- Dù là chế độ bồi dưỡng riêng cho bà đẻ, nhưng mỗi lần thấy con trai mang đồ ăn cho vợ, ông bố lại chép miệng hỏi, thế không có phần của bố à?

Lấy chồng sau 3 năm, 2 vợ chồng Minh (Khu đô thị Xa La – Hà Đông – Hà Nội) mới chạy vạy vay mượn đủ tiền để mua được căn hộ chung cư rồi đón bố mẹ chồng ở quê ra chung sống.

Không ngờ, từ khi sống chung, bao nhiêu mâu thuẫn gia đình mới bắt đầu nảy sinh. Từ chuyện bố mẹ chồng và nàng dâu không hòa hợp về quan điểm, lối sống, cách ăn uống, đến những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Tuy nhiên, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm nhất vẫn là từ lúc Minh mang bầu.

{keywords}
Ảnh minh họa

Minh tâm sự, “Mình mang bầu đúng vào lúc 2 vợ chồng vừa dồn sạch tiền vào việc mua nhà. Vì thế việc ăn uống, chi tiêu phải dè sẻn tới mức tối đa, chế độ bồi dưỡng riêng cho bà bầu cũng không hề có. Đến khi mang bầu sang tháng thứ 7, đi khám siêu âm, bác sĩ bảo, đứa nhỏ quá gầy, mẹ thì xanh xao, yếu ớt nên đề nghị phải ăn bồi dưỡng nhiều hơn.

Rồi vừa nói, bác sĩ vừa kê ra một loạt các loại thức ăn, đồ uống, sữa … có chứa chất dinh dưỡng cần phải bổ sung, sau đó đưa cho chồng mình, yêu cầu phải thực hiện nghiêm nếu không muốn con sinh ra bị suy dinh dưỡng và mẹ không đủ sức để đẻ.

Lo lắng cho sức khỏe của vợ và con, nên sau hôm đó, chồng mình quyết định đầu tư cho vợ bằng cách sắm đầy đủ khẩu phần ăn cho vợ theo như lời dặn của bác sĩ, còn anh và bố mẹ vẫn phải ăn theo chế độ ăn tiết kiệm như cũ vì 2 vợ chồng không đủ diều kiện.

Thế nhưng, bố mẹ chồng mình không đồng ý như vậy, lần nào thấy con trai chuẩn bị đồ ăn cho vợ, mẹ chồng mình cũng dặn anh phải để lại một nửa cho bố bồi dưỡng, dù rằng ông cụ lúc nào béo tốt khỏe mạnh. Thế rồi, ông cụ thản nhiên ngồi ăn một mình mà không hề đắn đo, suy nghĩ.

Thậm chí, khi cụ bà chưa kịp nhắc con trai thì ông cụ đã chép miệng hỏi phần của mình. Rồi vừa ăn, cụ lại vừa kể lại chuyện thời xưa, cái thời mà mẹ chúng mày chỉ ăn sắn độn khoai, thỉnh thoảng lắm mới được bữa cơm no bụng, ấy thế mà vẫn đẻ ra 6 đứa con bụ bẫm. Đâu phải như bây giờ, của ngon vật lạ ăn không hết, vậy mà đẻ con vẫn thiếu cân, thiếu tháng, lại ốm đau bệnh tật.

Rồi cụ tóm lại, không phải bồi dưỡng nhiều, cứ ăn khỏe cơm, khỏe rau là mẹ khỏe con khỏe”.

Nhưng nào Minh có ăn được nhiều cơm, mỗi bữa, cố gắng lắm Minh cũng chỉ ăn được nửa bát. Thế nên, người cứ gầy nhẳng, bầu đến tháng thứ 8 mà Minh cũng chỉ tăng được 8kg khiến không chỉ bạn bè mà bác sĩ siêu âm cũng phải kêu lên vì xót ruột.

Mẹ Minh ở xa, nghe thấy vậy thì xót con nên tìm đủ thứ bổ dưỡng, nào trứng ngỗng, chim câu, tim cật, cá mú, hoa quả xịn để mang đến cho con, nhưng đến con chim câu bé bằng nắm tay chồng Minh vừa tần lên cho vợ, ông cụ cũng bảo phải chia đôi kẻo … Minh ăn không hết.

Kết quả là, đến gần ngày đẻ, đi siêu âm lần cuối, bác sĩ yêu cầu Minh phải lên bàn mổ gấp vì con không hề tăng kg suốt nửa tháng qua, trong khi mẹ lại quá yếu…

Minh nằm trên bàn mổ mà vừa sợ vừa tủi thân. Đến khi xuất viện ra về, những tưởng bố mẹ chồng sẽ áy náy mà thay đổi suy nghĩ, và tâm lý hơn với con dâu, không ngờ ông cụ vẫn vậy. Đến bát cháo hầm chân giò cho Minh ăn để có thêm sữa, ông cụ cũng không ngại từ chối khi chồng Minh có ý chia đôi.

Vì vậy, sau khi đưa con từ viện về nhà chưa được 1 tháng, 2 vợ chồng quyết định xin phép bố mẹ để đưa Minh và cháu về quê ngoại cho ông bà ngoại tiện bề chăm sóc và bồi dưỡng. 2 cụ không hài lòng nhưng cũng không dám ngăn cản nên chỉ nói mát vài câu khiến Minh càng thêm tủi thân.

Minh bảo, “không phải vì tiếc ông cụ bát cháo, hay ít đồ ăn, nhưng thấy rất buồn, vì 2 cụ biết con dâu gầy yếu, lại không ăn được nhiều, nhưng lúc nào các cụ cũng lặp đi lặp lại cái điệp khúc, không cần phải bồi dưỡng nhiều, cứ ăn nhiều cơm, nhiều rau vào là khỏe hết. Gầy 1 tí cũng không chết được.”

Minh Minh