Người tiêu dùng Việt Nam đã từng biết nhiều loại đồ chơi, hoa quả có chất bảo quản từ Trung Quốc có chứa chất độc hại, chất gây vô sinh. Mới đây lại thêm một "thủ phạm" được gọi tên, đó là màng bọc thực phẩm PVC.

Màng bọc thực phẩm Trung Quốc gây vô sinh

Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 28/7 công bố 15 trong số 16 loại màng bọc bảo quản thực phẩm PVC có chất dẻo cấm sử dụng DEHA - chất phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết.

Một người dân Bắc Kinh gần đây phát hiện, sau khi dùng màng bọc thịt chín vài hôm, trên lớp màng có một lớp mỡ dày trông không giống với dầu mỡ của thức ăn. Được biết, chị này đã dùng loại màng bọc PVC.

{keywords}
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên sử dụng màng bọc PE.

Theo thành viên Hội đồng đào tạo chuyên gia về bao bì Trung Quốc Yang Weimin, màng bọc PVC thường có thêm chất dẻo. Chất dẻo này không tan trong nước lạnh nhưng khi ở nhiệt độ 60 độ C trở lên hoặc trong môi trường dầu mỡ sẽ kết tủa. Thứ mà người phụ nữ nói trên phát hiện chính là chất dẻo trong màng bảo quản.

Năm 2005, Trung Quốc đã cấm các doanh nghiệp sử dụng chất dẻo DEHA để sản xuất màng bảo quản thực phẩm. Một kết quả phân tích của  cơ quan chức năng cho thấy: 16 thương hiệu ở 15 quốc gia chứa chất dẻo bị cấm DEHA. Trong số đó, loại thấp nhất vượt ngưỡng 98 lần, cao nhất vượt ngưỡng 472 lần, còn trung bình đều vượt quá mức cho phép 200 lần.

Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng tốt nhất nên sử dụng màng bọc PE, nếu sử dụng màng bọc PVC thì không nên trực tiếp bọc đồ chín và không nấu trong lò vi sóng.

Cách phân biệt màng bọc PVC và màng bọc PE:  Màng bọc màu vàng là PVC, màu trắng là PE. Màng bọc PE ít dính tay khi sờ vào, dễ dàng bóc ra, còn màng PVC thì dính chặt, không dễ dàng bóc ra. Màng PE đốt cháy nhanh, còn màng PVC sẽ khó bắt lửa hơn và khi cháy có mùi hắc.

Một chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết: "Sự nguy hại chính là ảnh hưởng tới hoóc môn, làm rối loạn hệ thống nội tiết, khiến estrogen tăng, nội tiết tố nam giảm. Kết quả, nữ sớm dậy thì, nam vô sinh, đặc biệt là sự phát triển bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng".

Màng bọc thực phẩm được sử dụng phổ biến để bao gói thực phẩm, nó là vật dụng có mặt trong hầu hết các gia đình vì tính tiện dụng, bám dính tốt và giá rẻ.

Bé trai vô sinh, bé gái dậy thì sớm vì thú nhún

Cuối năm 2012 cơ quan quản lý ở Singapore đã kiểm tra, phát hiện chất phthalate độc hại trong sản phẩm đồ chơi thú nhún dành cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Singapore đã cho thu hồi loại đồ chơi có chứa chất độc hại này.

{keywords}
Thú nhún có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: TN

Các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã lấy một số mẫu đồ chơi trẻ em này để kiểm tra. Vào ngày 22/1 vừa qua, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ) đã công bố kết quả kiểm nghiệm trên hai mẫu thú nhún Trung Quốc khẳng định hàm lượng phthalate có trong thú nhún cao bất thường. Một số mẫu chứa chất phthalate cao gấp 5-9 lần so với tiêu chuẩn thế giới.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, các hợp chất của phthalate có thể gây tình trạng nữ tính hóa ở bé trai và dậy thì sớm ở bé gái nếu bị nhiễm chất độc này lâu dài.

Đồ chơi xe điều kiển của Trung Quốc chứa độc

Đồ chơi xe điểu khiển dùng pin MH9996M do Trung Quốc sản xuất cũng có hàm lượng chất gây ung thư, vô sinh ở trẻ em trong vượt xa mức cho phép. Một kiểm nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM cho thấy đối với mẫu đồ chơi xe điểu khiển dùng pin MH9996M do TQ sản xuất được bày bán tại một cửa hàng đồ chơi tại quận Phú Nhuận, TP.HCM có hàm lượng chất phthalate trong sản phẩm này vượt xa mức cho phép.

{keywords}
Đồ chơi xe điều khiển từ Trung Quốc.

