70% các cặp vợ chồng thừa nhận mâu thuẫn trong chi tiêu đã xảy ra như cơm bữa tại nhà mình…

Đơn giản vì: Thuở yêu nhau chẳng ai nghĩ đến cảnh mình và người yêu sẽ có lúc phải há miệng trợn mắt, gân cổ lên cãi kịch liệt, ai nói nấy nghe chỉ vì một nguyên nhân chẳng có chút gì là lãng mạn: tiền bạc.

Phung phí quen tay...

Do không chuẩn bị trước tư tưởng để ứng phó với thói quen chi tiêu của người ấy nên từ lúc về sống chung cùng anh Minh, chị Hà đã sốc nặng khi tận mắt nhìn thấy chồng dễ dàng móc túi ra vài triệu để mua chai rượu Tây đãi bạn, hay tỉnh bơ đưa cái thẻ ATM cho em trai kèm theo lời dặn dò: “Password là tên cúng cơm của má, mày cần bao nhiêu rút bấy nhiêu”. Buổi tối, trước khi ngủ, chị cố gắng hết sức dằn cơn giận để thỏ thẻ với chồng: “Anh à, mình còn phải có con, nuôi con, mua nhà, tích lũy cho con ăn học sau này. Anh cứ chi xài tùy tiện kiểu đó thì lấy đâu có dư mà để dành”.

{keywords}

Thấy chồng im lặng, nghĩ là chồng đã biết lỗi, chị Hà tiếp tục rù rì: “Sao anh lại đưa cái thẻ và password cho chú em? Rồi rủi mai mốt chú ấy thấy anh dễ dãi quá, hết tiền xài lại ăn cắp thẻ của anh. Sao anh dại vậy? Còn vụ chai rượu nữa, lúc say xỉn, mấy ông bạn gài độ anh cho vui thôi, chớ mắc mớ chi phải mua, mà thí dụ có mua thì mua thùng bia hoặc loại nào đó vài ba trăm được rồi. Có ai còn đủ tỉnh táo đâu mà khen anh chơi sộp, chơi sang kiểu đó...”. Chị mới vừa nghỉ giải lao một chút, định nói thêm nữa, bất ngờ, anh Minh vùng dậy, ném cái mền vào mặt vợ, quát to: “Thôi! Cô có chịu câm cái mồm cho tôi ngủ không? Thứ vợ gì dai như giẻ rách. Nguời ta đã nhịn rồi mà cũng không tha”.

Sau đó anh đùng đùng ôm gối ra phòng khách ngủ suốt một tuần lễ. Nếu như không có người cô họ của anh từ quê ra ghé thăm hai vợ chồng thì có lẽ chiến tranh lạnh sẽ còn kéo dài. Thực ra, ghé thăm cháu trai chỉ là lý do phụ, lý do chính của cô anh Minh lên thành phố là để đi thẩm mỹ viện sửa mũi, tắm trắng làm đẹp.

Chồng của cô anh Minh chỉ là cán bộ cấp huyện, lương nhà nước tháng vài triệu đồng. Nhưng theo lời anh Minh kể thì cô quan hệ rất rộng rãi với phu nhân các quan chức từ huyện đến tỉnh. Và để cho bằng chị bằng em, cô xài tiền rất dữ, mua đôi giày, bộ váy áo vài triệu đối với cô là chuyện bình thường, hay thỉnh thoảng bỏ vài chục triệu ra chu du nước ngoài cũng không có gì đáng nói, vì trước là để mở mang tầm mắt, sau để có mối quan hệ cho chồng dễ thăng quan tiến chức.

Như chuyện đi làm đẹp lần này, cô cũng nói nhẹ re là vì chồng mà cũng chẳng tốn kém bao nhiêu, khoảng chừng trên dưới cây vàng. Nhưng, đến tối, con trai cô gọi điện thoại cho anh Minh hỏi thăm tình hình của mẹ, chị Hà mới biết, chồng cô đã đưa đơn ly hôn ra tòa với lý do mâu thuẫn trong hôn nhân trầm trọng. Mà mâu thuẫn ấy đơn giản chỉ bắt nguồn từ chuyện chi xài không có kế hoạch của người vợ, dẫn đến nợ nần, phải bán sạch đất đai ruộng vườn ông bà để lại.

Ít ngày sau khi cô anh Minh về quê, chồng cô sẵn đi dự hội thảo cũng ghé thăm gia đình. Buổi chiều khi hai chú cháu làm vài ly bia, ông chú đã không nén được tiếng thở dài: “Lúc đầu thấy cô xài thoải mái quá, chú nhắc nhở, cô bảo lo chi, tiền ra mới có tiền vô. Đến chừng chủ nợ đến đòi, chú khuyên nữa, nhưng càng nói bà ấy càng lớn tiếng cãi lại, lúc nào cũng nói là mắc nợ tại muốn cho chồng con nở mày nở mặt...

