Giá một cuộc phỏng vấn “người rừng” 500 ngàn -1 triệu đồng. Dẫn vào thăm ngôi
nhà tổ chim của “người rừng” phải trả 3 - 4 triệu đồng. Thông tin về “người
rừng” bị mang ra kinh doanh khiến nhiều người rất bức xúc.
Sau khi Quảng Ngãi phát hiện hai cha con ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn
Lang (40 tuổi) sau 40 năm sống biệt lập trong rừng, chuyện “người rừng” và nơi ở
của “người rừng” đã thu hút sự tò mò của nhiều người. Cũng vì thế mà ông Hồ Minh
Lâm, người cháu ruột của “người rừng” Hồ Văn Thanh đã “hét giá” một cuộc phỏng
vấn “người rừng” 500 ngàn - 1 triệu đồng, muốn vào thăm ngôi nhà “tổ chim” của
“người rừng” phải trả 3-4 triệu đồng. Ông Lâm còn đem các đồ tự tạo của cha con
“người rừng” ra bày bán với giá cắt cổ.
Xung quanh chuyện người cháu ruột “hét giá” với những người muốn tiếp cận người
rừng, có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (phải) và Hồ Văn Lang (trái) - Ảnh VNE. |
Họ hàng kiểu gì?
Độc giả Lan Anh cho biết, chị rất sốc khi đọc tin cháu ruột của “người rừng”
mang đồ vật của hai cha con “người rừng” ra kinh doanh.
“Sao lại có kiểu họ hàng máu mủ như này chứ? Bảo sao hai cha con người rừng đòi
về lại núi rừng để sinh sống. Sống ở nơi được cho là văn minh mà đến họ hàng
cũng lợi dụng nhau để kiếm chác. Thật không ra làm sao”, độc giả này bày tỏ.
Cũng bức xúc với hành động của người cháu ruột, độc giả Minh Luân còn lo ngại
đến số phận của người rừng khi sống cạnh những người thân hám tiền như vậy.
Độc giả Luân chia sẻ: “Lúc đầu thấy người thân, họ hàng chăm sóc ông lão người
rừng trong viện còn thấy mừng. Giờ đọc tin này thấy họ chăm sóc cho ông lão chắc
cũng vì những thứ này, nghĩ là kiếm được tiền từ hai cha con này đây. Giả dụ giờ
không ai quan tâm đến hai cha con người rừng nữa có khi người thân họ hàng lại
đưa họ về rừng vì hết giá trị lợi dụng ấy chứ”.
“Lúc đầu thấy người rừng may mắn vì vẫn còn họ hàng, người thân. Giờ lại thấy họ
bất hạnh vì gặp phải những kẻ mang cả người thân mình ra kinh doanh buôn bán”,
một độc giả khác tiếp lời.
Một cách hay để bảo vệ cha con “người rừng”
Ngôi nhà tổ chim của hai cha con “người rừng” (Ảnh: VietNamNet) |
Bên cạnh sự búc xúc với hành động kinh doanh của ông Lâm, cháu ruột của
“người rừng”, một số ý kiến lại cho rằng đây là cách hay để bảo vệ cha con người
rừng khỏi sự hiếu kỳ của mọi người.
“Người rừng cần sự yên ổn để quay về cuộc sống đời thường. Nếu mọi người cứ tiếp
tục quan tâm, soi mói đời sống của họ thế này rất khó. E đây cũng là cách hay để
bảo vệ cha con người rừng trước sự tò mò của mọi người”, độc giả Lê Ngọc chia
sẻ.
Ông Lâm - cháu ruột của “người rừng” Hồ Văn Thanh bày tài sản của cha con “người rừng” và hét giá khủng với mọi người (Ảnh: VOV) |
Toàn bộ đồ dùng tự làm của hai cha con “người rừng” (Ảnh: Dân trí) |
Còn độc giả Trần Quang thì cho rằng, việc “hét giá” với báo chí là đúng, vừa là cách để bảo vệ cha con người rừng trước sự đeo bám của nhà báo. “Báo chí đưa tin nhiều thế là quá đủ rồi, không nên bới móc thêm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta nữa”, độc giả này nói.
Độc giả Hoàng Ngân cũng cho rằng, thu tiền phỏng vấn của nhà báo là đúng, có như thế hai cha con “người rừng” mới được bình yên, vừa thể hiện một cung cách làm báo chuyên nghiệp.
“Nhà báo viết bài có nhuận bút, báo ăn quảng cáo. Vậy người cung cấp thông tin cũng phải được trả phí chứ. Có lẽ báo chí nên quen dần với việc trả tiền để có thông tin. Đó mới là hướng đi chuyên nghiệp”, độc giả Ngân nói.
K. Minh (tổng hợp)