Tôi chỉ muốn những bà vợ, những chị em đang làm dâu thôi kể xấu về nhà chồng vì bố mẹ chồng không biết, chồng không biết đã có trời biết, đất biết tấm lòng của các cô rồi. Dù mẹ chồng thế nào, hãy học cách chấp nhận và yêu thương bà cùng những người nhà chồng trước.
Gần đây hình như có hiện tượng một số chị em ra ngoài quên mang theo não thì phải. Bởi hàng ngày ở cơ quan, tôi mở internet ra là thấy nhan nhản các diễn đàn phụ nữ. Nhất là tôi đọc nhiều bài viết mang mục đích tâm sự câu chuyện thật của mình nhưng thực chất hình như chẳng phải vậy. Những người đàn bà mặt dày này hình như chỉ muốn lên đâu kể xấu nhà chồng và biện hộ cho thói làm dâu vụng về của mình.
Dường như những chị em đang và sẽ làm dâu này không hiểu một điều rằng: không có lửa làm sao có khói. Các chị em chỉ biết trách cứ mẹ chồng và quên mất nhìn lại bản thân mình cũng đã tốt hoàn hảo chưa.
Tôi thấy, mỗi miền một văn hóa khác nhau và không có nền văn hóa nào thấp kém hơn nền văn hóa nào. Chỉ có những con người vị kỷ hèn hạ mới cố tình so đo phân biệt những người xung quanh mình.
Các chị chê người Bắc thế này, người Nam thế nọ với tâm lý coi nơi chôn nhau cắt rốn của mình là nhất. Các chị tỏ vẻ cao thượng, thương yêu đồng bào là thế mà sao không biết yêu quý những người sống gần mình là nhà chồng, lại còn chỉ trích không tiếc lời? Thế nên tôi mới nghĩ, không có nền văn hóa xấu, chỉ có người xấu cố tình đổ lỗi cho nó mà thôi.
Tôi là một người đàn ông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo miền Bắc. Nhưng những điều tôi nói không phải để bào chữa giữ gìn danh dự mà để cho những người đang còn tư tưởng phân biệt vùng miền có thêm một ví dụ điển hình và một cách nghĩ tích cực khác.
Nhà tôi nghèo, bố mẹ ở quê hết. Tuy cuộc sống của họ không phải là nông dân nhưng chung quy lại lương công nhân của họ vẫn thuộc diện nghèo so với mặt bằng xã hội. Theo tư duy của bạn Đ.A.N, mẹ chồng nghèo là chúa hay xun xoe nịnh bợ con dâu giàu, tìm cách moi tiền người khác nhưng vô cùng bủn xỉn. Tôi nghe những lời này của bạn mà thấy chua xót quá. Bởi bố mẹ tôi cũng là người Bắc. Thế nhưng bao năm qua, dù bị vợ tôi thời kỳ đầu đối xử rất có thành kiến nhưng họ chưa bao giờ ghét con dâu.
Thời gian đầu vợ tôi rất mặc cảm với mẹ chồng, khuyên giải thế nào cũng không được. Nhưng dần dần, thời gian là câu trả lời tốt nhất. Bây giờ cô ấy thừa nhận, mẹ chồng còn tốt hơn cả mẹ ruột. |
Chúng tôi ở thành phố vì bận công việc nên rất ít về thăm ông bà. Không những không chạnh lòng, ông bà còn thường xuyên bắt xe lên thăm vợ chồng chúng tôi. Lần nào lên, ông bà cũng tay xách nách mang nào gà qué, hoa quả, rau xanh…
Mang tiếng là lên chơi nhưng mẹ tôi luôn kiếm việc nhà làm giúp con dâu không ngơi nghỉ. Thỉnh thoảng bà có phàn nàn và nhắc nhở tính luộm thuộm lơ đễnh của vợ tôi, song tôi thấy những lời bà nhắc nhở đều thẳng thắn và có thành ý.
Không chỉ thương con, bà còn rất yêu cháu. Bà chăm cháu từng miếng ăn giấc ngủ còn khéo léo hơn xa vợ tôi. Mua cho cháu bao nhiêu quà vậy mà đến lúc về thể nào bà cũng rút túi cho cháu hết những đồng tiền mình chắt cóp được. Chẳng thế mà trong mắt con tôi, ông bà nội luôn là số 1. Nhưng đáng buồn là thời gian đầu làm dâu, vợ tôi lại không nghĩ thế.
Với cô ấy, mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào đời sống hôn nhân của con cái. Bằng chứng là hầu như tuần nào bà cũng lên thăm. Quà cáp toàn những thứ vớ vẩn bán đầy ở thành phố lại còn quý hóa và hay khắt khe việc nhà. Con dâu làm gì cũng không hài lòng.
