Con dâu mới "méo mặt" vì bị mẹ chồng gặng hỏi của hồi môn, vợ chồng ly tán sau cưới chỉ vì lục đục tiền nong "nhà anh-nhà tôi", sui gia không nhìn mặt nhau do mải “dằn mặt” nhau vì tiền… Của hồi môn là nỗi ám ảnh của không ít người trước chuyện đại sự.

{keywords}

Cuối năm 2012, người dân một vùng quê ở huyện Chợ Mới, An Giang được dịp xôn xao khi kể về đám hỏi của con gái ông giáo Hữu Trí (*). Vợ chồng ông Trí là giáo viên nhưng gia đình kinh doanh thêm cây xăng nên tương đối khá giả. Ngày đám hỏi của con, theo phong tục miền Tây, nhà trai sẽ công bố số “tiền đồng tiền tết” (tiền nhà trai phụ giúp nhà gái lo tiền cỗ bàn đám hỏi, đám cưới), sau đó, nhà gái sẽ công bố phần hồi môn cho con gái. Lần đó, nhà trai vừa cho biết số tiền họ sẽ “tài trợ” là 50 triệu, thì ba cô dâu đứng lên dõng dạc: Phần hồi môn cho con gái là 500 triệu, kèm một chiếc vespa. Quan khách đang ăn uống khí thế bên ngoài nghe vậy bỗng dừng đũa, ồ lên một tiếng rõ to. Nhắc chuyện này, nhiều người chặc lưỡi: Số tiền này ở quê mình nhiều người làm cả đời cũng chưa có.

Chuyện nhạy cảm mẹ chồng - nàng dâu

Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ vui vui cho thấy, câu chuyện tiền nong trong đám cưới luôn có... sức hút. Những nhân vật trong câu chuyện trên đến nay vẫn có cuộc sống êm đẹp. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế.

Vừa biết tin em gái mình rục rịch muốn cưới, chị Hồ Ngọc Lan (27 tuổi, Q. Gò Vấp, TP. HCM) tức tốc về quê Bình Phước nói chuyện với ba mẹ về... của hồi môn. Bởi chị sợ em lặp lại vết xe đổ của mình. Gia đình chị Lan là nhà vườn, sống giản dị, không quá coi nặng chuyện hình thức tiền nong nên cách đây 3 năm, chị chuẩn bị đám cưới một cách khá vô tư. Chồng chị cũng biết được gia cảnh, lối sống nhà chị nên chị càng yên tâm. Chưa kể, trước khi cưới, chị khá được lòng mẹ chồng vì là cô gái đảm đang, ngoan hiền.

Ai ngờ, cưới xong, nửa tháng sau, chị được mẹ chồng gọi vào buồng tỉ tê dò hỏi con dâu được ba mẹ cho bao nhiêu của hồi môn “làm vốn”. Bà đề nghị chị đưa số tiền vàng đó cho bà giữ giúp. Chị thật thà cho biết, mình được nhà cho 3 chỉ vàng nhưng đã đưa lại 2 chỉ cho em gái trang trải việc học đại học.

Thấy vậy, mẹ chồng thất vọng ra mặt. Sau lần đó, chị nhận thấy tình cảm của bà có phần lạnh nhạt. Có bữa cơm, bà nói xa xôi: “Vợ chồng bây cưới nhau tay trắng, không có mấy đồng dính túi thì mỗi đứa ráng tự làm ăn, đừng đứa nào ăn bám đứa nào”. Nghe tới đây, biết mình đang bị ám chỉ bóng gió, chị chết điếng. Đem chuyện tâm sự với chồng, chị bất ngờ hơn khi biết, hóa ra bà còn nghi ngờ chị giấu tiền hồi môn lại làm của riêng. Anh là người con hiếu thảo nên cũng không dám bênh vợ. Dù chồng an ủi, chị vẫn thấy bị xúc phạm nặng nề.

Tố nhau lừa đảo vì mất của

Ngược với chị Ngọc Lan, gia đình chị Hoàng Thị Hương (Bình Dương) đến nay chưa quên ám ảnh chuyện bị lừa của hồi môn. Chị Hương là con nhà khá giả, nhưng vốn kém sắc, giao tiếp cũng không tốt, 32 tuổi, chị vẫn một mình. Rồi chị gặp anh Hải, nhân viên kinh doanh chuyên “bỏ mối” hàng hóa cho cửa hàng nhà chị. Sự từng trải, quan tâm của anh làm chị có cảm tình. Qua lại một thời gian, anh ngỏ lời yêu rồi họ lấy nhau.

Mừng rỡ khi con gái có chốn nương tựa, nhà chị mạnh tay “chi” 10 cây vàng làm của hồi môn. Hai tháng sau, nhà chồng ngỏ ý mượn số tiền này để góp vào mua miếng đất. Chị Hương hơi ngạc nhiên vì trước nay chưa bao giờ nghe chồng nhắc ý định mua đất, chị biết gia đình chồng không phải khá giả. Nhưng sau khi được mẹ chồng, em chồng “bàn vô” cần tranh thủ mối hời, chị Hương xiêu lòng đồng ý.

Nhưng 1 tháng, 3 tháng trôi qua, chuyện đất đai không rục rịch, chị Hương mới vỡ lẽ, số tiền đó được nhà chồng dùng để... trả nợ. Nghe chuyện, nhà gái kéo sang “làm to chuyện” thì anh chồng trốn mất, để lại mẹ với em ở lại “ăn thua đủ”. Khẩu chiến tưng bừng, nhà gái dọa kiện nhà trai, chị Hương đệ đơn ly hôn vì cho rằng chồng đến với mình chỉ vì tiền. Ở nhà, chị cũng bị gia đình chì chiết là ngu, “dại trai”.

Cuộc đua mệt mỏi

Thời buổi vàng cao giá, nhiều bậc cha mẹ chần chừ việc cưới xin của con cái chỉ vì mặc cảm chưa đủ tiền sắm của hồi môn đàng hoàng. Lại có người không muốn cha mẹ phải lục đục tiền nong nên cương quyết hoãn đám cưới. Cũng có cô gái kiên quyết cắt đứt với người yêu vì nhận ra anh ta chỉ chăm chăm muốn biết số hồi môn cô sẽ nhận được từ ông bố giàu có là bao nhiêu. Hay ngược lại, có người đàn ông sau khi cô vợ nhà giàu đem về số của hồi môn kếch xù, anh bỗng tự ái khi người ngoài cứ nói xa gần rằng anh “ngồi mát ăn bát vàng”, bám hơi vợ. Khởi đầu của hạnh phúc trăm năm hóa ra đã bị vật chất chi phối không ít...

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

(Theo TGGĐ)