- Thường xuyên đi khám thai và biết thai nhi phát triển hoàn toàn bình thường, mẹ khỏe con khỏe, nhưng đến khi sinh nở, hầu hết các sản phụ vẫn tìm đến những nơi vốn đã quá tải…

Phải lên… trung ương

8h30 phút sáng, toàn bộ khu gửi xe quanh Bệnh viện Phụ sản Trung ương đều đã trưng biển hết chỗ. Trong bệnh viện, tại Khoa Khám bệnh người đông như nêm, ngoài hành lang Khoa Đẻ cũng la liệt người đứng, người ngồi, người lên xuống cầu thang tấp nập.

{keywords}

Người dân ngồi la liệt bên hành lang Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Ngồi khép nép bên góc cầu thang gần phòng chờ đẻ với lỉnh kỉnh đồ đạc, bà Nguyễn Thị Vết (Kinh Môn – Hải Dương) không giấu được vẻ bồn chồn, lo lắng khi cô con gái vào phòng chờ sinh đã 4 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa lên bàn đẻ. Chốc chốc bà lại đứng dậy, ngó nghiêng, rồi thở dài: “Đông quá, biết vậy để nó đẻ ở quê, chứ giờ đứng ngoài, con thì bị cách ly bên trong, chả biết nó đau đớn ra sao?”

Bà Vết cho biết: “Ban đầu, cả nhà cũng định để nó sinh ở quê, vì đi khám thai, các bác sĩ đều bảo, mẹ khỏe, con khỏe, thai nhi phát triển bình thường. Thế nhưng chồng nó thì cứ nhất quyết phải đưa vợ lên trên này để sinh. Nó bảo, cả đời chỉ sinh có 1, 2 lần nên phải tìm nơi tốt nhất, bởi đi khám thì là vậy, nhưng khi lên bàn đẻ, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Trong khi đó, ở quê, hoặc ở những trung tâm y tế nhỏ, các bác sĩ không có chuyên môn cao thì khi xảy ra tai biến bất thường, hoặc những ca đẻ khó, họ cũng lại chuyển lên trung ương. Như vậy sẽ rất mất thời gian, và nguy hiểm càng cao.

Vì thế, ngay từ khi được 37 tuần, mấy mẹ con tôi đã đùm rúm, dắt díu nhau lên Hà Nội thuê phòng trọ để ăn chực nằm chờ, sẵn sàng vào viện đẻ.

{keywords}

Từ quê lên Hà Nội, 2 người phụ nữ này còn phải thuê phòng trọ để ở trong những ngày chờ sinh.

“Nghĩ mà thấy khổ quá cô ạ, cái phòng trọ gần bệnh viện, thuê 150 nghìn/ngày mà chỉ kê vỏn vẹn được 1 cái giường, một lối đi rộng chừng nửa mét. Ăn uống thì tốn kém mà lại kham khổ quá, mỗi bữa, 3 mẹ con mua 3 suất cơm hết 30 nghìn mà chỉ được vài đũa rau, với ba miếng thịt mỏng tang. Hôm nay vào viện thì còn thấy khổ hơn, người trong người ngoài, người đứng người ngồi, người mệt quá còn nằm lăn lóc. Thế mà dòng người vẫn đổ vể mỗi lúc một đông” – bà Vết than thở.

Khổ mấy cũng phải cố

Cùng chung cảnh ngóng con dâu đang trong phòng chờ sinh, bà Hà Thị Vui 65 tuổi (Đống Đa – Hà Nội) cũng lắc đầu ngao ngán khi cố tìm một chỗ trống trải tạm manh chiếu làm chỗ ngồi cho đỡ mỏi chân. Bà Vui than thở: “Tôi sinh 3 đứa con, mà có lần nào đi đẻ lại khổ như thế này đâu, toàn đẻ ở nhà hộ sinh gần nhà. Thế mà vẫn ngon ơ, đứa nào đứa nấy khỏe mạnh. Đẻ xong, cũng chỉ cần nghỉ ngơi mấy tiếng đồng hồ là về nhà”.

Bây giờ, chúng nó cầu kỳ lắm, hơi một tí là phải vào viện trung ương. Như con dâu nhà tôi, đi khám thai suốt, ở đâu người ta cũng bảo bình thường. Tôi khuyên nó đến nhà hộ sinh gần nhà để sinh, vì ở đó bây giờ người ta xây dựng mới, khang trang, sạch sẽ lắm, lại vắng người, 1 mình một phòng rộng rãi. Vậy mà vợ chồng nó không nghe. Nó bảo, cứ phải lên đây thì mới yên tâm, vì bây giờ bọn nó đẻ ít, mà đọc trên báo chí thì thấy tai biến sản khoa càng ngày càng nhiều”.

“Nhưng lên đây rồi mới thấy, tâm lý của ai cũng như nhau, chịu chen chúc, khổ sở để yên tâm là an toàn cho cả mẹ cả con, nên mình cũng phải cố”- bà Vui nói.

“Cũng chính vì tâm lý này, cho nên tình trạng quá tải tại bệnh viện xảy ra thường xuyên, các bác sĩ, y tá làm việc hết công suất. Có ngày còn không đủ thời gian để ngồi uống cốc nước” – một bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói.

TP. Hà Nội hiện có 4 nhà hộ sinh (gồm nhà hộ sinh A Ngô Quyền; nhà hộ sinh B Lò Đúc; nhà hộ sinh Đống Đa, nhà hộ sinh Ba Đình) được đầu tư khá khang trang, sạch sẽ.

Tuy nhiên, theo thống kê 7 tháng đầu năm 2012, Nhà Hộ sinh Ba Đình chỉ đỡ đẻ được cho 150 trường hợp, Nhà hộ sinh B đỡ đẻ cho 98 ca, Nhà hộ sinh A trung bình mỗi tháng cũng chỉ tiếp nhận 30 – 35 ca sinh.Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, số ca khám bệnh, sinh tại bệnh viện mỗi ngày một gia tăng, năm 2012, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 140 -150 ca khám, và hơn 100 ca đẻ. Tương tự, tình trạng quá tải này cũng xảy ra thường xuyên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.


Minh Minh