- Cho đến khi mất, GS Judith Ladinsky đã vào Việt Nam tổng cộng 120 lần. Bà đã gắn bó với mảnh đất này ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Phải yêu mảnh đất này đến nhường nào thì bà mới chọn Việt Nam là nơi yên nghỉ cuối cùng của mình...
Một buổi tối cách đây hơn hai tháng, Thạc sỹ Bùi Đức Thắng, công tác ở Viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội gọi điện cho tôi thông báo: ngày 21 tháng 7 năm 2013, con gái và con rể của Giáo sư, Tiến sỹ Judith Ladinsky sẽ mang tro cốt của mẹ mình đến Việt Nam để mai táng vĩnh viễn trong nghĩa trang Vĩnh Hằng thuộc Ba Vì Hà Nội.
Họ đã thực hiện nguyện ước cuối cùng của mẹ mình. Giáo sư, Tiến sỹ Judith Ladinsky mất năm 2011. Trong những năm cuối đời, bà nói với các đồng nghiệp Việt Nam và con gái bà về nguyện ước ấy. Và những người thân của bà ở cả hai phía Mỹ và Việt Nam đã thực hiện nguyện ước của bà.
Đêm đó tôi đã thức đến gần sáng. Tôi nhớ về bà. Tôi nhớ những ngày tháng tôi có dịp tiếp xúc với bà. Tôi nhớ về những gì bà đã làm cho Việt Nam mà tôi được biết. Và đêm ấy, tôi cảm thấy như bà đang ở đâu đấy rất gần và tôi luôn luôn thấy bà cười. Tôi vẫn nghe giọng nói bà khuyên tôi đừng bẻ đốt ngón tay nhiều quá sẽ bị đau khi về già. Phải yêu mảnh đất này đến nhường nào thì bà mới chọn Việt Nam là nơi yên nghỉ cuối cùng của mình. Sự lựa chọn ấy thực sự ám ảnh tôi. Sự lựa chọn của bà làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều về tình yêu và tự do của con người bà. Bà thực sự là một người dám sống. Bà là một người của tự do cho dù nước Mỹ không phải lúc nào cũng cho bà quyền tự do tất cả. Bà đã sống như bà mơ ước, như bà suy nghĩ, như bà muốn hiến dâng cho mơ ước ấy. Và để sống được như vậy, bà đã phải vượt qua quá nhiều thách thức từ mọi phía.
Giáo sư, Tiến sỹ Judith Ladinsky. |
Những ngày của mấy chục năm về trước, việc một người Mỹ đến Việt Nam mà lại thường xuyên đến Việt Nam quả thực là một khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là sự ngờ vực tính mục đích của những chuyến đi ấy. Ngày đó, phía Mỹ cho dù nổi tiếng về tự do cũng ngờ vực và đặt câu hỏi về những chuyến đi của bà. Tại sao nước Mỹ đang tiến hành chiến dịch cấm vận Việt Nam mà bà lại đến đất nước kẻ thù đó một cách hồ hởi và tự nguyện như vậy? Và bà đến đó để làm tất cả những gì có thể giúp những đồng nghiệp Việt Nam của bà khi đất nước này đang quá thiếu thốn, quá nghèo khó và còn nhiều lạc hậu sau cuộc chiến dài và vô cùng tàn khốc.
Tôi có một người bạn là Giáo sự, nhà thơ của trường Lorain County College ở Ohio, tên ông là Bruce Weigl. Sau chiến tranh, ông cũng thi thoảng đến Việt Nam. Ông kể cho tôi một lần FBI đã gọi điện và muốn tiếp xúc với ông. Họ muốn khai thác những chuyến đi của ông. Bruce đã nói với FBI qua điện thoại là nếu họ muốn biết VN thì hãy đến đó. Ở đó có món phở rất nổi tiếng. Một người bạn khác của tôi là Giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen, cựu Giám đốc Trung tâm William Joiner. Ông thường xuyên sang Việt Nam sau chiến tranh. Ông đã từng phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc mang tiền mặt sang Việt Nam. Và trung tâm của ông đã từng bị kiện với tội lấy tiền của nước Mỹ mang cho cộng sản Việt Nam. Giáo sư Ladinsky chưa bao giờ nói với tôi những câu chuyện tương tự. Nhưng tôi biết bà đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức khi đến với Việt Nam trong những năm tháng đó. Mỗi chuyến đi của bà mang theo nhiều thứ để giúp Việt Nam: dụng cụ y tế, thuốc men, sách nghiên cứu, giáo trình giảng dạy y học, máy móc... rồi đưa các bác sỹ sang Mỹ đào tạo, rồi tư vấn cho ngành y Việt Nam và mở rộng hợp tác với các ngành khác.