Tôi thừa nhận là người Bắc ăn nói sắc sảo khôn ngoan nên nhiều lúc tuy nghe có vẻ không thật. Nhưng nếu ở lâu sẽ thấy được tình cảm chất chứa trong đó. Với mẹ tôi, thay vì đơn giản nói yêu thì chúng tôi sẽ mắng yêu. Càng già, mẹ tôi lại càng hay cư xử như thế.
Tôi đã cố gắng giải thích với vợ rằng đó chỉ là sự khác biệt về cách thức giao tiếp và thể hiện tình cảm. Nhưng cô ấy cứ ngoan cố không chịu hiểu.
Chăm sóc và đôi khi biếu xén bố mẹ chút quà cáp là bổn phận của người làm con nhưng vợ tôi lại đánh đồng điều đó thành hành vi lợi dụng, moi của. Bố mẹ sinh ra và nuôi nấng tôi bao nhiêu năm, bây giờ báo hiếu một chút thì bị gọi là moi của sao?
Vợ tôi cũng như bao nhiêu cô vợ khác, họ mặc định sẵn là sẽ ghét mẹ chồng, sẽ không thể gắn bó với nhà chồng khi làm dâu. Vì thế, khi làm điều nào đó cùng bà, vợ tôi luôn có tâm lý phòng bị và phòng trừ. Cô ấy hầu như làm miễn cưỡng và cho xong bổn phận. Rồi thậm chí có lúc cô cũng nói xấu mẹ chồng với đồng nghiệp.
Mẹ của tôi, qua những câu chuyện phiến diện kia đã được thêm mắm dặm muối của vợ tôi bỗng trở nên đáng sợ, quá quắt hơn với cô ấy. Và tất nhiên, vợ tôi càng khó chịu và khẳng định những điều cô ấy nói là đúng.
Nhưng ở lâu sẽ biết lòng người có nhân. Thời gian đầu vợ tôi rất mặc cảm với mẹ chồng, khuyên giải thế nào cũng không được. Nhưng dần dần, thời gian là câu trả lời tốt nhất. Bây giờ cô ấy thừa nhận, mẹ chồng còn tốt hơn cả mẹ ruột. Mẹ cô ấy đon đả niềm nở thì mẹ tôi lại sâu sắc chu đáo. Mỗi người mỗi ưu điểm, mỗi cách thể hiện.
Dạo trước về quê, mẹ tôi cho cháu một số tiền khá lớn. Hỏi ra mới biết đấy là tiền bà tiết kiệm được cộng với số tiền những lần vợ chồng tôi biếu xén. Suốt 9 năm, từ khi vợ tôi về làm dâu, bà đã không tiêu phạm đến một xu nào. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của mẹ. Còn vợ tôi khá sửng sốt và không tránh khỏi cảm thấy xấu hổ khi đã nghĩ những điều không hay về bà.
Cũng có một sự kiện nữa khiến vợ tôi thay đổi định kiến về mẹ chồng. Một lần cô ấy ốm, tôi lại đi công tác xa, trong khi mẹ ruột chưa ra kịp thì mẹ tôi đã tất tả lên thành phố chăm sóc. Bà thay cô ấy lo hết việc nhà và ở bên lo lắng. Vẫn giọng điệu thâm thúy quen thuộc của mẹ tôi nhưng giờ cô ấy đã cảm nhận được tình yêu trong đó.
Tấm lòng của bà lúc ấy đã khiến vợ tôi cảm động. Rồi dần dần cô ấy chủ động hơn trong việc gần gũi mẹ chồng và cảm thấy gắn bó với nhà chồng hơn từ đấy.
Tôi kể ra đây câu chuyện của nhà tôi nói chung và vợ tôi - mẹ tôi nói riêng. Tất nhiên, tôi cũng rất vui và tự hào với một cái kết đẹp như thế này. Là người đàn ông, người chồng, người cha, tôi cũng rất mong những chị em đi làm dâu đều có cái kết đẹp như vợ tôi. Nhưng tôi nghĩ, muốn làm được điều này vừa khó vừa không quá khó. Bởi những ai có thiện chí và muốn được yêu thương thì đều sẽ làm được.
Tôi chỉ muốn những bà vợ, những chị em đang làm dâu thôi kể xấu về nhà chồng vì bố mẹ chồng không biết, chồng không biết đã có trời biết, đất biết tấm lòng của các cô rồi. Thay vào đó, dù mẹ chồng thế nào, các chị em hãy học cách chấp nhận và yêu thương trước mẹ chồng, những người nhà chồng mình. Hãy chấp nhận chịu thiệt thòi, bực mình trước 1 chút thì tôi nghĩ có sao đâu.
Đặc biệt, xin đừng bao giờ lấy lý do mẹ chồng vùng này, con dâu vùng kia ra để bào chữa cho những định kiến cá nhân. Như vậy thực sự không đúng, lại xúc phạm người khác và bản thân các chị chị em nếu giữ mãi tư tưởng này khi làm dâu sẽ chẳng bao giờ sống trong hạnh phúc thực sự.
(Theo Afamily)