Núi Thánh Giá là một ngọn núi cao nhất Côn Đảo, với những truyền thuyết nổi tiếng về tình yêu. Tương truyền rằng những cặp đôi nào đứng trên đỉnh núi và nắm tay nhau nhìn mặt trời lặn sẽ được bên nhau trọn đời.
Nằm ở khu vực phía Tây Nam đảo Côn Sơn. Từ Thị trấn Côn Sơn đến chân núi khoảng 3 km và lên đỉnh núi khoảng 6 km. Tổng diện tích khu vực khoảng 2 ha.
Người dân địa phương nói rằng, lên được đỉnh núi Thánh Giá là có thể ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo này trong tầm mắt. Nhưng thực tế lại rất ít người đặt chân được lên đó bởi dốc đứng ngút ngàn, trơn trượt, hiểm nguy, quanh năm sương giăng mờ ảo. Vậy mà những người lính radar Trạm 590, thuộc Trung đoàn ra đa 251 (Vùng 2 Hải quân) vẫn hằng ngày lên, xuống làm nhiệm vụ trên “đỉnh mờ sương”, dõi “mắt thần” bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Gọi là đỉnh mờ sương là bởi ngọn núi cao vút này mỗi năm có tới 9 tháng sương mù che phủ nên người dân ở đây gần như đã quên cái tên núi Thánh Giá ban đầu. Người cao tuổi ở địa phương cũng không còn nhớ núi Thánh Giá có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu, lâu lắm rồi ngọn núi xa xa, cao ngất kia có hình thù trông giống một cây thánh giá. Nhưng do thời gian và sự tàn phá của con người, của bom đạn chiến tranh nên hình thù ấy không còn như xưa nữa. Bởi vậy, cái tên núi Thánh Giá cũng dần bị mai một, chỉ còn… trên bản đồ.
Để chinh phục núi Thánh Giá, du khách phải leo trên một con đường độc đạo, chênh vênh, vắt vẻo. Trên đường đi du khách sẽ đi qua khu vực hồ An Hải, đây là một trong hai hồ nước ngọt lớn nhất cung cấp nước ngọt cho toàn huyện đảo. Du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi nhìn thấy ngay trên hòn đảo nhỏ giữa biển khơi lại có một hồ nước ngọt với cả các loài động thực vật của một vùng phù sa nước ngọt.
Mất khoảng hơn một giờ đồng hồ, du khách sẽ chinh phục ngọn núi Thánh Giá. Khi lên tới đỉnh núi, du khách sẽ quên đi những mệt nhọc vừa trải qua khi được hòa mình vào một không khí mát mẻ, dễ chịu, có mây mù bao phủ xung quanh.
Trên đỉnh núi không khí như ở Đà Lạt. |
Đặc biệt, từ trên đỉnh núi, du khách có thể quan sát toàn cảnh quần đảo Côn Sơn từ trên cao, với thảm thực vật rừng nhiệt đới, một vùng biển cả mênh mông, các hòn đảo lớn nhỏ xung quanh đảo lớn, nhìn thấy Thị trấn Côn Đảo và hoạt động của tàu thuyền ở vịnh Côn Sơn…
Thị trấn Côn đảo nhìn từ đường lên núi Thánh Giá. |
Trở về Thị trấn Côn Đảo, du khách sẽ men theo đường ven núi vòng quanh khu dân cư của đảo chính Côn Sơn để biết thêm về cuộc sống của người dân nơi đây và nhìn ngắm sự hùng vĩ của núi rừng. Dưới chân núi du khách sẽ dừng chân ghé thăm chùa Phi yến một địa điểm văn hóa lịch sử tại Côn Đảo.
An Sơn Miếu (Miếu Bà) thờ Thứ phi Phi Yến nằm ở một vị trí cực đẹp sát chân núi. Miếu tựa lưng vào sườn núi, phía trước là con đường dẫn ra hai cái ao sen nước trong như gương. Xa hơn là bờ biển uốn lượn hình cánh cung với những bãi cát tuyệt đẹp, một điểm đến hấp dẫn của du lịch. Ngôi miếu thờ Thứ phi được lập từ cả trăm năm trước, ngay sau khi bà từ trần. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, công trình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và dáng vẻ ban đầu. Miếu thờ Thứ phi Phi Yến có quy mô lớn hơn bất cứ một ngôi miếu nào ở đất liền, tương đương với một ngôi đền hoặc ngôi chùa. Vì thế, di tích này còn được người dân Côn Đảo gọi bằng những cái tên khác: Đền thờ Bà hay Chùa Bà. Về kiến trúc, công trình vừa mang dáng dấp của một ngôi đền, vừa gần với ngôi chùa. Điều này một phần lý giải, Thứ phi Phi Yến trong đời sống tinh thần của người dân Côn Đảo vừa như một vị Thành Hoàng Làng, vừa như một vị Quan âm Bồ Tát. Vị trí trang trọng nhất trong ngôi miếu là nơi đặt bức tượng bà Thứ phi. Tượng mang hình dáng của một đức bà Quan âm, gương mặt đượm buồn, thần thái toát lên vẻ thanh cao, thánh thiện.
(Theo TTVN)