Cụ thể, kết quả thử nghiệm trên các bánh xe đồ chơi ở mức 206.700 mg/kg. Theo qui định của một số nước tại châu Âu, Mỹ (Việt Nam chưa có qui chuẩn đối với chất này) hàm lượng an toàn của chất này trên các sản phẩm đồ chơi trẻ em không được vượt quá 1.000 mg/kg.

Búp bê Trung Quốc khiến trẻ vô sinh

Ngày 24/6, Bộ Y tế Cộng hòa Séc vừa đưa ra lời cảnh báo loại búp bê có tên là “Lovely girl” được sản xuất ở Trung Quốc có chứa chất độc phthalates, có thể ảnh hưởng xấu đến cơ quan sinh sản của bé.

{keywords}

Theo Bộ Y tế Séc, búp bê Lovely Girl có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ chất liệu có thể gây nguy hại đến sức khỏe với một hàm lượng vượt quá quy định. Theo các thanh tra y tế, khi chơi búp bê này, các chất độc dạng phthalates có khả năng ngấm vào cơ thể của trẻ qua đường da hoặc tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt đến cơ quan sinh sản.

Được biết, loại búp bê này dài khoảng 27cm, có tóc dài màu sáng được buộc cao, mặc áo váy màu hồng có ánh kim và buộc sau cổ, đi giày hồng, bọc trong hộp giấy có nhựa trong suốt màu hồng. Trên bao bì búp bê có ghi tên tiếng Anh (Style, Lovely Girl, Happy every day set).

Trước đó, loại búp bê bằng nhựa, cạo 15cm với tóc màu xanh-tím và váy vàng ren trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng được Bộ Y tế Séc cảnh báo có chứa chất độc nguy hiểm.

Chất bảo quản nho, mận, lựu Trung Quốc có thể gây vô sinh

Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT kiểm nghiệm trên mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc và phát hiện chứa carbendazim và tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần, theo thông tin trên báo Kiến thức.

{keywords}

Đây là những chất diệt nấm sử dụng trong bảo quản trái cây mà nếu dùng vượt quá mức cho phép có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khoẻ. Carbendazim và tebuconazole đều là hóa chất diệt nấm trên rau củ quả. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, được tìm thấy là chất gây tổn thương tinh hoàn và mào tinh ở chuột thí nghiệm và chuột đồng. Ở Nhật Bản, khi thử nghiệm hóa chất carbendazim trên các loài chim trưởng thành và có hoạt động tình dục, cho thấy, khả năng gây vô sinh ở những con chim tiếp xúc kéo dài với carbendazim.

Đối với benomyl kích ứng da có thể xảy ra thông qua tiếp xúc với benomyl trong công nghiệp, trồng hoa, hái nấm. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho chó ăn benomyl trong khẩu phần ăn trong ba tháng cho thấy thay đổi chức năng gan ở liều cao nhất (150mg/kg). Khi tiếp xúc thời gian dài với hóa chất gây tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ phân loại benomyl như là hợp chất có thể gây ung thư. Hai năm nghiên cứu thử nghiệm qua chuột đã cho thấy nó có thể gây gia tăng các khối u gan. Bộ Nông nghiệp Thủy sản và Thực phẩm của Anh cũng đưa ra quan điểm này và cho rằng benomyl mang lại hiệu ứng độc cho gan.

Ngoài ra, nó còn gây dị tật bẩm sinh, nếu người mẹ tiếp xúc với một liều cao bất thường của benomyl thông qua nghề nghiệp của mình trong thời gian mang thai thì ảnh hưởng đến sự hình thành của các dây thần kinh thị giác ở thai nhi.

Thuốc diệt nấm tebuconazole được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Đồng thời, văn phòng cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ cho rằng, tebuconazole được liệt kê như là một chất gây ung thư có trong danh sách thuốc trừ sâu chứa chất gây ung thư với đánh giá thuộc loại C.

Mặc dù biết những tác hại của chất diệt nấm thực vật với sức khoẻ con người, nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên các chủ hàng vẫn sẵn sàng sử dụng hóa chất với nồng độ vượt mức cho phép để bảo quản rau củ quả, nhất là đối với rau, quả nhập từ Trung Quốc.

Dù cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng hiện nay trái cây Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường nước ta, không chỉ ở các chợ, lề đường mà còn có cả trong các siêu thị như bắp cải, khoai tây, táo, lê, lựu... Những loại hàng này độc nhưng lại tiêu thụ nhanh, bởi biết cách đánh vào thị hiếu người tiêu dùng là giá rẻ và hình thức bắt mắt.

M.T (tổng hợp)