gia đình, coi trọng cách giáo dục con cái và tôn trọng những giá trị gia đình của riêng họ. Người mẹ có vai trò rất lớn trong gia đình Do và con trẻ luôn được nhắc nhở về điều này. Nhiều chuyên gia trong hội thảo “Mẹ triệu phú Do Thái dạy con như thế nào” đồng tình cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân lý giải những bí mật giúp dân tộc Do Thái luôn giữ được bản sắc của mình dù phải trải qua hơn 2000 năm lưu vong.

Do đặc thù công việc, bà Meirav Eilon Shahar Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam (từ 10/2012) đồng thời là mẹ của ba người con 13 tuổi – 8 tuổi và 5 tuổi thường xuyên bận rộn và phải di chuyển nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng bà tiết lộ, các con bà đều là những đứa trẻ sống có trách nhiệm, tự lập và nhanh nhạy, hòa nhập tốt trong những môi trường mới, nền văn hóa đa dạng.

{keywords}

Hàng trăm phụ huynh lắng nghe chia sẻ về phương pháp dạy con của mẹ Do Thái.

“Khi đứa con nhỏ của tôi gặp khó khăn trong một môi trường mới, anh trai nó mới 13 tuổi đã tự nguyện “lĩnh” trách nhiệm theo sát, giúp đỡ em và thể hiện điều đó vượt mong đợi của tôi. Cả ba cháu, dù sống ở đâu, cũng luôn hào hứng trước những gì mới lạ. Tôi luôn khuyến khích các con đặt câu hỏi, phát huy những ý tưởng sáng tạo, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tôi dành cho con những lời khen ngợi trong nhiều tình huống và luôn sẵn sàng cho con học từ thất bại” – bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ.

Theo bà, những điều quan trọng nhất trong phương pháp dạy con của mình là tôn trọng con, đối xử với con như một người lớn ở một chừng mực nhất định.

“Cha mẹ luôn là những người ảnh hưởng lớn nhất tới sự phát triển của con. Trong một thế giới công nghệ, một thế giới đầy biến động ngày nay, giáo dục con cái phức tạp hơn trong quá khứ rất nhiều. Bởi thế, cách dạy con không áp đặt, tôn trọng trẻ và chấp nhận thất bại là những điều cần thiết để cha mẹ không bị lạc điệu với con cái mình” – bà đại sứ nói.

Khác biệt cách yêu con của cha mẹ Việt và cha mẹ Do Thái

Có lẽ nhiều bậc phụ huynh Việt Nam sẽ giật mình khi soi vào hình ảnh mà chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý dẫn ra trong hội thảo: Một đứa trẻ là trung tâm chú ý của cả gia đình, bố mẹ có thể đáp ứng mọi đòi hỏi của đứa trẻ, dù là những đòi hỏi “quá mức, thường xuyên giám sát với mong muốn “bảo vệ” con, căng thẳng thái quá vì tâm lý sợ con thất bại…

{keywords}

Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý.

“Cha mẹ sẵn sàng là “nô lệ” của con dường như đang trở thành một vấn nạn xã hội tiềm tàng. Nhiều gia đình Việt phải huy động sự nỗ lực của cả gia đình chỉ để đứa trẻ ăn hết một bát cơm; con trẻ không phải làm gì ngoài việc học, thiếu ý thức về giá trị của đồng tiền vì luôn được cha mẹ chu cấp đầy đủ, dư thừa; nhiều bố mẹ luôn tung hô con giỏi giang, hướng con đến những thành công toàn vẹn… Hệ của của điều này là những em bé có vẻ ngoài tự tin, thông minh nhưng kì thực rất yếu đuối, dễ bị tổn thương, không chấp nhận nổi dù chỉ một lời chê, lời phê bình, là lý do nhiều trường hợp học sinh, sinh viên tự tử khi gặp thất bại, khó khăn trong học tập và cuộc sống…” – Chuyên gia Lại Thị Hải Lý phân tích.

Chị đưa ra những khác biệt trong cách dạy con của người Do Thái: Cha mẹ ẩn giấu 20% tình yêu con để trở nên lý trí, khoa học. Cha mẹ cho con thử thách sớm với môi trường, cho con rèn luyện “chỉ số vượt khó”, dạy con tự lập, làm việc nhà và quản lý tài chính từ nhỏ. Bằng cách dạy trẻ làm việc nhà, các cha mẹ Do Thái dạy con những bài học sinh tồn cơ bản. Nhiều em bé Do Thái 2, 3 tuổi đã biết tự phục vụ cá nhân như ăn uống, vệ sinh; lớn lên chút thì biết tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ cha mẹ, hiểu rõ được giá trị đồng tiền và biết chi tiêu hợp lý… Đây cũng là con đường giúp không ít triệu phú Do Thái học được bài học đầu tiên về đầu tư tài chính, quản lý tài sản, từ đó hun đúc những tham vọng thành công vượt trội.

Khẳng định những lợi thế của giáo dục trẻ từ sớm, chuyên gia Hải Lý đưa ra lời khuyên cho các bậc làm cha làm mẹ Việt: “Đừng làm quản gia, hãy làm quân sư giúp con phát triển thành những đứa trẻ bản lĩnh và mạnh mẽ trong cuộc sống”.

Minh Tâm