Cũng như Giáo sư Kevin Bowen, Bruce Weigl, Giáo sư Judith Ladinsky còn phải gặp những khó khăn thách thức từ phía đất nước mà họ đã yêu với một tình yêu kỳ lạ. Ngày đó, khi Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam, những người Mỹ đến Việt Nam hiển nhiên trở thành mối ngờ vực tính mục đích của họ từ chính người Việt Nam. Tôi đã từng nghe một số người nói gay gắt khi họ không tin những người Mỹ lại có thể yêu dân tộc chúng ta. Không ít người nghĩ họ là CIA. Cũng như không ít người Mỹ không thể tin những người cộng sản đến Mỹ với một mục đích hòa bình hay thiện chí. Lịch sử có những lúc giống như một kẻ ấu trĩ, hài hước và lẫn lộn. Con người là vậy. Nhưng rồi thời gian sẽ dạy dỗ chúng ta nhìn đúng và hiểu đúng mọi chuyện.
Cho đến khi mất, bà đã vào Việt Nam tổng cộng 120 lần. 120 chuyến bay từ Mỹ đến Việt Nam và ngược lại. Tôi đang hình dung về một người phụ nữ khá to lớn đã bay 120 vòng quanh quả đất. Tôi đã từng bay từ Việt Nam đến Mỹ và tôi thấy chỉ việc ngồi máy bay từng ấy giờ, qua từng ấy sân bay quá cảnh, mang vác từng ấy đồ đạc... đã trở thành anh hùng rồi. Hai tuần trước, tôi có viết thư cho con gái bà, bác sỹ Morisa. Tôi biết chị từ khi chị còn là sinh viên. Tôi muốn biết những ngày tháng cuối cùng mẹ chị, Giáo sư Judith Ladinsky, đã sống như thế nào. Chị viết cho tôi rất ngắn. Chị nói bà ngồi xe lăn, sinh viên Việt Nam vẫn thường đến thăm bà. Và trong mọi câu chuyện của bà đều có Việt Nam. Và lúc nào bà cũng mong chóng khỏe để đi Việt Nam.
Anh Bùi Đức Thắng có lẽ là một trong những người làm việc thường xuyên và lâu nhất với bà. Anh nói đến một ngày nhận được thư của bà gửi cho anh thì anh biết bà đã yếu lắm rồi. Bà viết thư cho anh Thắng mà các từ dính liền nhau, sai chính tả. Tay bà đã run, thần kinh bà đã khác. Trong những lá thư bà viết cho anh Thắng vào những tháng cuối cùng của cuộc đời, ám ảnh lớn nhất và thường xuyên trong những lá thư ấy là khát khao trở lại Việt Nam. Bà không thể nào rời xa Việt Nam. Bà đã gắn bó với mảnh đất này ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Chính thế mà bà phải đến với mảnh đất ấy khi còn sống và làm những gì có thể cho con người ở đó và bà phải được yên nghỉ mãi mãi trên mảnh đấy ấy khi từ giã cuộc đời. Nếu không linh hồn bà sẽ không thể nào thanh thản trọn vẹn.
Những gì bà làm cho đất nước chúng ta quả là một khối lượng khổng lồ. Tôi không thể kể những gì bà đã làm ra đây. Tôi đang viết về bà như sự hồi tưởng đẹp đẽ về một con người ở một đất nước từng là kẻ thù của chúng ta. Tôi chỉ đang viết những dòng đơn giản và vụng về về con người bà. Nhưng có một điều tôi biết chắc rằng, ngay từ những ngày đầu đến Việt Nam, bà đã được làm việc với những con người tuyệt vời của đất nước chúng ta như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên và bao nhà khoa học của chúng ta. Những con người đó đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng làm cho bà tin đất nước này, yêu đất nước này và đã dâng hiến cho đất nước này.
