- Nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn bất ngờ khi biết con mình vốn ngoan ngoãn lại dám lên mạng để chửi bới, thóa mạ người thân, hay thường xuyên văng tục, chửi bậy và tỏ vẻ đàn anh… trên thế giới ảo.

Nữ sinh hiền lành lên facebook để khẳng định “số má”

Ngoài đời là cô bé lớp 11 có ngoại hình mộc mạc và gương mặt khá “ngô nghê”, nhưng trên mạng xã hội facebook, Hoa dường như khác hẳn. Cô bé có thể online thâu đêm, suốt sáng chỉ để lang thang trên facebook mà mẹ cha không hề hay biết.

“Facebook ạ? Ai mà chẳng có ạ?” – Hoa, cô nữ sinh 17 tuổi tỏ ra am hiểu khi nói về trang mạng xã hội này. Ngoài facebook, Hoa còn có tài khoản của hai mạng xã hội khác. Thì giờ rảnh, cô thường trốn bố mẹ để ra quán net ngồi chơi mạng xã hội.

Hoa bảo, cách đây một hai năm, “mốt” vẫn là chơi trồng rau, nuôi gà… trên một trang mạng khá phổ biến trong giới trẻ. Còn nay, sẽ là facebook.

Ngồi nói chuyện, chốc chốc Hoa lại cắm cúi sử dụng điện thoại. Không để nhắn tin, không để gọi điện, Hoa “chat” hoặc “comment” ảnh trên “phây” với bạn bè.

“Bố mẹ em đến điện thoại còn chẳng dùng thạo nữa là facebook” – Hoa trả lời khi được hỏi, bố mẹ em có tài khoản facebook hay không. Với các bậc phụ huynh ở nông thôn như bố mẹ Hoa, cụm từ “facebook”, “mạng xã hội” này vẫn còn quá xa lạ. Thế nên, nhìn con gái ngoan ngoãn ngồi học bài, hay ngồi nhà mà vẫn tí toáy nhắn tin để “hỏi bài bạn”, họ hoàn toàn yên tâm.

Hoa tâm sự, em chỉ là một học trò rất trầm trong lớp, lực học vào loại xoàng, nhưng trên facebook, em cảm thấy “có số má hơn với bạn bè”. Vào trang facebook của Hoa thì rõ: Em có thể hùa vào trêu chọc bất cứ đứa nào trong lớp, tha hồ tung hê, chửi bậy mà chẳng sợ ai, phớt đời với những câu status bậy bạ hoặc ưu tư được bạn bè like, share nhiệt tình… Đặc biệt, từ sau lần Hoa bị dính kỉ luật vì… chửi cô giáo và các bạn trong lớp thì cô bé càng “nổi tiếng”.

Theo Hoa kể, hồi ấy vì tức tối bị điểm 2 nên Hoa đã vào facebook, đăng một bài chửi dài, vạch tội các thành viên ban cán sự lớp, thậm chí mắng trực tiếp cả cô giáo bộ môn.

“Lúc ý em chỉ viết cho bõ tức, không ngờ, các bạn “share” liên tục, có người còn chụp lại, gửi cho giáo viên chủ nhiệm, thế là em và những người “like, share” trong lớp bị tóm lên viết bản kiểm điểm, cảnh cáo trước toàn trường” – Hoa ấm ức kể lại.

Bố mẹ biết cũng bó tay

“Biết cũng bó tay” – đó là lời thở than bất lực của chị Chinh (Hà Nam) khi biết chuyện cô con gái út lên mang trút giận vào cha mẹ và cô giáo chủ nhiệm.

Chị kể, con gái mình là đứa ngang ngạnh nên chị rất chú tâm dạy dỗ, vậy mà ngọt nhạt đủ đường “cá vẫn không ăn muối”.

Mới đây, chị tá hỏa khi nghe người cháu họ ở Hà Nội gọi điện thoại báo: “Cái Chi (tên con gái chị) có chuyện gì mà lên trên mạng ăn nói ghê lắm. Nó còn bảo không muốn ở nhà, còn thề tuyệt giao với ai ai nữa kia!”

Vốn chẳng biết mặt mũi mạng xã hội, facebook ra làm sao, chị đành phải nhờ người cháu hướng dẫn cho xem tận mắt. Hóa ra, chỉ vì phát hiện mẹ và cô giáo chủ nhiệm là bạn thân, thường xuyên trao đổi sau lưng mình mà con gái chị nổi giận, tuôn ra những lời trách móc, thóa mạ, xưng “tôi” đầy thách thức.

“Có lẽ, cháu nghĩ rằng bố mẹ, thầy cô không hay biết nên mới có hành động đó. Dù đây là góc riêng tư của con, nhưng biết chuyện tôi thật sự đau lòng. Nhưng tôi cũng chưa biết mở lời nói chuyện với con ra sao” – chị Chinh tâm sự.

Không riêng chị Chinh, nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn bất ngờ khi biết những đứa con ngoan ngoan ngày thường lại thường xuyên văng tục, chửi bậy, cố tình tỏ ra hầm hố, “anh chị” trên mạng xã hội.

Anh Lê Thế Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, gần đây anh rất đau đầu vì cậu con trai học lớp 8 mê mẩn “facebook”.

“Có lần tình cờ vào xem cháu làm gì, tôi nổi giận vì thấy con đăng tải toàn những hình ảnh gợi dục, tham gia những trang, nhóm thiếu lành mạnh trên facebook. Tôi hỏi thì cháu bảo bạn bè gửi hoặc vô tình “click” vào chứ không chủ động tìm kiếm… Tôi đã răn đe, nhưng chỉ e rằng con càng lớn, cha mẹ càng khó theo dõi, kiểm soát, đặc biệt là với thế giới “ảo” như thế này” – anh Sơn nói.

Theo TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, thể hiện sự nổi loạn trên thế giới ảo là một cách để trẻ giải tỏa những nỗi ức chế trong đời sống thật. Nhiều trường hợp, do bị ảnh hưởng vì tâm lý đám đông, các em cũng dễ bị lôi kéo vào những tình huống ném đá bạn bè, văng tục… Việc sử dụng mạng xã hội một cách thiếu định hướng, nhất là khi còn rất nhỏ có thể khiến các em không ý thức hết những tai hại khó lường của những việc mình làm.

Trong mọi trường hợp, cha mẹ nên gần gũi để nhận biết sớm các biểu hiện, vấn đề con gặp phải. Không nên cấm cản vì ở lứa tuổi này càng cấm, các em càng làm ngược lại để khẳng định cái tôi mà hãy tâm sự, nhẹ nhàng thuyết phuc, giúp con nhìn nhận những điều đúng đắn. Có thể lấy những câu chuyện thực tế để dẫn dắt, giúp các em hiểu được cách cư xử đúng – sai, chừng mực trên mạng xã hội.

Minh Tâm