Chú giận lẫy, coi như không biết gì tới chuyện nợ nần. Bà ấy cũng tuyên bố: Mượn được, trả được. Tiền thôi mà, có gì đâu. Và kể từ sau câu nói nhẹ như lông hồng của bà ấy đến nay, tính ra đã đi đứt hai mảnh đất ruộng với lại một miếng đất thổ cư của ông bà hai bên để lại. Sống với nhau mà không còn lòng tin, sự tôn trọng nhau thì sống làm gì”.

Tiễn chú về, chị Hà nghe chồng thở hắt, hỏi trống không: “Tiền bạc không mà cũng lớn chuyện vậy sao trời?”.

Tiện tằn quen mắt

Có một thực tế là những người vợ tiết kiệm lại rất hay trúng phải một ông chồng “vung tay quá trán”, và ngược lại. Nhiều người bảo đấy là luật bù trừ, nhưng các chuyên gia về tâm lý tình yêu, hôn nhân, gia đình thì cho rằng nguyên nhân sâu xa là do lúc bấy giờ trong mắt người tiết kiệm thì người xài tiền rộng rãi, phóng khoáng lại rất đáng yêu, có dáng vẻ như một người hùng, bởi suy nghĩ vì mình người ta không tiếc gì cả. Khổ nỗi, nếu như tính cách không một chút tính toán so đo ấy đã khiến cho chàng và nàng lao vào nhau trong thời gian đầu của mối quan hệ yêu đương thì khi đã kết hôn lại trở thành “kho xăng” khiến vợ hoặc chồng bốc cháy phừng phừng đi cùng lời kết tội: anh ấy hoặc cô ấy chỉ nghĩ đến bản thân mình, chẳng bao giờ nghĩ đến gia đình.

{keywords}

Ảnh minh hoạ.

Thực ra, theo các nhà xã hội học, thay đổi thói quen chi tiêu là điều chẳng mấy khó khăn. Chỉ cần người chung sống chịu khó một chút, cương quyết và kiên nhẫn hơn một chút thì sau một thời gian là ổn. Tuy nhiên vấn đề ở đây là tính hợp lý của sự chi tiêu. Ông bà mình đã có câu “nói phải củ cải cũng nghe”. Vì vậy, muốn nói cho người khác nghe, trước hết cần “nói có sách, mách có chứng”.

Sẵn chuyện cô chú, tối đó, chị Hà mạnh dạn bàn với chồng về dự định làm một cuốn sổ chi tiêu gia đình của chị. Trong đó, chị Hà dành hẳn hai trang cho những kế hoạch chi tiêu lớn trong tương lai. Tiếp theo là thu chi của từng tháng trong năm. Mỗi tháng, ngoài những khoản chi cố định cho gia đình, còn có khoản chi đột xuất, khoản tích lũy, cuối cùng còn dư ra mới chi cá nhân. Anh Minh đồng ý một cách yếu ớt.

Tất nhiên, khoản thời gian đầu, chị Hà không dễ gì bắt chồng thực hiện đúng kế hoạch chi tiêu. Nhưng chị nhất quyết không bỏ cuộc, mỗi lần chồng tiêu xài vượt kế hoạch, chị Hà đều ghi rõ con số vượt là bao nhiêu, để trừ dần vào khoản chi cá nhân những tháng sau vào mảnh giấy nhỏ và để vào trong ví của chồng. Phần chị, chị luôn làm đúng những gì chị đã đề ra. Muốn chi xài gì cho cá nhân chị đều cân nhắc xem thứ đó có cần không, có nên không. Nhiều lần, thấy vợ đem giày đi đóng đế lại hay đem quần đi thay dây kéo, anh Minh nhăn mặt, xúi quăng đi, mua cái mới mà xài. Chị Hà không nói gì, cứ làm theo ý mình.

Hằng tuần sau khi đi chợ hoặc siêu thị về, chị đều tỉ mỉ ghi đầy đủ vào cuốn sổ. Lúc đầu anh Minh không mấy ủng hộ và cho rằng vợ rảnh việc, rỗi hơi. Nhưng dần dà, anh Minh cũng quen, đã có suy nghĩ tự cắt quần dài bị rách gối thành quần lửng, đã biết tự pha cà phê uống ở nhà khi thấy vật giá ngày càng lên cao hoặc lưu ý đến “mảnh giấy” nhỏ vợ thường đưa vào cuối tháng.

Vậy mà phải đến qua ba năm vật vã với cuốn sổ, vợ chồng chị mới có dư tiền đủ để mua một miếng đất ở quận ven. Hai năm sau số dư có khá hơn dù anh chị đã có một chú nhóc. Anh Minh thú thật là ban đầu anh nghĩ vợ khó duy trì được cuốn sổ ấy, và anh cũng mong sao vợ bực mình mà quăng của nợ đó luôn để vợ chồng được sống thoải mái. Nhưng bây giờ “suy nghĩ tội lỗi” ấy đã bay biến. Không những cảm ơn vợ, mà anh còn đem vợ ra làm điển hình “người tốt, vợ tốt” cho đám lóc nhóc trong cơ quan sắp cưới vợ. Anh hay nói vui: “Tiền thôi mà, cần kiệm chút cho vui nhà vui cửa”.

(Theo Dòng đời)