Và bà đã làm việc bên cạnh những người bạn mà tôi có thể nói là tốt nhất thế gian này như anh Bùi Đức Thắng. Anh đã bền bỉ ở bên bà và làm tất cả những gì có thể cho bà. Nhiều năm bà ở lại ăn Tết ở Việt Nam. Mỗi lần bà ở lại ăn Tết thì anh Thắng mất Tết. Anh không thể để bà thấy cô đơn trong những ngày cuối cùng của năm cho dù chúng ta đón năm mới khác với người Mỹ. Có những đêm cuối năm trong mưa gió giá lạnh, anh Thắng đã đưa bà đi thăm một số người quen bằng xe máy. Bà là một phụ nữ to lớn khoảng chừng 90kg. Anh Thắng chở bà mà như thấy đầu xe máy của mình nhiều lúc muốn bốc lên cao. Hình ảnh đó làm tôi khó cầm lòng. Tôi hiểu bà nhưng sao trong đầu tôi vẫn vang lên câu hỏi: “Điều gì đã làm cho một con người từ một đất nước xa xôi phải xa gia đình, xa những điều kiện sống tốt nhất để đến mảnh đất này, ngồi trên một chiếc xe máy đi trong mưa gió những ngày cuối đông?”.
Ước mơ được yên nghỉ mãi mãi sau khi mất của mình bà đã tâm sự đầu tiên có lẽ là với anh Thắng. Và anh Thắng đã lặng lẽ chuẩn bị “ngôi nhà” cho bà trong phần đất anh mua ở nghĩa trang Vĩnh Hằng. Trong phần đất ở nghĩa trang đó có những người thân yêu của anh đang yên nghỉ đời đời. Cho dù anh Thắng không biết chắc các con bà có đồng ý đưa tro cốt của bà về Việt Nam hay không, nhưng anh đã dựng một ngọn núi non bộ ở nghĩa trang Vĩnh Hằng và gắn ảnh chân dung bà ở đó. Với anh, bà đã trở thành một người thân yêu trong gia đình anh.
Bây giờ, gia đình Giáo sư Judith Ladinsky đã đồng ý thực hiện nguyện ước cuối cùng của bà, đó cũng là một hy sinh lớn lao của họ. Bởi mỗi lần muốn đến thăm mẹ mình, con bà sẽ phải bay trọn một vòng quả đất. Bà đã yêu đất nước chúng ta theo cách của bà và những người trong gia đình bà đã yêu đất nước chúng ta theo một cách khác. Bà và gia đình bà đã cho tôi một bài học lớn lao. Họ yêu dân tộc chúng ta không phải là họ phản bội lại dân tộc họ như có người từng nghĩ trong những năm tháng trước kia. Họ yêu dân tộc chúng ta nghĩa là họ đã yêu dân tộc họ vô cùng. Chính những người như Giáo sư Judith Ladinsky đã tôn vinh dân tộc họ trên thế giới. Chúng ta hiểu nước Mỹ và yêu dân tộc này qua chính họ. Và hơn thế, những người như họ chính là những hình ảnh đẹp của nhân tính trên thế gian quá nhiều hận thù và vô cảm.
Sáng ngày 22 tháng 7 năm 2013, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, tại Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, lễ tổ chức tro cốt của Giáo sư Judith Ladinsky được tiến hành. Với những gì đã làm cho Việt Nam, bà đã được nhận huân huy chương của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, của Bộ Y tế, của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Và lúc này, ở chốn Thiên đường, xin bà nhận một tấm huân chương đặc biệt, tâm huân chương vô hình của chúng tôi, những bạn bè của bà và những người Việt Nam vô danh, những người Việt Nam biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng tình người và sự dâng hiến không vụ lợi cho hạnh phúc con người Xin bà hãy tin rằng: trên mảnh đất quá nhiều chiến tranh của chúng tôi, linh hồn bà sẽ được bình an mãi mãi.
Hà Đông, đêm 21/7/2013
Nguyễn Quang Thiều