Số người mắc ung thư ngày một gia tăng, độ tuổi ngày thêm trẻ hoá, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trặng này là lối sống thiếu lành mạnh, thực phẩm không an toàn, môi trường sống ô nhiễm.

Mỗi năm tăng 5,4% trường hợp mắc ung thư

Tại Việt Nam, mỗi năm, có khoảng 150.000 ca mới mắc và 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Xuất độ chung của tất cả các vị trí ung thư ở cả 2 giới tăng trung bình 5,4% mỗi năm từ 2006 đến 2010.

Ngày 9/9, trên các mặt báo cũng vừa đăng tải thông tin về làng ung thư ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa do người dân nơi đây sống cạnh môi trường hóa chất độc hại.

Theo con số thống kê từ Trạm y tế xã Yên Lâm (huyện yên Định), trong vòng hơn 10 năm nay tổng số người mắc bệnh hiểm nghèo của xã đã lên tới con số 315 người gồm các bệnh như: ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ non, sẩy thai…

Trong đó, số người mắc bệnh ung thư đã chết là 150 người, hiện tại vẫn còn hàng chục người mắc bệnh ung thư nằm chờ chết.

Thống kê mới nhất vào năm 2012 của Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, từ năm 2006 - 2010, tại TP.HCM đã có 31.660 trường hợp ung thư được phát hiện. Hầu hết các loại ung thư hàng đầu ở cả hai giới bắt đầu tăng nhanh từ tuổi 40 trở đi.

Ở nam giới, 5 ung thư hàng đầu như phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu chiếm 57,8% tất cả các vị trí ung thư. Ở nữ giới, 5 ung thư hàng đầu là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp chiếm 63,5%.

Các chuyên gia của BV Ung bướu TP.HCM, nhóm tuổi từ 0 - 14, ung thư máu chiếm vị trí hàng đầu ở cả hai giới. Mắt, thận, xương, mô mềm là các vị trí ung thư thường gặp tiếp theo.

Tiếp đến, ở nhóm tuổi 15 - 24, ung thư tuyến giáp là một trong những ung thư hàng đầu ở cả hai giới. Ung thư buồng trứng cũng bắt đầu xuất hiện trong những ung thư đứng đầu ở nữ giới.

Bên cạnh đó, ở nhóm tuổi 25 - 34, ung thư tuyến giáp vượt lên đứng hàng đầu ở cả hai giới. Ở nam giới, ung thư đại tràng và ung thư gan bắt đầu xuất hiện ở những hàng đầu. Còn ở nữ giới, đó là ung thư vú.

{keywords}
Bác sĩ Bành Hiểu Xích, Chủ nhiệm Khoa Ung bướu BV Ung bướu hiện đại Quảng Châu cho biết bệnh ung thư có thể phòng ngừa.

Gần 50% bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn

Những năm gần đây, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này đã được hạn chế nhờ những thành tựu trong lĩnh vực phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị ung thư. Mặc dù vậy, bệnh nhân Việt Nam đến khám thường đã phát bệnh ở giai đoạn muộn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ở giai đoạn I và II chiếm khoảng 50,52%, giai đoạn muộn (≥ giai đoạn III) là 49,48%. Thậm chí, có những ung thư, như ung thư vú, giai đoạn I chỉ chiếm 10%. Điều trị phần lớn ở giai đoạn bệnh đã tiến triển và hiệu quả điều trị hạn chế.

Không chỉ thế, một nghiên cứu được thực hiện trên 400 bệnh nhân tại BV K (Hà Nội) cho thấy, 1/5 trong số các bệnh nhân ung thư chỉ tìm đến dịch vụ y tế sau 6 tháng kể từ thời điểm nhận biết dấu hiệu bệnh. Những dấu hiệu bệnh như đi ngoài ra máu, táo bón của ung thư đại trực tràng khiến bệnh nhân khó chịu, hoang mang hơn là phát hiện ra một khối u ở ngực hoặc ra máu bất thường ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung.

{keywords}

{keywords}
Bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

30% nguyên nhân gây ung thư phòng ngừa được

Theo GS.BS Bành Hiểu Xích, Chủ nhiệm Khoa Ung bướu, BV Ung bướu hiện đại Quảng Châu (Trung Quốc), 30% các trường hợp ung thư đến từ 5 nhân tố chính liên quan đến các lối sống và chế độ ăn uống như béo phì, ít ăn các loại rau củ và hoa quả, lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu.

Trong đó, hút thuốc lá chính là nhân tố lớn nhất dẫn đến ung thư, chiếm tỉ lệ 22% tử vong do ung thư và chiếm 71% số người chết do ung thư phổi trên toàn thế giới. Những người nghiện thuốc lá tử vong sớm hơn những người không hút thuốc trung bình 15 năm.

Các ca bệnh ung thư do virus lây nhiễm như virus viêm gan B, virus viêm gan C và virus gây chứng sùi mào gà - Human Papilloma Virus ( HPV ) ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình chiếm 20%.

Vì vậy, để phòng tránh ung thư BS Bành Hiểu Xích khuyên người dân có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như: không ăn các ngũ cốc và các loại thực phẩm đã bị mốc; hạn chế các loại thức ăn dạng xông khói hay muối như: thịt xông khói, thịt muối, cá muối…; không hút thuốc lá (chất hắc ín có trong thuốc lá chính là nhân tố gây bệnh ung thư phổi và ung thư tuyến tụy); không uống rượu, đặc biệt là các loại rượu mạnh; không ăn các loại rau củ, hoa quả hay các loại thực phẩm khác đã bị nhiễm hóa chất…; không ăn canh và các loại thức ăn quá nóng;

Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta cần nhiều rau củ và trái cây tươi, tránh ăn cơm quá no, biết kiểm soát trọng lượng cơ thể.

Ngoài ra, phụ nữ nên đi kiểm tra định kỳ, làm các xét nghiệm đặc hiệu như PAP - SMEAR nhằm phát hiện và điều trị sớm các bất thường và tránh trường hợp biến chứng thành ung thư.

Vũ Duy